Tiếng Việt | English

29/05/2024 - 17:12

Đề nghị phân cấp mạnh mẽ hơn nữa trong giải quyết thủ tục hành chính

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 29/5, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Tham gia tại buổi thảo luận, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp Long An đề nghị, Chính phủ cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa trong giải quyết thủ tục hành chính, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật song song với thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Quang cảnh chung tại Hội trường

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung ấn tượng với những kết quả từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số với các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể tại các Nghị quyết, Chương trình tổng thể; các Nghị quyết chuyên đề, đề án quan trọng về đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành, địa phương và sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp.

Qua báo cáo cho thấy, nhiều chỉ số của Việt Nam do các tổ chức quốc tế đánh giá, công bố năm 2023 được thăng hạng: xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc; xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2022, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng KT-XH.

Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều ngày 29/5

Bên cạnh đó, chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được triển khai trên diện rộng. Việc xây dựng thống nhất các cổng vụ dịch công trực tuyến đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian đi lại, tiết kiệm được những chi phí không chính thức, hạn chế được việc tiếp xúc giữa người tiếp nhận, cơ quan có thẩm quyền giải quyết với tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ. Việc mạnh mẽ, đổi mới xây dựng được các quy trình liên thông giải quyết TTHC giữa các ngành, lĩnh vực với nhau; việc đơn giản hóa TTHC nội bộ của các cơ quan hành chính nhà nước đã góp phần phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, bảo đảm minh bạch, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khi thực thi công vụ. Việc thực thi các phương án phân cấp đã mang lại hiệu quả cao trong giải quyết TTHC, giúp giảm bớt tầng nấc, khâu trung gian, giúp các bộ, ngành, địa phương phát huy được tính chủ động, sáng tạo và nâng cao vai trò nội lực, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử với 5 nhóm chỉ số đã giúp kiểm soát thực thi, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm giải trình trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin qua thực tiễn đánh giá, cũng như qua phản ánh của người dân, doanh nghiệp còn có tồn tại, hạn chế, vướng mắc như trong báo cáo đã nêu.

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An phát biểu tại buổi thảo luận

Từ những phân tích trên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cơ bản thống nhất với các giải pháp, phương hướng của Chính phủ đề ra đối với công tác này và có 5 đề xuất, kiến nghị với Chính phủ trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn nữa trong giải quyết TTHC, vì theo đại biểu, hiện nay theo phản ánh của doanh nghiệp và người dân vẫn có một số thủ tục chưa được phân cấp mặc dù được đánh giá là ngành, địa phương, đủ điều kiện, năng lực thực hiện nhiệm vụ này hiệu quả, nhất là các thủ tục về cho phép, cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề,… Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, xem xét các kiến nghị của  VCCI; đồng thời, với phân cấp là tạo cơ chế cơ sở pháp lý để đơn vị, địa phương được phân cấp giao nhiệm vụ chủ động phát huy nội lực, nhân lực, tài lực và cơ sở vật chất để đáp ứng tốt yêu cầu để hoàn thành tốt nhiệm vụ.  

Thứ hai, phải hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật, song song với thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Ví dụ, như hiện nay chúng ta đang hướng tới tiêu chí 100% các TTHC được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến toàn trình nhưng trong một số quy định pháp luật thì kết quả vẫn là những phôi giấy (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy hữu nhà, giấy tờ hộ tịch,…mà chưa có quy định phôi điện tử) hoặc các quy định bắt buộc phải chính người đó phải ký trước mặt vào các sổ bộ mà không được ủy quyền.

Thứ ba, đề nghị việc xây dựng các cơ sở dữ liệu ở mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương phải xác định theo nguyên tắc là phải đồng bộ, tích hợp và chia sẻ được với nhau. Các bộ, ngành có thể có thể truy xuất, khai thác, sử dụng được các dữ liệu địa phương, bộ, ngành khác và ngược lại để phục vụ hiệu quả cho đánh giá, dự báo xu thế để điều hành phát triển KT-XH, cũng như tránh lãng phí. Vì theo đại biểu, dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu là nguồn tài nguyên vô cùng có giá trị.

Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chính xác trong xây dựng các chỉ tiêu, tiêu chí, dự báo, đánh giá thì yêu cầu các dữ liệu phải được cập nhật kịp thời, liên tục, phải “sống và sạch”. Ví dụ, để đánh giá về tốc độ tăng trưởng GRDP của một địa phương thì dựa vào các cơ sở dữ liệu với phương pháp, công thức thống nhất được quy định mà đánh giá và có kết quả một cách kịp thời, chính xác, Chính phủ có thể đánh giá nắm số liệu, thống kê được bất kỳ cho địa phương nào, thời điểm nào, về chỉ số, tiêu chí nào thông qua các dữ liệu, số liệu về địa phương có trong các thông tin đã được thống kê, cập nhật thường xuyên, đầy đủ trong các cơ sở dữ liệu. Đồng thời, đại biểu Mỹ Dung đề nghị, Chính phủ sớm xây dựng dự án Luật Cơ sở dữ liệu để áp dụng thống nhất vì hiện nay hầu như luật chuyên ngành nào cũng có quy định cơ sở dữ liệu của ngành đó.

 Thứ tư, cần có những quy định chính sách, chế độ, nguồn lực đầu tư cụ thể cho từng nội dung CCHC, chuyển đổi số, như chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, trang thiết bị, máy móc hiện đại đáp ứng yêu cầu, có chính sách cho người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia chuyển đổi số, CCHC,… Như hiện nay, một số địa phương (trong đó có Long An) đã ban hành Nghị quyết HĐND giảm 50% phí, lệ phí cho thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và thanh toán trực tuyến; các quy định hướng dẫn này phải rõ ràng, khả thi (cái nào của Trung ương đầu tư, phân bổ, cái nào thuộc trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương).

 Thứ năm, Chính phủ chỉ đạo có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng lỗi, chậm, tắc nghẽn trong cập nhật, khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu đang được đưa vào vận hành. Đồng thời, có giải pháp hiệu quả an toàn cao cho các dữ liệu, không để kẻ xấu, tội phạm lấy cắp, khai thác trái pháp luật các dữ liệu gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Như thời gian gần đây, chúng ta liên tục được thông tin, cảnh báo, cảnh giác về những trường hợp bị mất tiền từ tài khoản, bị lừa đảo để chiếm đoạt tài sản qua môi trường mạng./.

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Sở Tài nguyên và Môi trường khắc phục các vướng mắc, tồn tại, tập trung thực hiện tốt các phương hướng, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính...

ND

Chia sẻ bài viết