Tiếng Việt | English

16/09/2022 - 16:36

Chủ tịch UBND huyện Bến Lức đối thoại với công nhân, lao động và người sử dụng lao động  

Sáng 16/9, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức, tỉnh Long An - Trần Văn Tươi, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Bến Lức - Nguyễn Anh Thư đồng chủ trì buổi đối thoại với công nhân, lao động và người sử dụng lao động.

Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi khẳng định công nhân, lao động là một trong những thành phần đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế

Đến dự buổi đối thoại có Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Nguyễn Văn Quí; Bí thư Huyện ủy - Trần Hoàng Nhân; lãnh đạo một số đơn vị, phòng, ban, đại diện Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Hội Doanh nghiệp huyện Bến Lức. Tham gia buổi đối thoại có 5 người sử dụng lao động và hơn 100 người lao động đang làm việc tại các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Tại buổi đối thoại, người lao động và người sử dụng lao động đặt ra 15 câu hỏi, trong đó có 13 câu hỏi được trả lời trực tiếp. Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho rằng, đây là điều kiện tốt nhất để người sử dụng lao động và công nhân lao động phản ánh những vấn đề khó khăn đang gặp phải trong quá trình lao động, sản xuất. 

Nợ đọng bảo hiểm xã hội ảnh hưởng quyền lợi người lao động

Đại diện Công ty TNHH SX - TM Phú Tường chia sẻ, hiện nay, vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều. Ngoài ra, vẫn còn nhiều người lao động làm việc trong doanh nghiệp dù đã ký kết hợp đồng nhưng doanh nghiệp vẫn không đăng ký tham gia BHXH cho người lao động. Từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Công nhân, lao động phản ánh các vấn đề gặp phải trong quá trình tham gia lao động, sản xuất

Các vấn đề này, BHXH huyện cho biết, vấn đề nợ đọng BHXH, không đăng ký tham gia BHXH cho người lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều, gây khó khăn trong việc giải quyết chế độ BHXH và việc thực hiện chính sách BHXH tại địa phương. Hàng tháng, BHXH huyện tiến hành xác định nguyên nhân nợ đối với từng đơn vị để có giải pháp phù hợp; yêu cầu cán bộ bám sát, đôn đốc các đơn vị đóng đầy đủ; thực hiện việc thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, bảo hiểm y tế từ 3 tháng trở lên; các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý. Hàng năm, BHXH tỉnh đều giao chỉ tiêu giảm nợ đến từng huyện, hàng quý có đánh giá tỷ lệ giảm nợ và chấm điểm thi đua.

Hướng dẫn xử lý khi bị làm phiền vì vấn nạn cho vay nặng lãi, "tín dụng đen"

Đại diện Công ty TNHH MTV Tungtex Fashions Việt Nam thông tin, trong thời gian qua và hiện tại, Giám đốc công ty, nhân viên nhân sự, kế toán, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty thường xuyên bị khủng bố qua các tin nhắn, email, các cuộc điện thoại từ các số máy lạ liên quan đến vấn đề đòi nợ bằng những cụm từ mang tính đe dọa dùng bạo lực, gây phiền hà. Nhưng các khoản nợ đó là của người khác, không phải công nhân viên công ty. 

Công ty TNHH Din Sen Việt Nam cũng bức xúc về tình trạng cho vay nặng lãi, cho vay "tín dụng đen", tình hình trộm nóng tại các khu nhà trọ, nhà dân. Bên cạnh đó, tình trạng đá gà, đánh bài, cá độ bóng đá qua mạng diễn biến phức tạp và ngày càng nhiều, gây mất an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Doanh nghiệp đề nghị lãnh đạo huyện có giải pháp xử lý và tăng cường tuyên truyền để ngăn chặn các tình trạng này không làm ảnh hưởng đến Ban Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn và nhân viên công ty.

Vấn đề này, đại diện Công an huyện khuyến cáo, hướng dẫn xử lý như sau: Bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với các khoản nợ đã đề cập. Cần hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp thông tin vay nợ. Có thể sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền, khóa các bình luận của người lạ trên Facebook cá nhân. Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, bị “khủng bố” điện thoại có thể trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất. Người nghe điện thoại tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống,…Đối với vấn đề hỗ trợ tuyên truyền, doanh nghiệp có yêu cầu đăng ký công an huyện. Công an huyện sẽ sắp xếp lịch hỗ trợ tuyên truyền đến công nhân, lao động.

Chú trọng nâng cao đời sống người lao động

Công ty TNHH SX - DV - TM Quảng Thành 8.8 chia sẻ, do ảnh hưởng dịch Covid-19, rất nhiều người lao động quay trở về quê và không có ý định quay trở lại thị trường lao động. Huyện Bến Lức có chính sách nào thu hút người lao động, để người lao động lựa chọn huyện Bến Lức là nơi an cư, lạc nghiệp chứ không phải là TP.HCM hay Bình Dương, Đồng Nai hoặc 1 tỉnh, thành nào khác. Vấn đề này, đại diện Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện chia sẻ, Bến Lức đang triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc. Trong đó, chính sách nhà ở, giáo dục, y tế cho người lao động là rất quan trọng. 

Về nhà ở, thời gian tới, huyện trình các cấp có thẩm quyền tổ chức quy hoạch và xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân theo quy định của Luật Nhà ở. Còn hiện nay, ngoài chính sách hỗ trợ tiền nhà trọ cho người lao động từ Chính phủ, huyện tiếp tục có các chính sách miễn giảm thuế cho các chủ nhà trọ, khuyến khích người dân xây dựng các khu nhà trọ đúng quy định, an toàn, đảm bảo chỗ ở cho người lao động. Đồng thời, vận động các chủ nhà trọ không tăng giá tiền thuê trọ cho người lao động, tạo điều kiện cho người lao động có chỗ ở ổn định, an toàn, an tâm lao động, sản xuất. Huyện đã và đang tiến hành xây dựng, mở rộng hệ thống trường, lớp để đảm bảo cho con em người lao động nhập cư được đến trường. Huyện sẽ chấn chỉnh, mở rộng hệ thống y tế đảm bảo cho người lao động và thân nhân được khám, chữa bệnh.

Về phía doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần có tư duy phát triển bền vững, chú trọng tới việc nâng cao đời sống người lao động; cần tạo môi trường làm việc an toàn vệ sinh lao động; thực hiện tốt các chính sách về phúc lợi, tham gia đầy đủ BHXH cho người lao động.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần hỗ trợ tối đa cho người lao động về các chính sách lương, thưởng, phúc lợi trong công việc lẫn giúp đỡ trong đời sống về các vấn đề ăn, ở, sinh hoạt, đi lại để họ yên tâm tham gia sản xuất. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất, bởi lẽ tâm lý ảnh hưởng rất lớn đến quyết định tìm việc và hiệu quả năng suất lao động của họ. Ngoài ra, các chính sách phát triển giáo dục mầm non; chính sách liên quan đến giảm trừ gia cảnh cho thuế thu nhập cá nhân; vệ sinh an toàn thực phẩm ở bếp ăn tập thể tại doanh nghiệp;…cũng được công nhân, lao động quan tâm đặt câu hỏi.

Có 5 người sử dụng lao động và hơn 100 người lao động đang làm việc tại các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện tham gia đối thoại

Kết thúc buổi đối thoại, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho biết, các vấn đề mà người sử dụng lao động và công nhân, lao động quan tâm đều là trăn trở của lãnh đạo tỉnh, huyện. Chủ tịch UBND huyện khẳng định, công nhân, lao động là một trong những thành phần đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế. Đặc biệt, Bến Lức trong quá trình phát triển công nghiệp, công nhân, lao động tại Bến Lức càng quan trọng hơn, đóng góp trực tiếp vào mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đóng góp to lớn nâng cao tiềm lực kinh tế đất nước.

Trong quá trình tham gia lao động, sản xuất, công nhân, lao động cần ý thức tốt trong chấp hành nội quy, quy định của doanh nghiệp; ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; mạnh dạn tố giác tội phạm để miễn nhiễm các tệ nạn xã hội, nhất là tình trạng "tín dụng đen",... Buổi đối thoại là cơ hội để người sử dụng lao động, chính quyền địa phương lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của người lao động, từ đó sẽ có phản hồi tốt nhất, hướng giải quyết thỏa đáng, nhằm tạo điều kiện cho công nhân, lao động an tâm làm việc./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Tin đăng thực tập sinh tại Vieclam24h hình thức du học nhật bản​ Cách tạo mẫu cv chuẩn