Tiếng Việt | English

14/11/2022 - 10:30

Cần Đước xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số

Sau khi có thông báo kết quả kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 của Sở Nội vụ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đến nay, huyện cơ bản khắc phục tình trạng tỷ lệ giải quyết hồ sơ (HS) dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) còn thấp, thủ tục hành chính (TTHC) tạm dừng giải quyết không đúng quy định, HS trễ hẹn,...

1. Tháng 7/2022, Đoàn kiểm tra công tác CCHC năm 2022 của tỉnh Long An có cuộc làm việc với UBND huyện Cần Đước. Một trong những tồn tại, hạn chế mà đoàn nêu ra là tỷ lệ giải quyết HS DVCTT của huyện chưa cao (chiếm 37,82%). Theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nội vụ huyện Cần Đước - Nguyễn Văn Hùng, sau cuộc làm việc với Đoàn kiểm tra, Phòng tham mưu UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn quán triệt để cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) hiểu rõ trách nhiệm khi thực hiện DVCTT để giải quyết HS TTHC; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp.

Đối với Trung tâm Hành chính công huyện, lãnh đạo huyện chỉ đạo xây dựng clip hướng dẫn sử dụng DVCTT trên hệ thống tivi tuyên truyền tại Trung tâm Hành chính công và Trang thông tin của huyện. CBCCVC Trung tâm Hành chính công huyện và bộ phận tiếp nhận, trả TTHC xã, thị trấn (bộ phận "một cửa" cấp xã) không thực hiện tiếp nhận HS trực tiếp đối với các TTHC được cung cấp DVCTT mức độ 3, 4. Nếu cá nhân, tổ chức đến trực tiếp tại Trung tâm Hành chính công huyện và bộ phận "một cửa" cấp xã thì CBCCVC tiếp nhận tạo lập tài khoản nộp HS để thực hiện trên Cổng DVCTT và hướng dẫn nộp trực tuyến cho những lần tiếp theo.

Từ tháng 8/2022 đến nay, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện Cần Đước không còn tạm dừng hồ sơ, thủ tục hành chính trên phân hệ quản lý hồ sơ "một cửa"

Đến tháng 11/2022, HS giải quyết DVCTT của huyện đạt 51,1% (16.586/32.431 HS). Hiện nay, các TTHC được Trung tâm Hành chính công huyện thiết lập bằng công nghệ thông tin như màn hình điện tử hiển thị thông tin về quá trình giải quyết HS; quầy lấy số thứ tự, hệ thống xếp hàng tự động; thiết bị đọc mã vạch tra cứu thông tin; hệ thống phần mềm Một cửa điện tử tiếp nhận và giải quyết HS TTHC.

Nhờ vậy, người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận, thực hiện và giám sát việc giải quyết TTHC. “Việc tăng tỷ lệ giải quyết HS DVCTT của huyện Cần Đước là tín hiệu đáng mừng, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số của tỉnh” - Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông - Tăng Thị Ngọc Em khẳng định.

2. Tại thời điểm kiểm tra, huyện Cần Đước có 1.956 HS TTHC tạm dừng giải quyết, chủ yếu là lĩnh vực đất đai, trong đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường 839 HS, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện 764 HS, Chi cục Thuế 333 HS, Phòng Kinh tế và Hạ tầng 20 HS. Thông tin từ UBND huyện, tất cả HS TTHC tạm dừng mà Đoàn kiểm tra chỉ ra đã được địa phương giải quyết. Từ tháng 8/2022 đến nay, các cơ quan chuyên môn không còn tạm dừng HS TTHC trên phân hệ quản lý HS "một cửa".

“Để khắc phục kịp thời HS TTHC tạm dừng không đúng quy định, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm rõ trách nhiệm và có bản cam kết khắc phục; đồng thời, yêu cầu khi phân công nhiệm vụ cho CBCCVC thẩm tra, thẩm định hoặc phối hợp các ngành để thẩm tra, thẩm định trước khi trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp phải đúng lĩnh vực, chuyên môn, có theo dõi tiến độ thực hiện, xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực thi công vụ” - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Nguyễn Minh Vương thông tin.

Người dân đến nộp hồ sơ, thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công huyện Cần Đước được hướng dẫn nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến

Cũng theo ông Nguyễn Minh Vương, để kịp thời khắc phục HS bị sai sót và quá hạn trong quá trình giải quyết TTHC, huyện ban hành quy định xin lỗi tổ chức, cá nhân và có văn bản chỉ đạo các phòng, ban huyện, UBND các xã, thị trấn nghiêm túc thực hiện. Đồng thời, huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của CBCCVC trong thực thi nhiệm vụ, có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ. Qua đó, từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Từ đầu năm đến tháng 11/2022, huyện tiếp nhận 45.408 HS, trong đó HS mới tiếp nhận 32.431, HS tồn kỳ trước 12.977. Huyện đã giải quyết 43.218 HS, trong đó trước hạn 19.634 HS (chiếm 45,43%), đúng hạn 23.513 HS (chiếm 54,41%); giải quyết trễ hạn 71 HS (chiếm 0,16%) và 185 HS đang giải quyết trễ hạn. Trong số HS trễ hạn có nhiều HS do phần mềm VBDLIS và ICT không đồng bộ.

“Để công tác CCHC ngày càng đi vào nề nếp, huyện kiến nghị tỉnh xem xét việc đưa TTHC ngành dọc lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) vào thực hiện tại Trung tâm Hành chính công huyện. Hiện nay, BHXH có phần mềm chuyên ngành riêng để giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp nhưng chưa có phần mềm chung để đồng bộ giữa phần mềm Một cửa Trung tâm Hành chính công huyện và phần mềm chuyên ngành của BHXH. Vì vậy, khi giải quyết 1 TTHC phải có 2 cán bộ thực hiện, tốn nhiều thời gian.

Đối với HS TTHC trên lĩnh vực đất đai như đăng ký biến động chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế, cấp đổi; mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; mất trang bổ sung; cấp bổ sung tài sản;... nếu giải quyết HS trễ hạn thuộc trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, huyện kiến nghị tỉnh không tính cho các huyện” - ông Nguyễn Văn Hùng kiến nghị.

Việc Cần Đước sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số của địa phương./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết