Tiếng Việt | English

29/07/2022 - 14:35

Chính phủ yêu cầu tập trung giải ngân vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2022  

Sáng 29/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 với các địa phương về kết quả thực hiện chương trình trong 6 tháng đầu năm 2022.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: chinhphu.vn

Căn cứ Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH15, ngày 22/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, dự toán ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Trong đó, đã giao trên 92.057 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, chiếm 92,06%  tổng vốn cho các địa phương; giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022 là 34.049 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn năm 2022. Đến hết ngày 25/7/2022, có 27/52 địa phương (nhận ngân sách phân bổ từ Trung ương) đã trình HĐND thông qua Nghị quyết phân bổ vốn ngân sách Trung ương.

Các địa phương báo cáo tiến độ triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (Ảnh chụp màn hình)

Các thành viên Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo tập trung xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách khung để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, đang tích cực chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, làm cơ sở để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo thẩm quyền của các bộ, cơ quan Trung ương còn chậm và chưa được ban hành đồng bộ, kịp thời đã ảnh hưởng đến công tác triển khai, tổ chức thực hiện chương trình nhất là tiến độ phân bổ vốn và giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, năm 2022.

Bên cạnh đó, các thông tư quy định về quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp; hướng dẫn tổ chức thực hiện nội dung, dự án, tiểu dự án thành phần cũng chưa được ban hành theo tiến độ. Việc chậm ban hành các quy định, hướng dẫn này sẽ không đủ cơ sở để tổ chức thực hiện và giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Việc giao kế hoạch vốn năm 2022 chậm dẫn đến việc địa phương chậm triển khai và giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tại Long An, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp lệ giữa năm 2022 các nghị quyết về việc phân bổ vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. UBND tỉnh đang thực hiện việc phân bổ chi tiết cho các đơn vị để triển khai thực hiện. Ngoài ra, tỉnh cũng đã phân bổ vốn ngân sách tỉnh năm 2022 là 150 tỉ đồng (vốn xổ số kiến thiết) cho các địa phương để thực hiện chương trình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Minh Lâm chủ trì hội nghị tại điểm cầu của tỉnh

Nhằm thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022, UBND tỉnh Long An kiến nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư quy định quản và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 để các địa phương thanh quyết toán và giải ngân nguồn vốn được giao.

Đồng thời, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ ban hành quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025 cũng như Văn phòng Điều phối giảm nghèo bền vững; kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới, nhất là hướng dẫn một số chỉ tiêu như “Có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả”, “có ít nhất một tổ chức thủy lợi cơ sở hoạt động hiệu quả, bền vững”, “tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn”,...

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Phạm Bình Minh đề nghị các Bộ, ngành có liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để các địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện; tiếp tục rà soát, đánh giá, tháo gỡ các khó khăn của địa phương trong quá trình thực hiện chương trình. Ông nhấn mạnh, các tỉnh, thành phố phải tích cực, quyết liệt hơn nữa để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là nhanh chóng phân bổ vốn và tập trung giải ngân trong năm 2022./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết