Tiếng Việt | English

16/08/2016 - 21:21

Canh tác lúa thông minh ứng phó biến đổi khí hậu

Ở Long An, chỉ tính riêng trong vụ đông xuân năm 2016, hạn mặn kéo dài làm thiệt hại khoảng 9.900ha lúa (thống kê sơ bộ), trong đó thiệt hại năng suất trên 70% là 4.770ha. Câu hỏi đặt ra là: Nông dân sẽ tiếp tục sản xuất như thế nào trước điều kiện bất lợi đó?

Để giải quyết bài toán Elnino và Lanina, đòi hỏi người dân phải thay đổi tập quán canh tác cũ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ vào quá trình canh tác,... tiết kiệm đến mức thấp nhất chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, bù đắp thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Quy trình này, các nhà khoa học gọi tên là “Canh tác lúa thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu”.


PGS-TS Mai Thành Phụng (áo tím) cùng nông dân tham quan mô hình "Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu "Và đây cũng là tên mô hình mà Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng với Trung tâm Khuyến nông 13 tỉnh ĐBSCL và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt cho mô hình sản xuất lúa kiểu mới ở 65 hộ dân của khu vực ĐBSCL, với diện tích 32,5ha (mỗi hộ 0,5ha).

Tại Long An, Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn 5 hộ dân ở xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh làm nơi thí điểm mô hình và tổ chức tổng kết vào sáng ngày 15/8/2016.

Tham gia mô hình, các hộ nông dân được 10 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp tập huấn hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật canh tác mới, hiệu quả, các giải pháp canh tác thông minh: Sử dụng giống cao sản kháng sâu bệnh (VD 20), sạ thưa chỉ 40kg giống/0,5ha, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, giảm phát thải nhà kính, hạn chế đến mức thấp nhất thất thoát sau thu hoạch, sản xuất ra cái mà thị trường cần chứ không phải nông dân muốn.

Nông dân tham gia Hội thảo tổng kết "Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu"

65 hộ dân trong mô hình đều được Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền hỗ trợ giống và phân bón trong suốt mùa vụ. Đặc biệt ở vùng đất Bắc Hòa – nơi thổ nhưỡng là đất sét kim loại nặng, Công ty hỗ trợ thêm phân bón Đầu trâu mặn – phèn, loại phân bón mới giúp hạn chế các độc chất trong đất, tăng hấp thu dinh dưỡng cho cây lúa. Song song với 0,5ha đất tham gia mô hình, mỗi hộ dân đều dành một phần diện tích để làm đối chứng.

Sau 3 tháng triển khai (từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 8/2016), 2,5ha lúa ở Long An đã cho thu hoạch với kết quả tốt. Năng suất lúa trong mô hình tăng hơn đối chứng 0,35 tấn/ha, chiều dài bông dài hơn 0,85cm, số bông/m2 nhiều hơn 14 bông, số hạt chắc trên bông cao hơn 3 hạt, lợi nhuận cao hơn 756.000đ/ha.

Ông Vũ Đình Toàn, ấp Hòa Hưng, xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh cho biết: “Đây là mô hình rất hay, giúp nông dân chúng tôi nhận thức được nhiều vấn đề quan trọng mà trước đây chúng tôi vẫn luôn xem thường. Các nhà khoa học khuyến cáo sạ thưa từ 80-100kg/ha, nhưng bao giờ chúng tôi cũng sạ 130-150kg, chẳng những tốn kém giống mà còn thu hút dịch hại, phải tốn thêm chi phí trị bệnh, nên lời không nhiều. Canh tác theo mô hình nông dân chúng tôi đỡ chi phí phun xịt nên lời nhiều hơn”.

Tham gia Hội thảo tổng kết mô hình, PGS-TS Mai Thành Phụng – một trong 10 cố vấn của chương trình nhận xét: “Tôi đánh giá cao nỗ lực của nông dân tham gia mô hình, năng suất vụ hè thu nông dân làm bình quân 5 tấn/ha đối với giống VD20 như vậy thật sự rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nông dân cần hạn chế 1-2 lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật nữa thì mới hoàn chỉnh quy trình canh tác mà chúng tôi đưa ra. Hy vọng vụ sau và những vụ tiếp theo nông dân vẫn sẽ áp dụng canh tác lúa thông minh và tiếp tục truyền đạt cách làm này đến nhiều nông dân hơn để chúng ta cùng làm, cùng hưởng lợi, nhất là trong điều kiện hội nhập TPP”.

Mô hình “Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu” ra đời đã giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập và góp phần nâng cao kiến thức, trình độ của nông dân hiện nay; bên cạnh đó cũng hưởng ứng tích cực kế hoạch phát động giảm giống gieo sạ mà Bộ NN&PTNT đưa ra mới đây./.

Mỹ Yến

Chia sẻ bài viết