Tiếng Việt | English

31/05/2020 - 09:48

Châu Thành - Nhìn lại hành trình 9 năm xây dựng huyện nông thôn mới

Sau 9 năm nhìn lại, từ một huyện thuần nông còn nhiều khó khăn, huyện Châu Thành, tỉnh Long An trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Châu Thành đã thực sự “vươn mình đổi mới”.

Từ một huyện thuần nông còn nhiều khó khăn, Châu Thành trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh

“Nông thôn mới là đây chứ đâu!”

Những ngày gần đây, ngoài việc gia đình, ông Huỳnh Công Nghiêm (ấp 7, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) còn dành thời gian tham gia tổ vận động. Địa phương triển khai công trình bêtông hóa tuyến đường liên ấp đi ngang qua nhà ông và tín nhiệm đề nghị ông tham gia tổ vận động. Mỗi tuần đôi lượt ông sắp xếp việc nhà cùng thành viên tổ đến từng nhà vận động đóng góp làm đường. Nhìn những chuyến xe thi công chạy qua lại trước ngõ, ông vui vẻ hẳn: “Đi vận động cũng cực nhưng nghĩ tới con đường mới sắp hoàn thành sẽ phục vụ tốt hơn đời sống người dân, tôi mừng lắm! Bà con ai cũng muốn có con đường khang trang, rộng rãi nên khi làm đường, mọi người đều ủng hộ”.

Được biết, tuyến đường trước đây nhỏ, hẹp, người dân tự góp tiền trải đá, nắng bụi, mưa thì đầy rẫy ổ gà, trơn trượt. Từ ngày công trình khởi công, xóm nhỏ nhộn nhịp hẳn lên. Xe cơ giới qua lại mỗi ngày, người dân có thời gian cũng ra giám sát hoặc giúp một tay. “Xong con đường này là hoàn hảo quá rồi! Nước sạch, điện hạ thế và đường bêtông sạch, đẹp. Nông thôn mới là đây chứ đâu!” - ông Nghiêm vui vẻ nói. Cách đây nửa năm, đài nước qua lắng lọc trong ấp hoàn tất đã đưa nước đạt chuẩn 02 của Bộ Y tế về tới tận nhà dân. Có điện hạ thế ổn định với giá theo quy định, người dân trong xóm “đua nhau” mua sắm vật dụng điện tử trong gia đình. Không chỉ tivi mà tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa,… cũng không còn xa lạ. 

“Xứ thanh long” trở mình

Châu Thành là huyện nông nghiệp. Cây trồng trước đây chủ yếu là lúa nếp. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 chỉ có 22 triệu đồng. Đường giao thông nông thôn nhỏ, hẹp, nắng bụi, mưa lầy. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các trường học, trạm y tế chưa đạt chuẩn, còn thiếu thốn. 

Trở lại Châu Thành hôm nay, đâu đâu cũng thấy những công trình mới. Trường học năm xưa còn nhiều phòng tạm thì nay được thay bằng những dãy phòng học rộng, đẹp, sân tráng bêtông, cổng rào đầy đủ. Học sinh đến trường với những bộ đồng phục đẹp. 100% trường học tại Châu Thành đạt chuẩn quốc gia. Công tác phổ cập giáo dục được thực hiện tốt.

Dọc theo các tuyến đường bêtông len giữa những vườn thanh long đỏ trái là những ngôi “biệt thự mini” của người dân trong huyện. Châu Thành ngày nay không còn nhà tạm, dột nát. Những công trình mới mọc lên như nấm. Trạm y tế, trường học, công trình văn hóa,… lần lượt được xây mới, đầu tư trang thiết bị. 100% trạm y tế cấp xã đạt chuẩn theo quy định, 100% xã có bác sĩ, bảo đảm tốt công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. 

100% đường xã, huyện được bêtông hóa/nhựa hóa bảo đảm ôtô đi lại thuận tiện quanh năm. Đường liên ấp, đường trục ấp, đường chính nội đồng đều được cứng hóa, bêtông hóa bảo đảm vận chuyển hàng hóa. Về Châu Thành mùa nào cũng thấy những xe tải chở thanh long chạy trên các tuyến đường. Nông dân chuyển đổi cây trồng từ lúa sang thanh long và xử lý ra hoa trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 22 triệu đồng/năm 2011 lên 62,5 triệu đồng/năm 2019. Cây thanh long và con tôm đã giúp kinh tế Châu Thành đi lên rõ nét. Hiện huyện chỉ còn 237 hộ nghèo, chiếm 0,92%.

Sau 9 năm xây dựng nông thôn mới, Châu Thành hoàn toàn thay đổi. Từ một địa phương còn lắm khó khăn đã vươn lên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình cho biết: “Sau khi hoàn tất xây dựng nông thôn mới, diện mạo Châu Thành đã thay đổi rõ nét, đời sống người dân được nâng lên, tình hình an ninh, trật tự được giữ vững ổn định. Đó là nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện tới xã và sự đồng lòng, ủng hộ của người dân”.

"Có thể nói, Châu Thành đã hoàn thành được mục tiêu lớn nhất, đó là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cốt lõi của hành trình xây dựng nông thôn mới chính là để giúp người dân có cuộc sống tốt hơn”.

 Bí thư Huyện ủy Châu ThànhVõ Thanh Phong

 Bà Võ Thị Bạch Tuyết (ấp Phú Tây A, xã Thanh Phú Long):

So với trước đây thì người dân bây giờ có thể nói là được chăm sóc toàn diện. Ngoài kinh tế gia đình khá hơn thì chị em phụ nữ cũng được nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình. Các chị được mời đi khám, chăm sóc sức khỏe sinh sản định kỳ, tư vấn kế hoạch hóa gia đình. Trẻ em được tiêm ngừa mở rộng hàng tháng, được uống vitamin A đầy đủ. Mỗi lần có đợt chăm sóc sức khỏe như vậy đều có thư mời riêng đến tận nhà. Người cao tuổi cũng được quan tâm khám sức khỏe định kỳ. Với các cụ quá cao tuổi không đến khám tập trung được thì y, bác sĩ đến tận nhà thăm khám. Như vậy thì tốt quá rồi!

 Ông Đoàn Công Nghĩa  (ấp Cầu Hàn, xã An Lục Long): 

Huyện đạt nông thôn mới là chuyện đáng mừng. Mừng nhất là kinh tế người dân phát triển hơn trước rất nhiều. Ai nấy đều có nhà cửa khang trang. Đường sá rộng, đẹp chạy tới nhà. Cả ấp tui ai cũng được xài nước sạch đúng chuẩn 02 của Bộ Y tế. Nước trong, chảy mạnh nên bà con phấn khởi lắm! Ngày trước, ở đây cũng xài nước giếng nhưng không lắng lọc, phèn dữ lắm, có khi nghẹt ống, nước chảy không nổi. Bây giờ thì không còn như vậy nữa. Cả ấp giờ chỉ còn 1 hộ nghèo thôi. Còn lại kinh tế ai cũng đều khá giả.

 Ông Trần Ngọc Hưởng  (ấp Phú Xuân 2, xã Phú Ngãi Trị):

So với mấy năm trước thì quê mình bây giờ khác nhiều rồi. Đâu còn đường lầy lội, nhỏ, hẹp nữa, giờ đường quê được tráng bêtông tới từng nhà, có đèn đường, camera. Xe 4 bánh chạy thoải mái. Người dân bán thanh long, vận chuyển cũng thuận lợi hơn. Tôi là cựu chiến binh nhưng may mắn được bình an trở về, ngày nay thấy quê hương mình đổi mới, thật hạnh phúc vô cùng! Bất cứ khi nào có cơ hội, tôi đều tham gia đóng góp xây dựng các công trình, dù ít hay nhiều để chung tay xây dựng quê hương. Làm lại một cây cầu mới hay lắp hệ thống bóng đèn chiếu sáng,… cũng là góp phần giúp xã mình phát triển hơn, người dân mình sống tốt hơn. Châu Thành trở thành huyện nông thôn mới là niềm tự hào của địa phương, cũng là niềm vui của người dân vì cuộc sống tốt hơn trước rất nhiều.

 Anh Nguyễn Duy Khang (ngụ xã Dương Xuân Hội): 

Cây thanh long ở Châu Thành mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Nhiều người nhờ cây thanh long mà phát triển kinh tế gia đình. Nhưng bây giờ muốn sản xuất bền vững phải làm theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch mới được. Chứng nhận VietGAP hay GlobalGAP là “giấy thông hành” đầu tiên để nông dân đưa sản phẩm đến với các thị trường khó tính, bền vững hơn. Mặc dù sẽ khó thực hiện hơn so với sản xuất truyền thống nhưng đó là cách để nông sản có giá trị cao. Sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng đắn, bền vững cho nông dân. Tôi rất ủng hộ chương trình sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao. Thời gian gần đây, giá thanh long không ổn định như trước, có lúc xuống thấp kỷ lục, tôi nghĩ thay đổi tập quán sản xuất sang sản xuất thanh long sạch ứng dụng công nghệ cao là vấn đề bắt buộc phải thực hiện./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích