Tiếng Việt | English

05/07/2021 - 10:17

Tư tưởng Hồ Chí Minh - sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào cách mạng Việt Nam

Sau nhiều thập niên thực hiện chính sách thù địch, chống phá không đạt hiệu quả, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đang thay đổi phương thức hoạt động. Mục tiêu nhất quán không thay đổi của chúng là chống phá tận gốc về nền tảng tư tưởng của Đảng; đòi đa nguyên chính trị nhằm hạ thấp và xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; xóa bỏ độc lập dân tộc và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đòi đối lập chủ nghĩa Mác-Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh; đòi “phi chính trị hóa”, vô hiệu hóa quân đội,... Trên không gian mạng xuất hiện nhiều bài viết với các luận điệu xuyên tạc, thiếu căn cứ hướng dư luận có cái nhìn lệch lạc, phủ nhận giá trị, thành quả lịch sử; hoài nghi về con đường đi lên chủ nhĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn.

Một số bài viết trên tài khoản Facebook: Việt Tân, Dân Làm Báo Việt Nam; trên trang Đài Á Châu Tự do,... với luận điểm xuyên tạc cho rằng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam”. Chúng tìm mọi cách nhằm tạo ra sự đối lập và tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin, để khi thì đề cao, tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh, khi thì lại cho rằng Hồ Chí Minh không có tư tưởng vì đó là một nhà hoạt động thực tiễn. Đây là những luận điệu xuyên tạc, thiếu căn cứ; qua nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đã chứng minh tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào cách mạng Việt Nam.

Trên không gian mạng xuất hiện nhiều bài viết với các luận điệu xuyên tạc, thiếu căn cứ hướng dư luận có cái nhìn lệch lạc, phủ nhận giá trị, thành quả lịch sử

Tư tưởng Hồ Chí Minh có mối quan hệ biện chứng, thống nhất với chủ nghĩa Mác-Lênin

Thực tế chứng minh, năm 1920, 9 năm sau khi rời Việt Nam ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã dày công nghiên cứu một số cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu; những cuộc cách mạng đã đưa một số nước từ chế độ phong kiến lạc hậu trở thành những nước tư bản hùng mạnh, với một xã hội được coi là có dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái. Tuy nhiên, đằng sau sự “hào nhoáng” về dân chủ, tự do là sự lừa bịp, phản bội lợi ích của nhân dân lao động, chế độ người bóc lột người ngày càng phát triển với trình độ cao hơn trước,...

Trong hoàn cảnh đó, tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đã đọc trên Báo Nhân Đạo của Pháp bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin. Sơ thảo luận cương nói về giải phóng dân tộc, một vấn đề mà Nguyễn Ái Quốc đã ấp ủ tìm kiếm. Ngồi một mình trong phòng, Người đã reo lên như đang nói trước đồng bào: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Người đã tìm ra “cẩm nang” để cứu nước, giải phóng dân tộc. Cũng từ đây, Người đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, được coi là bước ngoặt quyết định trong nhận thức của Người về con đường cứu nước và giải phóng dân tộc. Người viết: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Sống trong thời kỳ lịch sử thế giới đang có nhiều chuyển biến sâu sắc sau Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, đất nước ta vẫn phải sống dưới ách đô hộ của đế quốc, phong kiến. Nhiều nhà yêu nước trong thời kỳ đó cũng muốn tìm đường cứu nước và đưa ra những tư tưởng canh tân mới. Tuy vậy, họ đều bị hạn chế trong tư tưởng, nhận thức về con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Sau này, Người còn chỉ rõ: Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không chỉ là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là kim chỉ nam mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Như vậy, phương thức đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống áp bức, bóc lột là gắn bó, khăng khít giữa sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản với sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa, bị áp bức. Toàn bộ lịch sử tư tưởng Hồ Chí Minh là sự thống nhất, quan hệ biện chứng với chủ nghĩa Mác-Lênin về những vấn đề của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đây là những vấn đề cốt lõi nhất của cách mạng cả trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam

Từ lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin để tìm ra những chủ trương, chính sách phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện trong từng thời kỳ cụ thể của cách mạng Việt Nam. Người đưa ra luận điểm rất quan trọng về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cuộc cách mạng ở “chính quốc”, nhân dân thuộc địa có thể đứng lên, tự giải phóng mình. Sáng tạo trong giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa quốc tế. Hồ Chí Minh đã khẳng định phải từ giải phóng dân tộc đến giải phóng giai cấp, dân tộc không được giải phóng thì giai cấp cũng không được giải phóng. Đồng thời, đưa ra vấn đề liên minh công - nông, trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng Việt Nam.

Về xây dựng Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, đó là quy luật hình thành Đảng bằng kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước (trong chủ nghĩa Mác-Lênin chưa đặt vấn đề phong trào yêu nước), Đảng vừa đại diện cho lợi ích của giai cấp, vừa đại diện cho lợi ích của dân tộc. Đây là sự sáng tạo về xây dựng Đảng kiểu mới ở một nước thuộc địa. Kết hợp với truyền thống chống xâm lược của dân tộc lên trình độ cao về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và tiến hành chiến tranh nhân dân, đánh thắng những tên đế quốc to lớn nhất, hùng mạnh nhất của thời đại ngày nay.

Sự kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin là một thực tế khách quan, được lịch sử kiểm nghiệm bằng cả lý luận khoa học và thực tiễn sinh động, đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Tư tưởng của Người là những hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về cách mạng Việt Nam, có giá trị vĩnh hằng cho hôm nay và các thế hệ mai sau. Mọi sự xuyên tạc, lừa bịp của các thế lực thù địch, phản động về tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác-Lênin đều không có giá trị./.

Lê Đình Lượng

Chia sẻ bài viết