Vin vào yếu tố thời đại để phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng và Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước ta khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho hành động. Sự khẳng định đó nói lên ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng nước ta.
Hòng thực hiện mục tiêu xuyên suốt, một số luận điệu vin vào yếu tố thời đại để phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin. Chúng cho rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX hoặc cùng lắm là đầu thế kỷ XX, thích hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, thứ hai và văn minh cơ khí, còn bây giờ nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI - là thời đại của cách mạng khoa học - công nghệ, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, văn minh tin học, kinh tế tri thức, kinh tế số, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế nên không còn thích hợp nữa, “chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị lỗi thời”,...
Đây là những luận điểm phi lý, thiếu căn cứ cả về lý luận và thực tiễn. Thời đại chúng ta đang sống khác rất nhiều so với thời đại của Mác - Ăngghen - Lênin, đã có nhiều biến đổi to lớn, sâu sắc về KT-XH, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ. Không nhận thức được những biến đổi to lớn của thời đại sẽ không hiểu đúng bản chất của thời đại.
Bài học về sự xa rời các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin
Từ thập niên 1970, lực lượng sản xuất thế giới bước vào giai đoạn phát triển tăng tốc mới nhờ cuộc cách mạng tin học và quá trình toàn cầu hóa. Tuy nhiên, các Đảng Cộng sản cầm quyền ngày càng xa rời thực tiễn, rơi vào tình trạng giáo điều về tư tưởng, sa sút về tinh thần, suy thoái về tổ chức, tha hóa về đạo đức, đánh mất lòng tin của quần chúng nhân dân.
Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) bị xói mòn bởi tình trạng tập trung quyền lực và tệ sùng bái cá nhân ngày càng trở nên chuyên chế, quan liêu, độc đoán, duy ý chí, khiến cho các mâu thuẫn xã hội tích tụ không được giải quyết, bức xúc xã hội gia tăng.
Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung mất dần tính hiệu quả và động lực phát triển do các quan hệ sản xuất trở nên xơ cứng, coi nhẹ lợi ích cá nhân, khuyến khích vật chế, triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo của con người, cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất, khiến cho tăng trưởng kinh tế mất đà, hiệu quả KT-XH ngày càng giảm sút.
Nguyên nhân trực tiếp là những sai lầm nghiêm trọng của ban lãnh đạo Liên Xô, đứng đầu là Gorbachev trong quá trình cải tổ: Công cuộc cải tổ được tiến hành ồ ạt trên cả 4 phương diện: Tự do hóa kinh tế, dân chủ hóa chính trị, phi ý thức hệ tư tưởng và mở cửa ra bên ngoài. Những bước đi nguy hiểm này đã hủy hoại uy tín của Đảng Cộng sản, làm mất phương hướng dư luận xã hội, phá vỡ niềm tin của quần chúng đối với những giá trị XHCN tốt đẹp, thổi bùng chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa chống cộng, chủ nghĩa ly khai tại các nước cộng hòa tự trị và các nước XHCN anh em, tạo điều kiện cho các phần tử bất đồng chính kiến, những kẻ cơ hội chính trị đủ mọi phe phái trỗi dậy, tập hợp thành các phong trào chống đối.
Việc thi hành chính sách đối ngoại phản động theo hướng từng bước nhượng bộ, thỏa hiệp với phương Tây đã vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch bên ngoài đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, kích động tâm lý bất bình, bức xúc trong dân chúng, hỗ trợ tập hợp lực lượng, hình thành các phong trào đối lập, phản kháng, tiến tới xóa bỏ chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu.
Thành công từ sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin
Thành công của công cuộc cải cách ở hàng loạt các nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, như đổi mới ở Việt Nam, cải cách mở cửa ở Trung Quốc, cải cách kinh tế ở Lào, kết quả bước đầu của chính sách “cập nhật hóa mô hình kinh tế” ở Cuba,... đưa các nước không chỉ vượt qua được giai đoạn khủng hoảng KT-XH trầm trọng, đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch mà còn tạo được những bước đột phá phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, là những bằng chứng rõ ràng về sự hồi sinh của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Cốt lõi của những thành công này là việc kết hợp hài hòa các quy luật của kinh tế thị trường với các nguyên lý của chủ nghĩa xã hội, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN với mở cửa và hội nhập quốc tế, giữa việc củng cố và nâng cao vai trò lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản với việc xây dựng nhà nước pháp quyền và dân chủ hóa xã hội.
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện thực tiễn mới không phải là việc tân trang, cắt xén hay sửa đổi tùy tiện hệ thống lý luận này mà là việc đổi mới nhận thức, tư duy lại một cách thấu đáo các nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin trong tình hình mới, bổ sung và phát triển lý luận lên ngang tầm thời đại bằng những tinh hoa tri thức mới của nhân loại cũng như kinh nghiệm thực tiễn mới từ cuộc sống.
Lãnh đạo các nước phương Tây và nhiều học giả tư sản tìm đọc, nghiên cứu di sản của C.Mác
Phong trào “Chiếm phố Uôn” với biểu ngữ 99% người nghèo chống lại 1% người giàu” (năm 2009 và 2011) không chỉ diễn ra trên đất Mỹ mà còn lan rộng ra một số nước tư bản phát triển phản ánh sự bất lực của hệ thống tư bản trong việc giải quyết vấn đề công bằng xã hội.
Đứng trước sự bế tắc của chủ nghĩa tư bản trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối năm 2007 xuất phát từ nước Mỹ, nhiều người tìm đọc di sản của C.Mác. Bản thân G.Xôrôt - nhà tài phiệt và nhà chính trị Mỹ, người luôn tôn thờ chủ thuyết kinh tế thị trường tự do, cũng thừa nhận: “Tôi đang đọc Mác”. Còn lãnh đạo các nước phương Tây (Mỹ, Anh,...), những người luôn khước từ sự can thiệp của nhà nước vào khu vực tài chính, cũng tham khảo di sản của C.Mác và hành động ngược lại những gì họ tôn thờ khi tung ra những gói tài chính khổng lồ để cứu hệ thống tài chính tư bản sắp sụp đổ.
Giải thích cho hiện tượng đó, Nhà sử học người Anh - Êrích Hôxbon nói rằng: Việc quay trở lại đọc Mác có nghĩa là thế giới cần phải nghiên cứu học thuyết của ông về chủ nghĩa tư bản và vị trí của học thuyết đó trong sự phát triển của xã hội loài người. Thực tế nói trên củng cố thêm những tiên đoán của một số học giả tư sản về thế kỷ XXI vẫn là thế kỷ của chủ nghĩa Mác. Giắccơ Đêriđa - triết gia hiện tại có uy tín ở Mỹ và Pháp, cho rằng: Nhân loại “không có tương lai nếu không có Mác, nếu không có các di sản của Mác”.
Hoàn cảnh lịch sử cụ thể luôn thay đổi, song những quy luật phát triển cơ bản, phổ biến của lịch sử loài người mà chủ nghĩa Mác-Lênin nêu lên là không thay đổi, có giá trị trường tồn. Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn luôn là lý luận và phương pháp luận khoa học cho sự nhận thức xã hội, nhận thức thời đại mà không một học thuyết nào có thể thực hiện được vai trò đó./.
Lê Đình Lượng