Tiếng Việt | English

23/03/2023 - 07:45

Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung theo trình tự nào?

Cán bộ khi có ý tưởng đổi mới, sáng tạo thì đề xuất và báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp bằng văn bản kèm kế hoạch, đề án cụ thể.

Bộ Nội vụ đã gửi Sở nội vụ các địa phương dự thảo lần hai Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Theo dự thảo, khuyến khích là tin tưởng, tôn trọng, ghi nhận, động viên, khích lệ, tạo động lực, nguồn lực, điều kiện, môi trường để cán bộ chủ động, tích cực đổi mới, sáng tạo cống hiến vì lợi ích chung. 

Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá là cán bộ có tư duy, cách làm mới, dám đi đầu làm những việc mới, việc khó, phức tạp, chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ trong cơ chế, chính sách, không phù hợp với thực tiễn, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.


Ảnh minh họa

Về trình tự, cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ, dự thảo nghị định nêu rõ, cán bộ khi có ý tưởng đổi mới, sáng tạo thì thực hiện việc đề xuất và báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp bằng văn bản kèm kế hoạch, đề án cụ thể (nếu có).

Cán bộ có ý tưởng đổi mới, sáng tạo là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nội dung đổi mới, sáng tạo thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan, tổ chức thì cán bộ đề nghị tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức họp thảo luận, thống nhất quyết định bằng văn bản.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo, đề xuất bằng văn bản của cán bộ, lãnh đạo quản lý trực tiếp tổ chức họp tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức để thảo luận, thống nhất quyết định bằng văn bản về việc cho thực hiện, thực hiện thí điểm hoặc không thực hiện.

Trường hợp không được tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức chấp thuận thì cán bộ có quyền báo cáo cấp trên trực tiếp về việc cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm.

Trường hợp nội dung đề xuất thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan quản lý cấp trên, trong thời hạn 5 ngày làm việc, lãnh đạo quản lý trực tiếp có trách nhiệm trực tiếp báo cáo hoặc báo cáo cấp trên để cán bộ có đề xuất báo cáo trực tiếp cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trường hợp nội dung đổi mới, sáng tạo thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan, tổ chức nhưng không được tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức thống nhất thì người đứng đầu có quyền quyết định cho triển khai thực hiện nếu xét thấy đề xuất đó là cấp thiết, có tính khả thi và chịu trách nhiệm trước cấp trên quản lý trực tiếp và trước pháp luật về quyết định của mình.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng quy định, đề xuất đột phá, đổi mới, sáng tạo cần được thực hiện thí điểm thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện thí điểm theo đúng trình tự, thủ tục quản lý cho đến khi cơ quan, người có thẩm quyền quyết định việc thực hiện thí điểm.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo phải gửi đề xuất kèm theo kế hoạch hoặc đề án (nếu có) đến cổng thông tin điện tử của cơ quan nơi có thẩm quyền quyết định việc cho thực hiện đề xuất để đăng tải theo quy định, trừ các nội dung đề xuất thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Trường hợp khẩn cấp vì lợi ích chung phải báo cáo ngay với người đứng đầu

Về trình tự, biện pháp thực hiện trong trường hợp cấp bách, khẩn cấp khi thực hiện đề xuất vì lợi ích chung, Điều 7 dự thảo Nghị định quy định khi thực hiện đề xuất, trong trường hợp cấp bách, khẩn cấp để bảo vệ lợi ích chung, để hạn chế thiệt hại hoặc việc thực hiện có thể gây thiệt hại thì cán bộ báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được báo cáo, người đứng đầu có trách nhiệm tổ chức họp tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức để cho ý kiến về việc cho cán bộ thực hiện hoặc thực hiện thí điểm đề xuất. Cuộc họp phải được ghi nhận thành biên bản. Ngay sau khi kết thúc cuộc họp phải có văn bản trả lời về việc cho cán bộ thực hiện hoặc không thực hiện đề xuất. Trường hợp không đồng ý cho thực hiện đề xuất thì phải nêu rõ lý do.

Dự thảo Nghị định cũng quy định quá trình thực hiện đề xuất, cán bộ phải kịp thời báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức về tình hình thực hiện, các thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Trường hợp cần thiết khi có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc tiếp tục hoặc dừng thực hiện hoặc thực hiện thí điểm đề xuất thì cán bộ phải thực hiện theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Trong trường hợp cán bộ không chấp hành chỉ đạo thì phải chịu mọi trách nhiệm do mình gây ra theo quy định của pháp luật./.

PV/VOV.VN

Chia sẻ bài viết