Tiếng Việt | English

20/06/2024 - 19:46

Cần bổ sung quy định cho phép sử dụng các loại khoáng sản thuộc diện thu hồi để phục vụ cho các công trình phát triển kinh tế-xã hội

Chiều 20/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tổ chức thảo luận tại tổ đối với hai dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Tham gia đóng góp dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Trần Quốc Quân-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An đề nghị bổ sung thêm các quy định cho phép sử dụng các loại khoáng sản thuộc diện thu hồi và các loại khoáng sản dư thừa để phục vụ cho các công trình phát triển KT-XH.

Thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và khoáng sản

Tham gia đóng góp cho dự thảo Luật địa chất và khoáng sản, đại biểu Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An thống nhất cao sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và khoáng sản. Vì đại biểu cho rằng sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Nhiều chính sách quan trọng vẫn còn nguyên giá trị và được tiếp tục kế thừa. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như Luật Khoáng sản chưa quy định quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; đặc biệt chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị đã nêu. Thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp; chưa phân loại các đối  tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp. Việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản còn gặp nhiều bất cập.

Đại biểu Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dận tỉnh Long An đóng góp dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng dự thảo luật cần được xây dựng trên cơ sở đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; kế thừa những chính sách giá trị và hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động địa chất, khoáng sản. Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành; góp phần bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn tiêu chí để xác định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ

Đại biểu Quân cho rằng Ban soạn thảo quy định cụ thể hơn tiêu chí để xác định khu vực có khoáng sản phận tán, nhỏ lẽ được quy định tại Điều 30 dự thảo Luật. Trong đó, cần xác định rõ quy mô nhỏ là dựa vào diện tích hay trữ lượng, hay từng loại khoáng sản…. Đồng thời, quy định rõ thẩm quyền quyết định, công bố và khoanh định khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ. Bởi thực tế cho thấy, việc thăm dò, khai thác khoáng sản trong thời gian qua có nhiều khó khăn, bất cập khi áp dụng các quy định về công tác quản lý cho cả cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị khai thác khoáng sản.

Cần thống nhất với các quy định của Luật Đất đai năm 2024

Theo đại biểu Quân thì quy định tại khoản 3, điều 38 về sử dụng đất, khu vực biển, hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản quy định “Trường hợp thăm dò khoáng sản phải sử dụng đất, tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản không phải thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất nhưng phải thỏa thuận với tổ chức, cá nhân sử dụng đất theo quy định của pháp luật.” Quy định này là chưa phù hợp với quy định tại điều 217 của Luật đất đai năm 2024 quy định về trường hợp đất do nhà nước đang quản lý. Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu và bổ sung quy định này cho phù hợp với Luật đất đai 2024, nhằm tránh sự chồng chéo, bất cập trong công tác quản lý nhà nước tại các địa phương.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định về đầu tư các dự án có mục đích sử dụng đất lâu dài tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2024. Bởi Luật Dất đai quy định theo loại đất mà không quy định theo thời hạn sử dụng. Đồng thời, dự thảo luật quy định sử dụng đất lâu dài mà chưa quy định rõ thế nào là lâu dài, tiêu chí để đánh giá, xác định… gây khó khăn trong cách hiểu, áp dụng thực hiện.

Quang cảnh thảo luận tại Tổ số 7 gồm đại biểu các tỉnh Long An, Thái Nguyên, Đắc Nông và Thừa Thiên Huế

Bổ sung thêm quy định cho phép sử dụng các loại khoáng sản thuộc diện thu hồi và các loại khoáng sản dư thừa để phục vụ cho các công trình phát triển KT-XH

Đại biểu Quân nệu: Quy định tại khoản 1 điều 79 của dự thảo luật quy định về thu hồi khoáng sản: việc tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ thu hồi khoáng sản chủ yếu là khoáng sản ở nhóm III, IV như: khoáng sản từ hoạt động nạo vét các công trình kênh, hồ thuỷ lợi, luồng hàng hải, bến thuỷ nội địa, sản phẩm dôi dư từ hoạt động cải tạo đất ở, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản các loại tại bãi thải của mỏ đang hoạt động; khoáng sản các loại trong quá trình thực hiện đề án đóng cửa mỏ,… và khoáng sản này có thể làm vật liệu xây dựng thông thường chiếm tỷ trọng rất lớn nhưng dự thảo luật lại chưa quy định rõ và đầy đủ việc xử lý và sử dụng khoáng sản thu hồi này phục vụ cho các dự án phát triển hạ tầng KT-XH.

 Thực tế cho thấy, trong thời gian qua việc thiếu các vật liệu xây dựng san lấp trong thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư, tiến độ thi công và nhiều bất cập khác. Từ đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm các quy định cho phép sử dụng các loại khoáng sản nhóm III, IV thuộc diện thu hồi và các loại khoáng sản dư thừa phục vụ cho các công trình khác theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.

Ngoài ra, liên quan đến các quy định về kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động trong khai thác khoán sản: Đại biểu Quân cho rằng các quy định này chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chưa đề cập đầy đủ các nội dung cần thiết, đặc biệt là chưa có quy định về quản lý an toàn đối với công nghệ, thiết bị, tổ chức sản xuất, nguồn nhân lực của quá trình khai thác, chế biến khoáng sản. Hiện nay, các Luật chuyên ngành như: Hóa chất, Điện lực, Dầu khí, Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Xây dựng… đều quy định khá đầy đủ về quản lý kỹ thuật an toàn đối với từng ngành nói riêng và thực tế trong công tác quản lý khai thác khoáng sản thời gian qua cho thấy sự cố công trình, tai nạn lao động trong khai thác khoáng sản là hết sức đáng quan tâm, có thể kể đến một số ví dụ như: sạt lở cát trong quá trình di chuyển bãi thải khai thác mỏ Titan tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận ngày 15/10/2022 làm 04 người thiệt mạng; sự cố cháy trong lò ở Công ty than Thống Nhất ngày 03/4/2024 làm chết 4 người và bị thương 7 người; vụ sập đổ lò chợ tại Công ty than Quang Hanh ở thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh ngày 13/5/2024 vừa qua làm chết 03 người và hư hỏng lớn hệ thống công trình của mỏ.

Từ những phân tích nêu trện, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đầy đủ hơn các quy định tại Điều 63 dự thảo Luật về những nội dung cần phải quản lý về kỹ thuật an toàn, đó là: (1) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện đầy đủ quy định về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động và quy định về kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản tại Luật Địa chất và Khoáng sản để bảo đảm an toàn cho người, công trình, sức khoẻ cộng đồng và môi trường; (2) Xác định những mỏ khai thác khoáng sản có tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn để áp dụng những quy định chặt chẽ hơn về quản lý kỹ thuật an toàn; (3) Xác định nội dung then chốt cần phải thực hiện trong công tác quản lý nhà nước, đó là các yêu cầu về kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản như: Quy định trình độ, năng lực chuyên môn của nhân sự quản lý, chỉ đạo điều hành về kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản; Quy định trách nhiệm của đơn vị khai thác trong xây dựng tài liệu quản lý kỹ thuật an toàn mỏ được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bao gồm: chương trình quản lý an toàn, báo cáo đánh giá rủi ro, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; Quy định công tác tổ chức sản xuất, quản lý kỹ thuật an toàn đối các hệ thống kỹ thuật trong mỏ như: thiết bị điện, phương tiện vận chuyển, thoát nước, thông gió và kiểm soát khí mỏ; Quy định công tác ứng cứu khẩn cấp tại chỗ.

Dự thảo Luật địa chất và khoáng sản trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ hop này có 12 Chương, 117 Điều quy định việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; hoạt động khoáng sản; thu hồi khoáng sản; quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật này thay thế cho Luật Khoáng sản năm 2010. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Quốc hội sẽ thông qua dự luật này tại Kỳ họp thứ 8 được tổ chức vào cuối năm nay./.

Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức Công đoàn tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động

 

Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức Công đoàn tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động 

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết