Tiếng Việt | English

12/06/2021 - 10:00

Chú trọng xây dựng đường giao thông nông thôn cho các xã vùng sâu, vùng xa

Long An luôn xem việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhất là đầu tư đường giao thông nông thôn (GTNT) cho các xã vùng sâu, vùng xa. Qua đó, góp phần tích cực phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh - quốc phòng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần cho nhân dân vùng sâu, vùng xa.

Tuyến đường giao thông nông thôn Cầu Nhum nối Đường tỉnh 817 với thị trấn Thủ Thừa được nhựa hóa, bảo đảm việc giao thương, vận tải hàng hóa cho người dân ấp An Hòa 1, xã Bình An

Tuyến đường giao thông nông thôn Cầu Nhum nối Đường tỉnh 817 với thị trấn Thủ Thừa được nhựa hóa, bảo đảm việc giao thương, vận tải hàng hóa cho người dân ấp An Hòa 1, xã Bình An

Tạo đà phát triển

Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT), hệ thống giao thông từ quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện đến GTNT được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện, giảm dần khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Những tuyến đường mới được xây dựng kết nối với đường vành đai, các tỉnh, thành phố lân cận tạo điều kiện giao thông thuận lợi, nâng cao đời sống người dân.

Bà Huỳnh Thị Hai, 65 tuổi, ngụ ấp An Hòa 1, xã Bình An, huyện Thủ Thừa, phấn khởi: “Trước đây, khu vực này, đường GTNT nhỏ, hẹp. Tôi rất vui khi tuyến đường Cầu Nhum nối ĐT817 với thị trấn Thủ Thừa giờ đã được tráng nhựa, có đèn đường. Cuộc sống người dân ở đây không ngừng cải thiện”.

Hạ tầng GTNT nói riêng, hạ tầng giao thông trong tỉnh nói chung trong những năm gần đây được xã hội quan tâm, đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là mô hình đầu tư Nhà nước và nhân dân cùng làm. Toàn tỉnh có 110 xã/161 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông, chiếm 68,32%; 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã. Chủ tịch UBND xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa - Phan Văn Anh Phụng cho biết: “Từ nguồn vốn hỗ trợ của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang và sự vận động của Nhà nước, đoàn thể, người dân tự nguyện đóng góp, hiến đất, đến nay, hệ thống GTNT của xã đã hoàn chỉnh, phục vụ đắc lực việc phát triển KT-XH ở địa phương”.

“UBND xã cùng đoàn thể, ban điều hành các ấp tăng cường vận động người dân đóng góp xây dựng nhiều tuyến đường GTNT, thúc đẩy việc giao lưu và phát triển KT-XH, nâng cao đời sống cho người dân” - Chủ tịch UBND xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa - Trần Văn Bi thông tin.

Giai đoạn 2016-2020, ngành GTVT tập trung triển khai thi công xây dựng các công trình trọng điểm, đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đến nay, tổng số kilômét đường trên địa bàn tỉnh là 8.153,16km; hệ thống đường GTNT có 811 cầu, tổng chiều dài 20.275m.

Một đoạn đường giao thông nông thôn ấp 3, xã Mỹ Thạnh

Một đoạn đường giao thông nông thôn ấp 3, xã Mỹ Thạnh

Còn nhiều khó khăn

Theo đánh giá của ngành GTVT, chất lượng mặt đường GTNT vùng sâu, vùng xa nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu đi lại và vận tải hàng hóa của người dân. Mặt đường cấp phối còn chiếm tỷ lệ cao, gây ô nhiễm môi trường nông thôn dẫn đến cảnh quan môi trường nông thôn một số nơi chưa thật sự xanh, sạch, đẹp. Tiêu chuẩn kỹ thuật đường GTNT còn thấp, chủ yếu là đường chỉ có 1 làn xe, an toàn GTNT vẫn còn nhiều bất cập như thiếu hệ thống biển báo, hành lang an toàn giao thông đường bộ bị lấn chiếm, bề rộng mặt đường hẹp, tầm nhìn bị hạn chế, chất lượng công trình còn thấp, tải trọng thấp, chưa đồng bộ trong thiết kế cầu, cống và đường.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là kinh phí để đầu tư xây dựng các tuyến đường trục xã, liên xã đạt tiêu chí nông thôn mới (nhựa hóa, bêtông hóa mặt đường). Mặc dù đã có cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm đối với chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng khi triển khai tại các xã trên địa bàn lại gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do đặc điểm địa hình chia cắt bởi hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, ảnh hưởng lũ, triều cường hàng năm, nền đất rất yếu nên kinh phí đầu tư lớn. Mặt khác, dân cư một số vùng sâu, vùng xa thường ở rải rác, không tập trung, địa bàn rộng, nguồn vốn huy động trong dân gặp rất nhiều khó khăn; việc huy động nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, chưa có nhiều nguồn lực xã hội tham gia, chủ yếu dựa vào vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện xây dựng đường GTNT, điều kiện hỗ trợ của nguồn vốn ngân sách có hạn nên còn gặp nhiều khó khăn.

Thông tin từ UBND tỉnh, mục tiêu xây dựng nông thôn mói trong năm 2021 là tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các xã, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn; tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình đường hoa, cây xanh; vận động người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn và khuyến cáo không sử dụng túi nylon trong sinh hoạt; tăng cường thực hiện các giải pháp huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn thực hiện chương trình, trong đó cần thực hiện lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn, tăng cường các hình thức xã hội hóa để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, công khai các khoản đóng góp của dân theo nguyên tắc tự nguyện;... ./.

Minh Đăng

Chia sẻ bài viết