Hôm nay, thế giới hưởng ứng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 với tinh thần “Vì một thế giới ngày mai”, “Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai”.
Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 khởi đầu cho Tháng hành động Vì trẻ em năm 2020 (từ ngày 01/6 đến 30/6) với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”. Trong quãng thời gian này, trẻ em sẽ được các cấp, các ngành quan tâm đặc biệt; nhiều hoạt động liên quan đến việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, sẽ được tập trung triển khai, thực hiện.
Tháng hành động Vì trẻ em cũng là cao điểm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cộng đồng về bảo vệ trẻ em; kỹ năng phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; trách nhiệm phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội cùng chung tay tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện cho trẻ em. Qua đó, huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị trong việc bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em; can thiệp, hỗ trợ kịp thời trẻ em bị xâm hại, bạo lực, cũng như phát hiện và xử lý đúng pháp luật mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em.
Bên cạnh tổ chức hoạt động truyền thông về chính sách hỗ trợ cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các địa phương còn tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng về phòng, chống tảo hôn; phòng, chống tình trạng trẻ em bỏ học; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng tại trường học cho trẻ em nghèo, xây dựng các công trình trường, lớp học, nhà bán trú, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em; thăm, tặng quà, học bổng, hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp để trẻ em thảo luận, đề xuất các kiến nghị, sáng kiến bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, trong đó có sự tham gia của trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Phát triển các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em như diễn đàn trẻ em, câu lạc bộ quyền trẻ em, các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện để trẻ em được phát huy quyền tham gia và giúp các em tự tin, thực hiện tốt bổn phận của mình. Đồng thời, trang bị cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình, phòng, chống bạo lực, xâm hại, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
“Trẻ em như búp trên cành” - trẻ em còn non nớt về trí tuệ, tinh thần lẫn thể chất nên đòi hỏi sự quan tâm của người lớn. Mặc dù có Luật Trẻ em từ rất sớm nhưng kinh tế còn khó khăn, nước ta chưa có điều kiện thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em. Mặt khác, tệ nạn xã hội, thói gia trưởng, bạo lực vẫn còn trong xã hội đã ảnh hưởng đến trẻ em. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo hành về thân thể, tinh thần, trẻ em vi phạm pháp luật vẫn còn, gây bức xúc trong xã hội,...
“Kính già, yêu trẻ” là truyền thống quý báu của dân tộc ta cần được phát huy. Còn câu nói “Thương cho roi, cho vọt/ Ghét cho ngọt, cho bùi” đã không còn phù hợp với văn hóa, pháp luật thời nay. “Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”.
Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động!
Tân An