Sau Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về 19 điều đảng viên không được làm, thay cho Quy định số 47-QĐ/TW (ban hành năm 2011).
Một trong hai điều hoàn toàn mới tại Quy định số 37 đó là “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”.
Đảng viên không được xa rời nền tảng tư tưởng của Đảng
Theo PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), từ Đại hội lần VII (6/1991) đến nay, Đảng ta đều khẳng định sự nghiệp cách mạng, đường lối đổi mới của Đảng dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Sự khẳng định đó nói lên ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng nước ta và thực tế nền tảng tư tưởng của Đảng đã mang lại những thành tựu cách mạng to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 35 năm đổi mới đất nước.
PGS.TS Bùi Đình Phong.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay xuất hiện một số cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, xa rời quần chúng, thậm chí phủ nhận, hạ bệ Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Cùng với đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp.
Nhiều tổ chức Đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; việc đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén, hiệu quả chưa cao.
Đại hội XIII của Đảng cũng đã khẳng định phải tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
“Việc bổ sung quy định cấm đảng viên phản bác, phủ nhận, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là rất đúng, để làm sao cán bộ, đảng viên có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như mục tiêu con đường đi lên CNXH ở nước ta. Nếu không quy định cấm thì cán bộ có thể sẽ xa rời lý tưởng của Đảng, bởi đó là bước ngắn, thậm chí rất ngắn đi đến tiếp tay, cấu kết với các thế lực thù địch phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc” – ông Bùi Đình Phong cho biết.
Nhấn mạnh chủ nghĩa cá nhân là gốc “đẻ” ra các thứ bệnh nguy hiểm như tham ô, lãng phí, tham nhũng, quan liêu, xa dân, ông Bùi Đình Phong cho rằng, đây là căn bệnh cần phải kiên quyết chống, cần phải quét sạch trong toàn Đảng. Bản chất chủ nghĩa cá nhân là lối sống thực dụng, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể, miễn là “mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Do đó phải kiên quyết đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong toàn Đảng, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng trong mỗi đảng viên.
“Bây giờ chúng ta tập trung “đánh” vào sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, coi đó là cái gốc. Nếu không đánh, không diệt được nó thì tham nhũng kinh tế vẫn còn”.
Ông Bùi Đình Phong nói như vậy và nhấn mạnh Quy định 37 là khung tiêu chuẩn định hướng hành vi để đảng viên nêu cao tính tiền phong gương mẫu trong sinh hoạt Đảng cũng như thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Quy định này là căn cứ, cơ sở quan trọng để tổ chức Đảng kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên. Đảng viên vi phạm quy định này phải được xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
“Đối với cán bộ, đảng viên, mọi thứ đều phải ngấm vào máu thịt, biến thành hành động cụ thể. 19 điều hay bao nhiêu điều chỉ là con số cụ thể, quan trọng là bản thân mỗi người nhận thức đúng các biểu hiện xấu xa, tiêu cực và biết chống nó như thế nào mới là điều quyết định” – ông Bùi Đình Phong nhấn mạnh.
Quy định 37 mang tính kế thừa và bổ sung
Ông Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, ở Quy định số 37, Trung ương kế thừa cơ bản nội dung còn phù hợp, đồng thời bổ sung một số nội dung đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII, XIII.
Như Quy định 08 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Kết luận số 14 ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung... đều được cụ thể hóa thành các điều đảng viên không được làm.
Ông Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
“Quy định 37 đã tổng hợp tất cả quy định của Đảng ta trở thành hệ thống các điều đảng viên không được làm, đồng thời phát huy vai trò nêu gương thực hiện nghiêm chỉnh Điều lệ Đảng, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và nghĩa vụ chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước của đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, người nào có trách nhiệm càng cao thì càng phải nêu gương” – ông Vũ Văn Phúc nhấn mạnh.
Để Quy định sớm đi vào cuộc sống, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền để có sự thống nhất cao trong Đảng cũng như sự đồng thuận trong xã hội để nhân dân góp phần vào công tác xây dựng Đảng.
Để thực hiện Quy định 37, toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị cần phải có quyết tâm chính trị rất cao để thực hiện trong thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, Nhà nước cần thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách để cán bộ, đảng viên chấp hành một cách nghiêm túc.
“Để Quy định của Đảng sớm đi vào cuộc sống, trước hết cán bộ, đảng viên phải nêu gương, đặc biệt là đảng viên giữ cương vị càng cao thì càng phải nêu gương. Người nào mắc vi phạm, khuyết điểm cần được xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ” – ông Vũ Văn Phúc cho biết./.
Theo VOV