Trong không khí cả nước hân hoan chào mừng 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, sáng nay (20/8), tại Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng - người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo mẫu mực, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người con ưu tú của quê hương An Giang giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, người chiến sĩ trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng
Dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương cùng các lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang, các vị nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, dân tộc; đại diện thân tộc Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và nhân dân trong tỉnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng.
Trước khi dự lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các lãnh đạo Đảng, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh An Giang đã tham dự lễ dâng hương, dâng hoa tại đền thờ Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trong khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 tại Cù lao Ông Hổ, thuộc làng An Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Từ thuở niên thiếu, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tận mắt chứng kiến những tội ác dã man của thực dân Pháp xâm lược đối với nhân dân ta. Các phong trào yêu nước do Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân… lãnh đạo nhân dân Nam Bộ vùng lên khởi nghĩa, chống áp bức, bóc lột đã khơi dậy lòng yêu nước, thương dân, nỗi đau của người dân mất nước của đồng chí Tôn Đức Thắng.
Đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào yêu nước chống thực dân Pháp. Năm 1929, đồng chí Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt và kết án 20 năm tù khổ sai. Gần 17 năm bị giam cầm trong nhà tù thực dân ở Khám Lớn Sài Gòn và Côn Đảo, phải chịu cực hình tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí luôn giữ vững khí tiết kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng, là một trong những người thành lập Hội những người tù đỏ và sáng lập chi bộ Đảng đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo, làm hạt nhân lãnh đạo, tạo sức mạnh chống chế độ lao tù tàn bạo, đấu tranh bảo vệ Đảng, biến lao tù thực dân, đế quốc thành trường học của những người cộng sản.
Cách mạng Tháng Tám thành công, từ lao tù trở về, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được phân công tham gia Xứ ủy Nam Bộ và sau đó được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao đảm nhiệm nhiều trọng trách…
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, ở bất cứ cương vị nào, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn nêu cao tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường, lòng trung thành, tận tụy, đạo đức cách mạng trong sáng, tích cực góp phần cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn là một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước; sự trung thành, tận tụy với sự nghiệp cách mạng; tinh thần anh dũng, bất khuất; đức tính khiêm tốn, giản dị; tình thương yêu đồng chí, đồng bào; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết quốc tế vô sản, đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người”.
Quê hương An Giang giàu truyền thống yêu nước và cách mạng mãi mãi ghi nhớ hình ảnh Bác Tôn về thăm trong bộ quần áo bạc màu giản dị, với yêu cầu hết sức hạn chế xe đưa, người đón vì “sợ hao phí tiền của và công sức của Nhà nước và nhân dân.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng là dịp để chúng ta ôn lại, tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương Bác Tôn kính yêu - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; tăng cường giáo dục lý tưởng cộng sản, truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; bồi dưỡng lòng tự hào, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao đẹp của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay luôn nêu cao ý chí cách mạng kiên cường, không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng; suốt đời học tập, nâng cao trình độ, năng lực hoạt động thực tiễn; luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng cống hiến, chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
“Chúng ta nguyện tiếp tục phấn đấu thực hiện thành công mong muốn của Bác Hồ và Bác Tôn kính yêu, quyết tâm xây dựng Đảng và Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” -Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn manh.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục quan tâm sưu tầm, cung cấp những thông tin, tư liệu, hiện vật về thân thế và sự nghiệp hoạt động cách mạng cũng như tình cảm sâu nặng của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, làm phong phú thêm Bảo tàng Tôn Đức Thắng và Nhà Tưởng niệm Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.
Chủ tịch nước tin tưởng, phát huy truyền thống cách mạng anh hùng vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh An Giang tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, lập nhiều thành tích to lớn hơn nữa, xây dựng quê hương Bác Tôn kính yêu ngày càng giàu mạnh, văn minh để mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng quà cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang
Tại lễ kỷ niệm, đại diện thế hệ trẻ của tỉnh An Giang, bạn Thái Thị Mỹ Châu (Sinh viên Trường Đại Học An Giang) bày tỏ vinh dự được sinh ra, lớn lên, học tập làm việc tại quê hương của Bác Tôn trong điều kiện đất nước hòa bình, độc lập, tự do; hứa tiếp tục đóng góp, cống hiến sức trẻ của mình cho sự nghiệp xây dựng phát triển quê hương đất nước.
Cũng tại lễ kỷ niệm, các đại biểu được thưởng thức chương trình nghệ thuật với chủ đề “ Chủ tịch Tôn Đức Thắng – Người con kiên trung của Nam bộ thành đồng” với 2 chương gồm chủ đề “Tôn Đức Thắng – Người thợ máy vĩ đại”; “Tôn Đức Thắng-Một nhân cách lớn. Chương trình nghệ thuật Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng được sân khấu hóa, khắc họa cuộc đời đấu tranh cách mạng của Bác Tôn, là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức của một chiến sĩ cộng sản. Đó là lòng trung thành, tận tụy với Tổ quốc, tinh thần dũng cảm, bất khuất, phấn đấu hy sinh vì nước, vì dân../.
Việt Cường/VOV.VN