Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương - Trương Thị Mai (đứng giữa hàng đầu) thăm và làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy
Thực hiện Chương trình đột phá của NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Ban Tổ chức Tỉnh ủy kịp thời tham mưu Tỉnh ủy ban hành NQ số 12-NQ/TU, ngày 15/4/2021 về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh; chủ động tham mưu các giải pháp tiếp tục thực hiện NQ số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ CB các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Nhiều quy định, hướng dẫn được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác CB và phù hợp tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị. Các khâu trong công tác CB được thực hiện ngày càng nền nếp, nghiêm túc, khách quan, chặt chẽ, đúng quy định.
Hiện nay, 100% CB chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ đại học chuyên môn trở lên và cao cấp lý luận chính trị; 100% CB chủ chốt cấp xã có trình độ đại học chuyên môn và trung cấp lý luận chính trị trở lên. Công tác nhận xét, đánh giá CB được đổi mới, ngày càng thực chất hơn; tiêu chí đánh giá, xếp loại ngày càng cụ thể hơn gắn với chức danh CB; phương pháp, quy trình nhận xét, đánh giá CB được chú trọng đổi mới theo hướng dân chủ, công khai, khách quan, đề cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu. Công tác quy hoạch CB ở các cấp, các ngành bảo đảm cơ cấu theo quy định; quan tâm quy hoạch CB nữ, CB trẻ. Kết quả quy hoạch cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030, CB nữ chiếm 27,1%; CB trẻ chiếm 12,8%.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 1.890 CB, đảng viên (ĐV) học trung cấp lý luận chính trị; có 502 CBĐV học cao cấp lý luận chính trị. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch đào tạo CB nguồn với 52 CB, dưới 35 tuổi được đào tạo chính quy, trong đó có 13/52 thạc sĩ và 2/52 nghiên cứu sinh; hiện nay đang trình kế hoạch đào tạo nguồn với số lượng 64 đồng chí, trong đó có 27/64 thạc sĩ. Các chế độ, chính sách CB được quan tâm nhiều hơn, bảo đảm đúng quy định, kịp thời. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được coi trọng hơn, nhất là chính trị hiện nay đã góp phần bảo vệ đường lối, chủ trương, nền tảng tư tưởng của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát công tác CB được thực hiện thường xuyên hơn; việc chống chạy chức, chạy quyền, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác CB ngày càng được chú trọng.
Qua 5 năm tập trung lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện NQ số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tỉnh cơ bản thực hiện tốt mục tiêu tổng quát của NQ, được Đoàn khảo sát Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao. Sau sắp xếp tổ chức bộ máy, đã giảm đầu mối; giảm số lượng lãnh đạo, quản lý; giảm đơn vị sự nghiệp công lập; biên chế của cả hệ thống chính trị được tinh giản, đạt 11,98% bảo đảm chỉ tiêu theo NQ số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Toàn tỉnh có 15/15 huyện, thị xã, thành phố bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương; 58/188 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình Bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã; có 92/188 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình Bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch HĐND.
Các cấp ủy đã quan tâm lãnh đạo việc đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ ĐV. Hầu hết tổ chức cơ sở Đảng được sắp xếp, kiện toàn, đã khẳng định được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở. Trên địa bàn tỉnh có 76 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 1.142 ĐV. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh kết nạp được 3.634 ĐV, đạt 57,7% chỉ tiêu NQ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Đặc biệt, các địa phương đã quan tâm kết nạp 30 ĐV tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có chuyển biến rõ nét, tích cực. Nhiều địa phương, đơn vị có những mô hình hay, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Việc nhận diện 82 biểu hiện suy thoái theo NQ Trung ương 4 (khóa XII) được CBĐV thực hiện, có tác dụng cảnh báo, phòng ngừa sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; góp phần ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Công tác TCXDĐ tuy đạt kết quả quan trọng nhưng còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, đó là: Năng lực thực tiễn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý của một số CB có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của tỉnh, thiếu CB các ngành khoa học - kỹ thuật, chuyên sâu. Công tác đánh giá CB có đổi mới, chuyển biến nhưng chưa phản ánh đúng thực chất, tự phê bình và phê bình ở một số nơi còn hạn chế. Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, thực hiện quy định nêu gương của một số CBĐV chưa thường xuyên, nền nếp. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng còn thấp; công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, ĐV trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước còn khó khăn; sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi vẫn còn hình thức, sinh hoạt chuyên đề chưa nhiều;...
Một số định hướng nhiệm vụ, giải pháp công tác TCXDĐ thời gian tới
Thời gian tới, ngành TCXDĐ của tỉnh phải chủ động, tham mưu, đề xuất cấp ủy lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội XIII xác định, đó là: (1) Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương. (2) Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CB; tập trung xây dựng đội ngũ CB các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. (3) Tiếp tục đổi mới, kiện toàn và từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, hoàn thành các nhiệm vụ được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Trung ương, cấp ủy các cấp giao bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Thứ hai, chủ động phối hợp, đề xuất, tham mưu các giải pháp thực hiện hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Thứ ba, tham mưu đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình gắn với cơ cấu lại đội ngũ CB, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới đồng bộ và tạo ra khả năng đột phá một số khâu trong công tác CB.
Thứ năm, tiếp tục tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ ĐV trong giai đoạn mới theo NQ số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương. Rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của một số loại hình tổ chức cơ sở Đảng.
Thứ sáu, quan tâm công tác kiểm tra, giám sát công tác TCXDĐ. Thực hiện nghiêm túc Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác CB và chống chạy chức, chạy quyền.
Thứ bảy, tiếp tục xây dựng, củng cố cơ quan tham mưu và đội ngũ CB làm công tác TCXDĐ thật sự “đoàn kết, trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới như NQ Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định.
Với truyền thống 92 năm thành lập ngành TCXDĐ (14/10/1930 - 14/10/2022), phát huy truyền thống của ngành, đội ngũ CB, công chức ngành TCXDĐ tỉnh tiếp tục phối hợp, tham mưu xây dựng được đội ngũ CB các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu NQ Đại hội Đảng đề ra./.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy - Lê Thanh Nghiêm