Tiếng Việt | English

25/06/2024 - 15:58

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An: Đề nghị bổ sung quy định điều chỉnh về trợ lý công chứng viên  

Sáng 25/6, sau khi biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đóng góp dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại phiên thảo luận.

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung-Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An nêu rõ tại Điều 9 của dự thảo Luật quy định thời gian đào tạo nghề công chứng là 12 tháng, trừ những đối tượng quy định tại khoản 3 Điều này thì được giảm một nửa thời gian đào tạo (là 06 tháng). So với quy định của Luật hiện hành, dự thảo Luật đã bỏ quy định một số đối tượng nhất định được miễn đào tạo nghề công chứng, thống nhất vì nghề công chứng là một nghề rất đặc thù, công chứng đã bảo đảm sự ổn định, an toàn của các hợp đồng, giao dịch có quy mô ngày càng lớn, diễn ra thường xuyên và phức tạp hơn trong đời sống kinh tế - xã hội, sự chứng nhận của công chứng viên đối với các hợp đồng giao dịch, các giấy tờ là có giá trị pháp lý cao, tương ứng theo đó đòi hỏi chất lượng công chứng viên (bao gồm kiến thức, kỹ năng, đạo đức hành nghề...), phải được đào tạo mới có.

Tuy nhiên, sau khi được đào tạo xong nghề công chứng phải tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng (quy định tại khoản 1 Điều 10)  và không quy định trường hợp được giảm thời gian tập sự, đại biểu đề nghị dự luật nên kế thừa quy định của Luật hiện hành theo hướng: Đối với những người có thời gian đào tạo nghề công chứng 06 tháng thì thời gian tập sự hành nghề công chứng có thể ngắn hơn những người có thời gian đào tạo nghề công chứng 12 tháng, bởi đây là những người công tác lâu năm, có kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật và trong thời gian qua thực hiện nội dung này của Luật hiện hành là ổn định không phát sinh vướng mắc hạn chế.

Và liên quan đến nội dung này tại khoản 5, điều 10 tiếp tục quy định: Người đã hoàn thành tập sự được đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;…Trường hợp không đạt yêu cầu kiểm tra thì được tiếp tục đăng ký tham dự kiểm tra. Người không đạt yêu cầu trong 03 lần tham dự kiểm tra thì phải tập sự lại trước khi đăng ký tham dự lần kiểm tra tiếp theo. Đây là quy định mới so với Luật hiện hành. Đề nghị bỏ nội dung này vì không có cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý: Người dự kiểm tra kết quả tập sự sau 3 lần không đạt chưa hẳn là thi lần 4 không đạt, cũng không có nghĩa sau 3 kiểm tra không đạt về tập sự lại 1 năm nữa thì tham gia thi lại đạt. Thực tế những người tham gia kiểm tra không đạt, trong khi chờ lần thi sau thì họ thường tiếp tục làm việc ở một tổ chức ngành nghề công chứng nào đó. Ngoài ra việc quy định này phát sinh thủ tục hành chính mà chưa được đánh giá tác động.

Tại khoản 5, Điều 10 dự thảo luật quy định: Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự mà người được cấp giấy không đề nghị bổ nhiệm công chứng viên thì giấy chứng nhận hết hiệu lực, người có giấy chứng nhận hết hiệu lực muốn bổ nhiệm công chứng viên phải đăng ký tham dự lại việc kiểm tra. Đại biểu Dung cho rằng thời gian 05 năm là quá dài (đây cũng là quy định mới), không có lý do gì đã đạt kết quả kiểm tra tập sự rồi mà phải để đến 5 năm sau mới đăng ký bổ nhiệm công chứng viên để hành nghề, như vậy sẽ lãng phí nguồn lực, mai một kiến thức và thực tiễn thi hành Luật cũng chưa phát sinh vướng mắc, bất cập dẫn đến phải bổ sung quy định này. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho một số trường hợp bất khả kháng mà không thể hành nghề ngay được (như trị bệnh, đi nước ngoài.)  đề nghị thời gian này tối đa là 2 năm.

Về tạm ngừng hoạt động Văn phòng công chứng, tại Khoản 1, Điều 30 quy định các trường hợp Văn phòng công chứng tạm ngừng hoạt động. Theo đại biểu thì đây là bổ sung mới cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, đối chiếu với khoản 4 thì đại biểu cho rằng đây lại là quy định chung và “cứng” sẽ không thực hiện được trong trường hợp xin được tạm ngừng vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, nếu đã rơi vào tình trạng bất khả kháng như thiên tai, dịch họa.... để xin tạm ngừng hoạt động thì việc: Nộp đủ thuế, thanh toán hết nợ, trả hết tiền lương, thực hiện các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng ký kết với công chứng viên, nhân viên là điều không phù hợp,... Đồng thời, đại biểu đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết để cụ thể hóa các quy định đang còn rất chung, giải quyết được các phát sinh có thể xảy ra như: Tổ chức hành nghề công chứng nhận hồ sơ bàn giao nhưng từ chối  yêu cầu sửa đổi, bổ sung các giấy tờ mà văn phòng công chứng đang bị tạm dừng hoạt động đã thực hiện công chứng (vì đây là quyền của công chứng viên) hoặc họ làm hư hỏng hay thất thoát hồ sơ công chứng đã nhận bàn giao và trách nhiệm trong những hợp này như thế nào cũng cần được quy định rõ.

Đối với quy định về nhân viên của tổ chức hành nghề công chứng: Đại  biểu cho rằng quy định giữa Luật hiện hành và dự thảo Luật này chưa có quy định riêng, cụ thể cho chức danh này, dự thảo Luật có đề cập đến người này tại Điều 37. Như vậy phạm vi vai trò, vị trí của nhân viên này như thế nào trong hoạt động công chứng cũng cần được làm rõ. Vì thực tế, trợ lý công chứng viên tham gia vào hầu hết các công đoạn của quy trình công chứng: Từ việc tiếp nhận hồ sơ, tư vấn hồ sơ, soạn thảo văn bản, tra cứu cơ sở dữ liệu về công chứng, hỗ trợ ký kết giao dịch, hỗ trợ đặt lịch, sắp xếp cho công chứng viên ký công chứng, cập nhật dữ liệu, lập hồ sơ lưu trữ và nhiều công việc khác. Nên cần thiết có bổ sung một quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của đối tượng này trong Luật tạo cho họ một cơ sở pháp lý trong việc trợ lý cho công chứng viên thực hiện tiếp cận và xử lý các công việc liên quan đến công chứng, trong đó có nguyên tắc bảo mật thông tin công chứng, cũng như tư cách của đối tượng này khi giao tiếp với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động công chứng. Pháp luật công chứng của nhiều quốc gia đều quy định về chức danh này. Qua nghiên cứu, trong tiêu chí thành lập các văn phòng công chứng do UBND cấp tỉnh ban hành đều có tiêu chí tính điểm đối với chức danh trợ lý này (như nếu có trình độ cử nhân luật trở lên, có thâm niên trong công tác pháp luật thì điểm sẽ được cộng càng cao). Việc có chính sách cho đối tượng trợ lý công chứng viên trong việc xem xét các điều kiện để bổ nhiệm công chứng viên thì đây nguồn công chứng viên có chất lượng cao do là đối tượng hoạt động chuyên môn thường xuyên và gần nhất với công chứng viên, có lợi thế hơn hẳn về chuyên môn và kinh nghiệm.

Ngoài ra, liên quan đến các quy định về lưu trữ hồ sơ công chứng, đại biểu cho rằng đây là khâu cuối cùng của quy trình công chứng và có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc lưu giữ thông tin để phục vụ cho hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng, công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước. Trong một số trường hợp, hồ sơ công chứng còn là tài liệu, chứng cứ quan trọng để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Đặc biệt, đối với đối tượng tài sản công chứng là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản có giá trị lớn thì hồ sơ công chứng càng cần phải được bảo quản cẩn thận, lưu trữ lâu dài nên thời gian lưu trữ hồ sơ cần phải được quy định dựa trên cơ sở khoa học, về thời hiệu khởi kiện, đặc thù của tài liệu cũng như yêu cầu về việc thanh tra, kiểm tra, cung cấp chứng cứ như nêu trên. Theo quy định tại khoản 2, Điều 65 “Bản chính văn bản công chứng và các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng phải được lưu giữ tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong thời hạn ít nhất là 20 năm đối với các giao dịch có đối tượng là bất động sản, ít nhất 10 năm đối với các loại giao dịch khác.... Hồ sơ công chứng được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu công chứng tập trung trong thời gian ít nhất là 30 năm kể từ ngày văn bản công chứng có hiệu lực”.

Từ đó, đại biểu đề nghị cần phải giải thích được các mốc thời gian tại sao là 10 năm, 20 năm hay 30 năm. Ngoài ra, dự thảo cũng chưa quy định về quy trình trách nhiệm xử lý hồ sơ khi hết thời hạn lưu trữ như thế nào? Trường hợp hồ sơ được chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử thì có cần phải lưu trữ bản giấy nữa không hay thực hiện số hóa các hồ sơ đã lưu trữ nhiều năm này? Nếu có thì lưu trữ bao lâu? Giá trị của văn bản lưu trữ điện tử như thế nào? Hiện tại, có nhiều phòng công chứng đã lưu trữ hồ sơ công chứng liên quan đến bất động sản đã trên 30 năm nhưng thật sự không dám xử lý dù theo luật đã hết hạn lưu trữ và chưa quy định cụ thể để hướng dẫn để xử lý số hồ sơ này như thế nào. Đại biểu đề nghị cần rà soát, đánh giá và quy định hoàn chỉnh về vấn đề này trong dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Khắc Định kết luận phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Khắc Định cho rằng đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Công chứng và đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thẳng thắn, tâm huyết, thiết thực, và đề xuất nhiều phương án sửa đổi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia để trao đổi làm rõ thêm các nội dung cụ thể thảo luận, nhất là các vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm phát biểu ý kiến. Trên cơ sở đó, hoàn thiện dự thảo luật và Báo cáo tiếp thu giải trình để trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách; sau đó tiếp tục hoàn thiện dự thảo gửi xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024./.

Cần quy định rõ tư cách tố tụng của người làm công tác xã hội trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Cần quy định rõ tư cách tố tụng của người làm công tác xã hội trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên 

Sáng 21/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết