Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đang chịu nhiều tác động tiêu cực của hạn hán và xâm nhập mặn. Hàng trăm ngàn ha lúa ở một số địa phương như Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau... đã bị ảnh hưởng và thiệt hại hoàn toàn. Trong hoàn cảnh này, việc nghiên cứu để chọn ra những giống lúa ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL đã và đang tiếp tục là vấn đề cấp bách đòi hỏi các cơ quan nghiên cứu phải vào cuộc.
Về vấn đề này, phóng viên VOV tại ĐBSCL đã phỏng vấn Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL.
Giống OM 8108 có thời gian sinh trưởng 90-95 ngày, năng suất từ 6-8 tấn/ha, chịu mặn 4‰, chịu phèn khá
PV: Thưa ông, trong điều kiện diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu như hạn hán và xâm nhập mặn thì việc nghiên cứu ra những giống lúa có khả năng thích nghi với vùng khô hạn và mặn ở ĐBSCL được Viện lúa thực hiện ra sao?
Ông Nguyễn Hồng Sơn: Nhiệm vụ nghiên cứu, chọn tạo những giống lúa có khả năng thích ứng với những vùng xâm nhập mặn là nhiệm vụ thường xuyên của Viện. Cho đến nay đã có nhiều giống lúa có khả năng thích ứng với mặn như giống 0M 5451, OM 2517 hay OM 6976...
Các giống này đều có khả năng thích ứng với mặn với nồng độ mặn từ 3 phần ngàn đến 5 phần ngàn. Tuy nhiên, để an toàn nhất thì cũng có sự khuyến cáo nông dân chỉ nên sử dụng khi nồng độ mặn dưới 3 phần ngàn. Khi trên 3 phần ngàn thì không nên tiến hành gieo cấy. Bởi vì như thế thì rủi ro rất lớn cho người nông dân.
Mặc dù chúng ta cấy các giống có khả năng chống chịu mặn nhưng đối với các giống này chỉ chống chịu mặn trong những giai đoạn sinh trưởng ít bị tác động nghiêm trọng của mặn. Còn một số giai đoạn mẫn cảm nhất với xâm nhập mặn như là giai đoạn lúa phân hóa đồng hay lúa trổ thì khả năng chống chịu rất thấp.
PV: Vậy thưa ông, những giống lúa có khả năng thích nghi với hạn, mặn đã được triển khai trong thực tế ở những vùng sản xuất nào ở ĐBSCL?
Ông Nguyễn Hồng Sơn: Hiện nay, những giống lúa này đều được Bộ NN & PTNT công nhận; đồng thời cũng đã ứng dụng rất rộng trong sản xuất. Đặc biệt là giống OM 5451 hiện nay được phổ biến trong toàn vùng với tổng diện tích khoảng 800 ngàn ha. Hay giống OM2517 cũng đã phổ biến. OM6976 cũng thế. Riêng giống OM9921 thì đã phổ biến và có triển vọng rất tốt tại Kiên Giang. Trong thời gian tới, giống này sẽ đáp ứng được tiêu chí vừa có khả năng kháng mặn cũng như các tiêu chí về nông học khác về năng suất, chất lượng cũng như khả năng thích ứng rộng.
PV: Cây lúa trước nay chỉ thích ứng với vùng nước ngọt. Vậy khi bây giờ nghiên cứu ra những giống lúa có khả năng sinh trưởng vùng nhiễm mặn thì năng suất và chất lượng của hạt lúa sau thu hoạch sẽ ở mức độ nào so với những giống lúa khác, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Sơn: Đây là một câu hỏi rất lớn đặt ra cho các nhà nghiên cứu. Thật ra tạo ra những giống có khả năng chống chịu mặn thì cũng không quá khó. Thế nhưng, để đảm bảo những đặc tính khác nữa, vừa năng suất, vừa chất lượng thì là việc rất khó. Vì vậy, chúng tôi phải kết hợp lựa chọn tất cả những đặc tính tốt và cộng với đặc tính chống chịu mặn thì mới ra được những giống thích nghi vùng mặn và được thị trường chấp nhận. Vừa rồi có 1 giống có khả năng chống chịu mặn là OM 5626, có khả năng chịu mặn 6 phần ngàn. Thế nhưng có đặc tính bất lợi là đuôi của hạt có một đoạn râu. Thế nên cũng không được các cơ sở chế biến chấp nhận và không thu mua.
Trong thời gian tới, chúng tôi cố gắng tích hợp các tính trạng tốt của giống, nhất là quan tâm đến 2 tính trạng là duy trì được năng suất cũng như kháng với sâu bệnh và chống chịu điều kiện mặn.
Còn đối với chất lượng thì các giống mà chống chịu mặn thì không gây ảnh hưởng đến chất lượng nhiều lắm. Bởi các chỉ tiêu chất lượng như mùi thơm thì càng biểu hiện tốt trong điều kiện bất lợi. Chúng tôi gọi là trong điều kiện stress, điều kiện bất thuận thì càng thể hiện mạnh. Cho nên là ít ảnh hưởng lớn so với các vùng nước ngọt. Chủ yếu chúng tôi tập trung vào năng suất và khả năng kháng đỡ với sâu bệnh và chống chịu mặn. Các giống này hiện áp dụng phổ biến và năng suất trung bình khoảng 7 tấn trở lên./.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!/.
Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL