Tiếng Việt | English

24/06/2024 - 14:30

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An đóng góp dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Sáng 24/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Khắc Định, sau khi biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, tham gia đóng góp dự thảo luật này.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, phát biểu tại phiên thảo luận

Trước hết, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung thống nhất cao việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành.

Trong đó, dự thảo Luật đã bổ sung “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” vào phạm vi điều chỉnh là rất phù hợp. Bởi vì, qua tổng kết thực tiễn cho thấy phụ nữ, trẻ em gái, người đồng bào dân tộc thiểu số, người ở những vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn,… là những đối tượng yếu thế, là đối tượng mà tội phạm rất hay nhắm đến.

Có những vụ việc buôn bán người được phát hiện, nhưng rất khó, rất lâu mới xác định được nạn nhân, ví dụ như có những nạn nhân bị mua bán đã lâu, họ chỉ biết nói tiếng dân tộc, không biết rõ mình ngày xưa ở đâu,…không có nhiều thông tin để xác định là nạn nhân ngay thời điểm đó.

Do đó, cần phải có thời gian, những chính sách và biện pháp hỗ trợ để có cơ sở xác định được những người này thực sự là nạn nhân, để có các chính sách hỗ trợ và giúp đỡ.

Tuy nhiên, đại biểu Dung đề nghị, Ban Soạn thảo làm rõ thêm khái niệm “thủ đoạn” tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật. Vì qua khảo sát thực tiễn, vướng mắc là việc chứng minh “thủ đoạn” cho các hành vi mua bán người, trong nhiều trường hợp (như đưa đi nước ngoài làm việc nhà, kết hôn,...) ban đầu là đồng thuận (tức là không có thủ đoạn) đến khi sang nước ngoài thì mới bị bóc lột tình dục, bị cưỡng bức lao động, thêm nữa hiện nay các phương thức phạm tội thường sử dụng công nghệ điện tử, thực hiện hành vi phạm tội qua môi trường mạng, nên khi phát hiện, có dấu hiệu để xử lý tội mua bán người nhưng không chứng minh được là có thủ đoạn, do đó, hầu hết là chỉ xử lý tội tổ chức đưa người sang nước ngoài trái phép, không đúng với bản chất tội phạm để trừng trị nghiêm minh.

Đồng thời, đại biểu Dung cho rằng, cần làm rõ khái niệm nạn nhân là người bị xâm hại tại khoản 5 Điều 2, bởi trong một số trường hợp, vụ việc mua bán người bị phát hiện vụ là đã rõ, đã đúng là người này bị mua bán, là nạn nhân mặc dù chưa bị xâm hại, nhưng theo khái niệm thì chúng ta phải chứng minh người đó bị xâm hại mới được xác định là nạn nhân thì phạm vi đã bị thu hẹp so với bản chất vụ việc và thực tế của tội phạm.

Do đó, dự thảo luật cần quy định như Nghị định Thư mà chúng ta đã ký kết: Nghĩa là những ai là đối tượng của những hành vi mua bán thì đó là nạn nhân chứ không phải chứng minh là có bị xâm hại.

Bên cạnh đó, đại biểu Dung cũng đề nghị cân nhắc thêm quy định tại khoản 7 Điều 2 về khái niệm người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân: Bao gồm những người là cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, dì ruột, cô ruột, cháu ruột. 

Phạm vi điều chỉnh là quá rộng, sẽ không bảo đảm tính khả thi, việc xác định người có phải là nạn nhân hay không đã là vất vả rồi, giờ phải xác định thêm cơ sở để chứng minh là người thân thích như trên để có chính sách (ví dụ như chính sách bảo vệ, chính sách hỗ trợ,…). Và đề nghị rà soát bổ sung người giám hộ và người không phải có mối quan hệ huyết thống như bạn bè thân thiết là người trực tiếp biết, gắn bó với nạn nhân nhưng thực tế là những người thật sự cần có các chính sách như người thân thích.

Ngoài ra, đại biểu Dung còn đề nghị tách bạch quy định riêng cho hai đối tượng là nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân tại Điều 6 dự thảo luật. Lý do đại biểu đưa ra là đối tượng “nạn nhân bị mua bán” và “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” là hai đối tượng cần có các chế độ, chính sách hỗ trợ, bảo vệ khác nhau, và theo đó để xác định phạm vi người thân thích của hai đối tượng này để có chính sách chế độ khác nhau.

Thứ hai, qua báo cáo tổng kết hơn 12 năm thi hành Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành thì dù có quy định về thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nhưng chưa có địa phương nào có cơ sở hỗ trợ nạn nhân được thành lập, mà giao việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho các cơ sở trợ giúp xã hội. Lần này dự thảo tiếp tục quy định về thành lập cơ sở hỗ trợ mà không sử dụng ngân sách nhà nước. Đại biểu thống nhất tiếp tục giữ quy định này vì dự thảo Luật lần này đã mở rộng đối tượng được tiếp nhận vào cơ sở hỗ trợ nạn nhân cho cả đối tượng là người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nên trong tương lai khuyến khích việc thành lập mới các cơ sở này là cần thiết và khả thi. Hơn nữa, quy định này cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam không sử dụng ngân sách nhà nước tham gia thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân; đây là chính sách phù hợp trong giai đoạn hiện nay (xã hội hóa nguồn lực đầu tư và không vì lợi nhuận). Tuy nhiên, tại khoản 2, Điều 46 quy định “2. Cơ sở hỗ trợ nạn nhân do tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập ……. việc thành lập và hoạt động không sử dụng ngân sách nhà nước”.  Vì vậy, để đảm  bảo tính khả thi vấn đề này, đại biểu cho rằng cần thiết phải bổ sung quy định: “Khuyến khích việc đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài cho việc thành lập và hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định pháp luật” vào dự thảo luật. Đây sẽ là giải pháp tháo gỡ nút thắt hiện nay là pháp lý cho sự tham gia hỗ trợ của cá nhân, tổ chức nước ngoài đóng góp cho hoạt động hỗ trợ nạn nhân của việc buôn bán người. 

Thứ ba, đại biểu Dung nêu: Quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người hiện nay đang có một khoảng trống, đó là tình trạng khi các nạn nhân khi đưa về địa phương, về gia đình nhưng gia đình còn rất khó khăn, mặc dù có chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng họ vẫn không tìm được công việc nên không có thu nhập, rồi sự kỳ thị của xã hội, nhiều áp lực buộc họ rời quê, có trường hợp lại tiếp tục trở thành nạn nhân, thậm chí có khi quay trở lại trở thành tội phạm mua bán người. Hiện nay, chưa có cơ chế về thông tin, phối hợp theo dõi nắm bắt kịp thời về tình hình của nạn nhân bị mua bán người sau khi trở về địa phương, để biết họ hòa nhập, sinh sống như thế nào? Đó cũng là cơ sở cho việc đánh giá kết quả đến cùng của công tác phòng, chống mua bán người mà chúng ta đang hướng đến, nên tôi đề xuất bổ sung quy định giao trách nhiệm cho cơ quan nơi nạn nhân về cư trú.

Từ đó, đại biểu cho rằng đầu mối là cơ quan quản lý nhà nước về lao động của cấp huyện phối hợp UBND cấp xã trong theo dõi việc hỗ trợ cũng như việc tái hòa của nạn nhân và trong trường hợp cần thiết có thông tin phản hồi, phối hợp địa phương, cơ sở nơi đã phát hiện và hỗ trợ ban đầu của nạn nhân để có hướng tiếp cận, hỗ trợ tốt nhất, hiệu quả nhất cho nạn nhân. Những người này có thể về lâu dài bị tổn thương rất lớn về tinh thần, sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em người chưa thành niên.

Thứ tư, về tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo (Điều 26), quy định:“Người nào có căn cứ cho rằng mình là nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của họ có căn cứ cho rằng họ là nạn nhân thì đến UBND cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất khai báo về việc bị mua bán. Thực tiễn công tác phòng, chống mua bán người ở khu vực biên giới cho thấy rằng, Đồn Biên phòng là cơ quan có nguồn lực phù hợp để tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân kịp thời. Trong một số trường hợp, số nạn nhân tự trở về hoặc được giải cứu về Việt Nam với số lượng lớn, cùng một lúc thì UBND cấp xã không có đủ nguồn lực để tiếp nhận và hỗ trợ. Đã có những vụ việc phát hiện nạn nhân và người có liên quan đến vài chục người, cả trăm người. Do đó, bên cạnh UBND cấp xã, đại biểu đề nghị dự thảo bổ sung nội dung quy định rõ Đồn Biên phòng là cơ quan tiếp nhận nạn nhân và thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu ban đầu.

Quốc hội bàn về dự án luật tư pháp người chưa thành niên, chống mua bán người

 

Quốc hội bàn về dự án luật tư pháp người chưa thành niên, chống mua bán người 

Trong ngày hôm nay, 8/6, Quốc hội sẽ tập trung bàn thảo về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)…

Đồng thời, bổ sung “Đồn Biên phòng” là một cơ quan phối hợp tại khoản 2: “Trong thời hạn 3 ngày, kể từ khi nhận được thông báo của UBND cấp xã, Cơ quan quản lý nhà nước về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ và phối hợp cơ quan Công an cùng cấp, Đồn Biên phòng xác minh thông tin ban đầu trong trường hợp họ chưa có một trong các giấy tờ, tài liệu quy định tại Điều 32 của Luật này”.

Thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an, trình bày dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) tại kỳ họp

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 66 điều, so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 giữ nguyên số chương, sửa đổi, bổ sung nội dung 52/58 điều; xây dựng mới 9 điều, bỏ 1 điều. Dự thảo luật này được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này và sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 được tổ chức vào cuối năm 2024./.

Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết