Tiếng Việt | English

26/04/2021 - 13:55

Chuyện về giáo dục thời kháng chiến

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau Cách mạng Tháng Tám - 1945, phong trào “diệt giặc dốt” nhanh chóng được triển khai. Các lớp bình dân học vụ ra đời thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Mặc dù điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng thầy, trò vẫn dạy và học rất tâm huyết.

Cô Lê Thị Nương gắn bó với công tác khuyến học tại xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc đã 10 năm

Cô Lê Thị Nương gắn bó với công tác khuyến học tại xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc đã 10 năm

Phát huy tinh thần hiếu học

Vào những ngày giữa tháng 4, ngược về vùng hạ xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, chúng tôi tìm gặp nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An - Lê Thị Nương (SN 1943) để nghe cô kể về chuyện giáo dục trong thời chiến. Kể về hành trình đi học và đi dạy của mình, cô Nương nhớ lại, năm 11 tuổi, cô đi làm cỏ ở xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, gần đó, có thầy giáo mở lớp nên xin vào học. Mỗi ngày, thầy dạy 2 ca, khoảng 20 người/ca. Năm 17 tuổi, cô trở về xã Phước Lại tham gia dạy bình dân học vụ ở ấp. Thời đó, người biết chữ dạy người không biết chữ, học được bao nhiêu thì dạy bấy nhiêu, chủ yếu biết đọc, viết, cộng, trừ là được.

Trong ký ức của cô Nương, mặc dù điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng cả thầy và trò đều rất tâm huyết. Gọi là lớp nhưng thật ra chỉ có mỗi chiếc bảng cây đơn sơ, không bàn, không ghế, giáo viên phải đứng để dạy, học trò thì ngồi bệt dưới đất, hôm nào tìm được manh chiếu rách hay lá cây để lót ngồi là quý. Thời đó, ai có tập mang tập, ai không có tập thì tận dụng miếng cây làm bảng, có phấn dùng phấn, không thì tận dụng than củi để viết.

Cô Nương chia sẻ: “Thời chiến, có được hộp phấn 100 viên là mừng lắm, mọi người giữ rất cẩn thận, viết đến khi viên phấn còn nhỏ xíu vẫn không bỏ đi. “Cái khó ló cái khôn”, dụng cụ học tập cũng được biến hóa đa dạng, miễn sao có thể viết được là tận dụng. Học ban ngày còn đỡ, học ban đêm mới gian truân. Ngày đó, đèn dầu, đèn cầy thì hiếm nên đa phần mọi người sử dụng củi để đốt lấy ánh sáng. Xuất phát từ lòng hiếu học, thấy nhu cầu xóa mù chữ là cần thiết nên mọi người rất ham học. Người lớn, trẻ nhỏ đủ mọi độ tuổi chỉ cần nghe tin ở đâu mở lớp là đi học”.

Theo cô Nương, thông thường, người lớn học viết và làm toán cộng, trừ rất nhanh nhưng lại gặp khó khăn trong việc đọc. Tuy nhiên, mọi người ai cũng đi học rất chuyên cần. Nhiều trò đi chăn trâu, nhổ cỏ đem theo cả tập để đi học cho kịp giờ. Thương nhất là những em đi bộ 6-7km hoặc phải lội qua rạch để đến lớp.

Học hết lớp 9, cô Nương thi lấy bằng trung học. Năm 1969, nhận được thông báo của tỉnh ai có trình độ trung học thì thi làm giáo viên, chỉ tiêu là 150 người. Sau khi thi đậu, cô về dạy ở xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc. Năm 1971, cô về công tác tại xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc. Ngoài dạy ở trường, cô vẫn duy trì dạy ở nhà, chỉ cần ai muốn học là cô đều dạy. Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, mặc dù cuộc sống của giáo viên rất khó khăn nhưng cô Nương vẫn quyết bám nghề. Trải qua nhiều vị trí công tác trong ngành Giáo dục, cô Nương vẫn tận tụy, hết lòng với học trò.

Người thầy thương binh

Chia tay vùng hạ, chúng tôi di chuyển lên vùng kháng chiến cũ xã Tân Phú, huyện Đức Hòa để gặp thầy giáo Hoa Thành Song (SN 1946), thương binh hạng 1/4. Biết chúng tôi đến thăm, thầy Song soạn sẵn vài quyển sách, mỗi nhân vật trong sách đều gắn liền với những kỷ niệm không thể quên.

Cầm trên tay quyển sách Nhật ký thế hệ Hồ Chí Minh, thầy Song chỉ tay vào cô gái đội nón tai bèo, miệng cười tươi được in trên bìa sách, thầy nói: “Những năm tháng kháng chiến, tôi từng gặp người con gái này. Đây là nhà giáo, liệt sĩ Lê Thị Thiên (SN 1945), người con của Tiền Giang. Thời trẻ, chị Thiên nổi tiếng học giỏi, xinh đẹp, rất tâm huyết với công tác giảng dạy và sẵn sàng cầm súng chiến đấu. Năm 1966, trong một trận đánh với địch, chị đã anh dũng hy sinh”.

Được biết, nhà giáo, liệt sĩ Lê Thị Thiên giàu lý tưởng cách mạng là một trong những nhân vật đặc biệt mà thầy từng gặp. Theo thầy Song, đề cập đến nhà giáo, liệt sĩ Lê Thị Thiên để thấy sự khắc nghiệt của chiến tranh, chính vì vậy, việc dạy và học trong thời chiến cũng chẳng dễ dàng.

Thầy Song sinh trưởng trong gia đình có truyền thống cách mạng. Lớp 1, 2, thầy học ở xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa. Năm 1955, gia đình thầy chuyển về xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, từ đó, thầy học tiếp cấp 1 tại thị trấn Hậu Nghĩa. Cấp 2 và cấp 3, thầy học Trường Mạc Đĩnh Chi (Sài Gòn, nay là TP.HCM). Năm 1961, thầy tham gia tổ chức sinh viên, học sinh Sài Gòn - Gia Định.

Ở tuổi 75, thầy Hoa Thành Song vẫn thích nghe radio và đọc sách

Ở tuổi 75, thầy Hoa Thành Song vẫn thích nghe radio và đọc sách

Năm 1963, sau khi thi Tú tài 1, thầy chuyển về vùng giải phóng xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa. Đến tháng 7/1963, thầy tham gia lớp giáo dục cấp tốc ở xã để đi dạy cấp 1. Được biết, ngày đó, mỗi ấp ở xã đều có trường học. Sau 1 tuần tham gia lớp giáo dục cấp tốc, mọi người bắt đầu đi dạy. Tháng 01/1964, tỉnh mở lớp bồi dưỡng ở Đức Huệ, thầy được triệu tập về học. Sau 1 tháng thì khóa học kết thúc, tháng 7/1965, thầy Song trở lại xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa để dạy cấp 2.

Thầy Song cho biết: “Lúc bấy giờ, trường đã được xây dựng sẵn, thầy trò về chỉ củng cố thêm giao thông hào, đào hầm để khi có máy bay thì xuống ẩn nấp. Cũng có 1 lần máy bay tập kích, tôi nhanh chóng hướng dẫn các em di chuyển xuống hầm để tránh. Trước đây, chương trình dạy cấp 2 tính từ lớp 5-7. Nhưng do giặc càn nên các em chỉ học đến hết lớp 6”.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Song kể rành mạch từng chi tiết, từng mốc thời gian, thời kỳ tham gia giảng dạy ở vùng giải phóng xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa để lại trong thầy nhiều kỷ niệm. Thầy cho hay, ngày đó, thầy được cấp súng, khi có giặc thì chiến đấu, một số em học cấp 2 đã tham gia du kích ấp, thầy vẫn nhớ như in hình ảnh thầy trò cùng đào hầm, cùng chống càn. Từ ngày giặc càn dữ dội, thầy, trò không thể dạy và học, thầy được chuyển sang công tác ở Ban Binh vận của huyện Đức Hòa, học trò một số đi bộ đội, số ở lại quê nhà.

Trong quá trình tham gia cách mạng, thầy đã đánh 21 trận, bắt 12 tù binh về vùng giải phóng. Năm 1968, thầy Song bị giặc bắt, chúng giam thầy ở trại giam Hố Nai (tỉnh Đồng Nai). Mặc dù bị tra tấn nhưng thầy Song vẫn quyết không khai thân phận thật sự của mình.

Thầy Song cho biết thêm: “Hồi trước, tôi khai gian để qua mặt giặc. Từ ngày vào tù, mọi người đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Đến năm 1971, anh em vùng lên mạnh mẽ nhất, các lớp học văn hóa chính thức ra đời. Trong tù, điều kiện khó khăn nên chủ yếu chỉ viết dưới đất, ban ngày học toán đại số và hình học từ lớp 9 trở xuống. Ban đêm, nằm cạnh nhau thì dạy thơ văn. Mãi đến năm 1973, mọi người mới được trả tự do. Sau giải phóng năm 1975, việc dạy và học đã có những thay đổi đáng mừng, đáp ứng nhu cầu dạy và học lúc bấy giờ”.

Chiến tranh đi qua đã cướp đi chân trái của thầy Song, thỉnh thoảng, những vết thương bị giặc tra tấn bằng lửa năm nào lại đau buốt mỗi khi thời tiết thay đổi. Lắng nghe những chia sẻ của thầy Song càng khiến tôi khâm phục thầy hơn, khâm phục những giáo viên sẵn sàng giảng dạy và tham gia chiến đấu khi đất nước gọi tên./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết