Tiếng Việt | English

19/07/2019 - 14:21

Chất vấn theo nhóm vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Long An khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021), ngày 18/7/2019, HĐND tỉnh tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn, thông qua nghị quyết và bế mạc kỳ họp. So với các kỳ họp trước, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 15 có sự đổi mới, tập trung vào từng nhóm vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Vân, đơn vị huyện Thạnh Hóa chất vấn về việc gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa

Tăng cường quản lý, xử lý rác thải

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thanh Vân, đơn vị huyện Thạnh Hóa, nêu: Tình trạng rác quá tải tại Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa (khoảng 30.000 tấn) chưa được xử lý dẫn đến ô nhiễm môi trường, đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nói rõ nguyên nhân công ty (Cty) này thường xuyên vi phạm nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để? Hướng giải quyết trong thời gian tới?

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Võ Minh Thành trả lời: Quá trình hoạt động, do lượng rác tiếp nhận hàng ngày lớn hơn công suất xử lý, cùng với lượng rác tồn đọng do năm 2012 vừa thi công, vừa tiếp nhận rác của TP.Tân An (bãi rác xã Lợi Bình Nhơn đóng cửa); năm 2017, nhà máy tiếp tục tiếp nhận rác thải của huyện Đức Hòa vì TP.HCM ngưng tiếp nhận nên tồn đọng khoảng 30.000 tấn rác. Từ đó, phát sinh mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường xung quanh, nhất là vào mùa mưa, gây bức xúc cho người dân.

UBND tỉnh yêu cầu Cty thực hiện nhiều biện pháp: Che phủ bạt kín toàn bộ lượng rác ngoài xưởng, thường xuyên phun xịt chế phẩm khử mùi và diệt ruồi nhặng, trồng cây xanh xung quanh nhà xưởng, bêtông hóa các tuyến đường nội bộ trong nhà máy, thu gom và xử lý triệt để nước rỉ từ rác, xây dựng thêm lò đốt để đủ công suất xử lý rác theo hiện trạng. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Thạnh Hóa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc Cty thực hiện.

Sở thừa nhận, thời gian qua chỉ kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư cải tạo, khắc phục tồn tại, chưa xử lý vi phạm hành chính đối với những vi phạm về bảo vệ môi trường vì địa bàn tỉnh chỉ có một nhà máy Tâm Sinh Nghĩa hoạt động, trong khi nhu cầu xử lý rác thải hàng ngày rất lớn. Để có nơi tiếp nhận và xử lý rác của các địa phương, Sở chưa tham mưu UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính cũng như tạm dừng hoạt động của nhà máy này.

Vấn đề quản lý, xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường của Công ty Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa được đại biểu phản ánh. (Ảnh chụp tại Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa)

Đồng thời, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 104 về quản lý, thu gom vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2025; phối hợp các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho Cty được chuyển đổi công nghệ xử lý rác phát điện và nâng năng suất xử lý lên 500 tấn/ngày, dự kiến chủ đầu tư sẽ đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện trong 18 tháng, chậm nhất đến năm 2021 sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động. Bên cạnh đó, Sở tham mưu UBND tỉnh đôn đốc Khu xử lý rác huyện Thủ Thừa sớm hoàn thành, đi vào hoạt động để giảm tải áp lực xử lý rác của nhà máy Tâm Sinh Nghĩa. Sở tiếp tục phối hợp UBND huyện Thạnh Hóa tăng cường kiểm tra, quan trắc về nước thải, khí thải của nhà máy và kiên quyết xử lý vi phạm theo quy định; phối hợp giám sát chặt chẽ tiến độ thay đổi công nghệ và nâng công suất theo chủ trương UBND tỉnh. 

UBND tỉnh có văn bản gửi các ĐB về vấn đề này. Theo đó, tỉnh tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực và tâm huyết đầu tư nhà máy xử lý rác thải tập trung trên địa bàn tỉnh. Đối với các nhà đầu tư không thực hiện đúng theo chủ trương đầu tư và cam kết với tỉnh, kiên quyết thu hồi dự án (DA), kêu gọi các nhà đầu tư khác có năng lực để triển khai thực hiện.

Chấn chỉnh tình trạng xả thải ở khu, cụm công nghiệp

ĐB Nguyễn Hữu Tuấn, đơn vị huyện Cần Giuộc, cho rằng: Qua khảo sát, một số khu, cụm công nghiệp (K,CCN) trên địa bàn huyện Đức Hòa xả thải gây ô nhiễm, nhất là các tuyến kênh, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước và hướng giải quyết?

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Võ Minh Thành, tại huyện Đức Hòa, ngoài những K,CCN, các cơ sở sản xuất hoạt động trong KCN được phép xả thải trực tiếp, còn một số CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, xả nước thải chưa đạt quy chuẩn quy định ra nguồn tiếp nhận gây ô nhiễm các kênh: Ranh, T1, An Hạ. Cụ thể: CCN Hoàng Gia, CCN Đức Hòa Đông, CCN Đức Hòa Hạ. Trong đó, các đơn vị thứ cấp trong CCN Đức Hòa Đông, Đức Hòa Hạ tự xây dựng khi CCN chưa hoàn thành các thủ tục. Hiện nay, 2 CCN này, UBND tỉnh cho chủ trương và giao Quỹ Đầu tư phát triển chỉnh trang hạ tầng CCN.

Sở thường xuyên chủ động, phối hợp các đơn vị liên quan và UBND huyện Đức Hòa kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, K,CCN xả thải có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước mặt trên các tuyến kênh, rạch, đặc biệt là giám sát và đôn đốc KCN Xuyên Á, 4 CCN (Hoàng Gia, Đức Hòa Đông, Đức Hòa Hạ, Nhựa Đức Hòa) hoàn thành kết cấu hạ tầng, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. 

Dòng kênh  Đức Hòa bị  “bức tử” bởi việc xả thải gây ô nhiễm

UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo sở chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về lĩnh vực môi trường.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

ĐB Nguyễn Hữu Tuấn, đơn vị huyện Cần Giuộc, chất vấn: 6 tháng đầu năm 2019, việc tiếp nhận đầu tư của tỉnh ở mức thấp do quỹ đất đủ điều kiện cho thuê ít, giá cho thuê đất cao hơn so với các tỉnh khác trong khu vực, quy hoạch đất công nghiệp chậm triển khai. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cho biết giải pháp trọng tâm để cải thiện môi trường đầu tư, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng bền vững?

ĐB Nguyễn Văn Đức, đơn vị huyện Cần Giuộc, cho rằng: Việc triển khai xây dựng hạ tầng các K,CCN, khu tái định cư còn chậm, kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa xử lý kiên quyết khiến người dân bức xúc. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết giải pháp giải quyết vấn đề này?

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho biết, thời gian tới, UBND tỉnh đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các DA có quyết định đầu tư; huy động sức mạnh của hệ thống chính trị tham gia công tác này. Đối với những DA mới có chủ trương đầu tư, tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn, nhanh chóng hoàn tất thủ tục đầu tư. UBND tỉnh sẽ phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 15 huyện, thị xã, thành phố. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức; chú trọng hỗ trợ, xây dựng cam kết để đẩy nhanh tiến độ triển khai đối với một số nhà đầu tư lớn, DA lớn mang tính động lực cho tỉnh.

Liên quan các DA kéo dài, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần thông tin, hàng quí, UBND tỉnh sẽ kiểm tra, rà soát tất cả DA K,CCN, khu dân cư đô thị và các DA khác trên địa bàn tỉnh đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa đi vào hoạt động. Về vấn đề thẩm định tư cách pháp nhân của nhà đầu tư khi nhận chuyển nhượng DA để ràng buộc trách nhiệm, UBND tỉnh tiếp thu và sẽ chỉ đạo các ngành khi chủ trì giải quyết phải thẩm định kỹ điều kiện chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng DA, trong đó có tư cách pháp nhân của nhà đầu tư nhận chuyển nhượng DA. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng cải tiến phương thức thẩm định năng lực của nhà đầu tư. Đối với các DA đầu tư phải có tái định cư, ưu tiên đầu tư hạ tầng khu tái định cư hoàn chỉnh, bố trí xong lô nền tái định cư theo đúng quy định,... UBND tỉnh kiên quyết thu hồi DA chậm triển khai, không cho phép giãn tiến độ đối với các DA mà nhà đầu tư không chứng minh được khả năng triển khai. Đối với các khu đất sau thu hồi DA, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát quy hoạch xây dựng, sử dụng đất để điều chỉnh phù hợp và thông báo đến người dân trong vùng DA. Với những nhà đầu tư có năng lực, chính quyền cần hỗ trợ tối đa công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để có đất sạch thực hiện DA.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh nhận định, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trách nhiệm, dân chủ, công khai, đạt yêu cầu. Ông đề nghị người đứng đầu các sở, ngành tỉnh và cơ quan hành chính địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng tính chủ động, sáng tạo hơn nữa; kịp thời nghiên cứu hiến kế, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc các lĩnh vực, địa phương phụ trách để việc chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH được thực hiện đồng bộ, nhanh chóng, hiệu quả. Các Ban HĐND, ĐB HĐND tỉnh tích cực theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện lời hứa, cam kết của những người có trách nhiệm trả lời tại phiên chất vấn và các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp./.

Qua 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm và đổi mới, HĐND tỉnh thống nhất thông qua 24 nghị quyết quan trọng về các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan và mức học phí; về đầu tư công, đất đai, biên chế,...

HĐND tỉnh cũng xem xét, bầu ông Trần Minh Mẫn - nguyên Giám đốc Sở Tư pháp làm Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh; bầu ông Võ Minh Thành - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; miễn nhiệm chức vụ Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đối với ông Lê Sơn Hà; miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Phan Nhân Duy - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và ông Trần Minh Mẫn.

Thanh Nga - An Kỳ

Chia sẻ bài viết