Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế tỉnh Long An phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế tỉnh Long An tham gia góp ý các vấn đề liên quan đến việc tổ chức Công đoàn tham gia bảo vệ chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động; về công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát, phản biện xã hội của công đoàn Việt Nam; các điều kiện đảm bảo hoạt động Công đoàn.
Trước hết, về đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động tại Điều 11 dự thảo Luật Công đoàn: Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên thì thời gian qua, việc doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao là một vấn đề bức xúc, làm ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động (NLĐ); ảnh hưởng đến quá trình thu BHXH của cơ quan BHXH và niềm tin của NLĐ đối với hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên việc khởi kiện của tổ chức công đoàn còn gặp nhiều vướng mắc; công đoàn không thể đại diện khởi kiện tập thể mà phải hướng dẫn NLĐ ủy quyền để khởi kiện cá nhân. Việc ủy quyền cá nhân này khá nhiêu khê, cụ thể doanh nghiệp có hàng trăm hàng ngàn người lao động trở lên nợ BHXH thì rất khó để tất cả người lao động viết giấy ủy quyền cho tổ chức Công đoàn.
Nhưng về phía Tòa án nhân dân thì không nhận đơn khởi kiện tập thể mà bắt buộc phải từng cá nhân người lao động làm đơn và giấy ủy quyền cho tổ chức công đoàn nhận ủy quyền khởi kiện, dẫn đến thủ tục hành chính rất nhiều và thời gian xét xử kéo dài do phải xử từng vụ của từng cá nhân, tuyên án của từng cá nhân. Do đó cần nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức công đoàn thực hiện quyền khởi kiện tập thể doanh nghiệp nợ BHXH của NLĐ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động vừa đúng quy định pháp luật, vừa rút ngắn thời gian, tránh NLĐ phải đi lại nhiều lần.
Thứ hai, về thanh tra, kiểm tra và giám sát, phản biện xã hội của công đoàn Việt Nam tại khoản 4 Điều 16: Đại biểu Uyên đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm khoản quy định “chịu trách nhiệm về những nội dung kết quả giám sát của tổ chức công đoàn”, nhằm đảm bảo tính logic về quyền và trách nhiệm phải đi kèm, đồng thời chỉnh sửa bố cục nội dung cụ thể, ngắn gọn, rõ ràng, bám sát theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị ngày 12/12/2013 về quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội.
Thứ ba, bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn tại Khoản 2, Điều 27 dự thảo luật quy định về thời gian thực hiện nhiệm vụ công đoàn đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách. Đại biểu Uyên cho rằng, dự thảo luật đã quy định tổng thời gian làm việc của cán bộ công đoàn không chuyên trách được tính dựa trên tổng số đoàn viên tại công đoàn cơ sở. Tuy nhiên trong dự thảo này chưa quy định rõ đối với từng loại hình như cán bộ công đoàn cơ sở của một đơn vị trực thuộc ngành Y tế, ngành giáo dục, hoặc là cán bộ công đoàn tại các công ty với số lượng đoàn viên từ 50 người trở lên thì việc quy định số lượng, thời gian làm việc như trong dự thảo luật là chưa hợp lý và sát với thực tế hiện nay, khi thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công việc chính của họ nhất là cán bộ không chuyên trách ở các khu, cụm công nghiệp bởi vì khi thực hiện nhiệm vụ của công đoàn thì phải được sự đồng thuận của người sử dụng lao động. Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định rõ hơn đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách tại các công đoàn cơ sở thuộc ngành nghề cho phù hợp.
Thứ tư, về tài chính công đoàn được quy định tại Khoản 2 Điều 29 dự thảo Luật: “Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều này thì được xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng”.
Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế tỉnh Long An thì quy định này chưa phù hợp, vì theo báo cáo kinh phí công đoàn chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp. Như vậy nếu doanh nghiệp gặp khó khăn thì việc đóng kinh phí công đoàn cũng không ảnh hưởng lớn, mặt khác việc đóng kinh phí công đoàn gắn với quỹ tiền lương, nếu doanh nghiệp không có khả năng trả lương cho NLĐ do tạm dừng sản xuất kinh doanh thì cũng không phải đóng kinh phí công đoàn; vấn đề nữa là nếu đưa quy định này vào dự thảo Luật thì sẽ là kẽ hở, doanh nghiệp có thể cố tình trốn đóng kinh phí công đoàn, như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Bên cạnh đó, quy định này cũng chưa phù hợp với quy định tại khoản 5 điều 10 của dự thảo Luật này về những hành vi bị nghiêm cấm:“5. Không đóng, chậm đóng kinh phí công đoàn; đóng kinh phí CĐ không đúng mức quy định; đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng”.
Ngoài ra, đại biểu Uyên cũng đề nghị, Ban soạn thảo bổ sung quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), nhằm tăng quyền chủ động của công đoàn trong việc bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới vì với quá trình phát triển kinh tế xã hội và yêu cầu nhiệm vụ trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng trong thời gian tới, số lượng đoàn viên và Công đoàn cơ sở sẽ tiếp tục tăng, nhưng biên chế cho cán bộ công đoàn chuyên trách có hạn. Vì hiện nay một số công đoàn cấp trên trực tiếp quản lý từ 6.000 đoàn viên trở lên nhưng biên chế chỉ 1-2 cán bộ chuyên trách, Công đoàn khu, Liên đoàn Lao động huyện có những nơi quản lý trên 130.000 đoàn viên mà chỉ có 8-10 cán bộ công đoàn như hiện nay là rất khó cho công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát hoạt động công đoàn, nhất là tham gia chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động. Mặt khác, cần quan tâm bố trí cán bộ công đoàn cơ sở hoạt động chuyên trách theo quy mô, số lượng đoàn viên công đoàn ở cơ sở trong doanh nghiệp cho phù hợp.
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024 thì dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) cho ý kiến tại kỳ họp này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024./.
Kiến Quốc