Tiếng Việt | English

06/04/2021 - 09:07

Anh hùng thời chiến, nông thôn mới thời bình

Những vùng đất anh hùng trong kháng chiến năm xưa nay đã trở thành những xã nông thôn mới (NTM). Sự “thay da, đổi thịt” trên vùng đất ghi dấu nhiều chiến công hiển hách chính là minh chứng cho sự phát triển của các vùng quê giàu truyền thống cách mạng.

Vươn lên từ vùng đất anh hùng

An Nhựt Tân và Mỹ Bình (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) được sáp nhập thành xã Tân Bình, huyện Tân Trụ. Đây là vùng đất ghi dấu chiến công vang dội “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa” (thơ Huỳnh Mẫn Đạt) của anh hùng dân chài Nguyễn Trung Trực. Mảnh đất này cũng là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân và dân Long An trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược. Trận địa chính được bố trí tại khu vực Cầu Tràm, gần chợ Mỹ Bình. Khi địch lọt vào trận địa phục kích, lực lượng ta đồng loạt nổ súng tiêu diệt 135 tên địch, bắn hỏng 1 xe Jeep, thu trên 100 khẩu súng, bọn địch còn lại hốt hoảng tháo chạy về Tân An.

Hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã Tân Bình đều được nhựa hóa và bêtông hóa

Thời chiến, hứng chịu bao “mưa bom, bão đạn” khiến Tân Bình trở thành vùng đất trắng. Hòa bình lập lại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã nhanh chóng khắc phục hậu quả, chung tay phát triển KT-XH. Người dân tích cực lao động, sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình - Đặng Ngọc Hòa cho biết: “Từ vùng đất với những con đường sình lầy, đến nay, xã cơ bản đạt các tiêu chí xã NTM nâng cao. Theo đó, hệ thống đường giao thông trục xã đều được nhựa hóa, đường trục xóm, ấp được bêtông hóa. Thực hiện các mô hình: Ánh sáng đường quê, Ánh sáng an ninh, trật tự bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, hệ thống chiếu sáng phủ kín các tuyến đường trên địa bàn, làm cho bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc”.

Nhờ hệ thống đê bao, cống, đập trên địa bàn giúp ngăn mặn, xả phèn, trữ ngọt, người dân sản xuất được 3 vụ/năm. Chính quyền địa phương khuyến khích chuyển đổi cơ cấu nhằm tăng năng suất cây trồng. Vì vậy, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Hộ nghèo chỉ còn 1,38%. Xã phấn đấu đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng. Hiện người dân sử dụng nước sạch đạt 80,44%, tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,38%. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được quan tâm. Hệ thống trường, lớp đều đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Hệ thống trường lớp trên địa bàn xã Tân Bình được đầu tư xây dựng khang trang, đạt chuẩn quốc gia

Bà Nguyễn Thị Tờ (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 6, xã Tân Bình) chia sẻ: “Đã thành thông lệ, hàng năm, cứ vào ngày 11, 12-9 Âm lịch, người dân khắp nơi lại về Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo thành kính dâng hương tưởng nhớ và bày tỏ lòng tri ân đối với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Phát huy truyền thống xã anh hùng, gia đình tôi tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, góp kinh phí cùng chính quyền lắp đặt hệ thống chiếu sáng, nâng cấp các tuyến đường,... để xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

Xã anh hùng khởi sắc

Xã anh hùng Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa ghi dấu chiến thắng 3 trận đánh Thạnh Phước vào mùa khô năm 1965-1966 trong vòng 92 ngày đêm. Từ ngày 19/12/1965 đến 20/3/1966, quân và dân Kiến Tường cùng các Tiểu đoàn 263, 267, 269 của Quân khu 8 liên tục đánh 3 trận, diệt gọn 1 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn biệt kích ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu 430 tên địch, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng, thu 230 súng và nhiều chiến lợi phẩm. Chiến thắng này tô thắm thêm chiến công của quân và dân ta trên Vùng 6 Kiến Tường (nay là huyện Thạnh Hóa), góp phần khai thông hành lang chiến lược từ biên giới xuống chiến trường trọng điểm của Trung và Tây Nam bộ.

Tại ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước còn có Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207, Quân khu 8, với diện tích 5.000m2. Nơi đây ghi dấu sự hy sinh oanh liệt của hơn 100 chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 207 trong trận đánh ngày 03/10/1973. Ngày nay, khu tưởng niệm là địa chỉ đỏ nhắc nhở và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207, Quân khu 8 là một địa chỉ đỏ, nhắc nhở thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của ông cha ta

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thạnh Phước - Nguyễn Văn Triển phấn khởi nói: “Truyền thống vẻ vang, hào hùng đó mãi mãi là niềm tự hào, nguồn động viên to lớn để Đảng bộ và nhân dân Thạnh Phước phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ đổi mới, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Từ khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2018, đường làng, ngõ xóm được láng nhựa, bêtông giúp việc đi lại thuận lợi; hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế xã đều được đầu tư xây dựng khang trang. Nhiều hộ phát triển kinh doanh, mua bán sầm uất; nhiều mô hình phát triển kinh tế mới đang góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Hiện toàn xã có 1.916 hộ dân, trong đó còn 20 hộ nghèo, chiếm 1,04%; trước khi xây dựng xã NTM (năm 2013), con số này chiếm 8,4%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm. Hộ dân sử dụng nước sạch đạt 79%. Người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,5%. Xã thành lập được các câu lạc bộ đờn ca tài tử, bóng đá và bóng chuyền ở 5 ấp, giúp người dân luyện tập thể dục, giao lưu văn nghệ, nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần.

Vùng đất trắng năm nào đã “hồi sinh”

Trải qua 2 cuộc kháng chiến, cán bộ và nhân dân xã An Lục Long, huyện Châu Thành được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Mảnh đất này từng là nơi diễn ra trận đánh ác liệt vào năm 1954 vang danh với “chiến thắng chợ Ông Bái”. Khi địch mở cuộc càn quét vào chợ Ông Bái, quân và dân ta dũng cảm đánh lui 2 đợt tấn công ác liệt của giặc Pháp, diệt và làm bị thương hàng chục tên địch, bắt sống 18 tên, bắn cháy 2 xe thiết giáp, thu 1 khẩu sung 12 ly 7 và nhiều súng trường. Chiến thắng chợ Ông Bái thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích ở huyện Vàm Cỏ (nay là huyện Châu Thành và Tân Trụ) phát triển mạnh, cùng cả nước phối hợp chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Xã còn có Khu tưởng niệm liệt sĩ Tiểu đoàn 263 hy sinh trong trận Cầu Ván, đang được nâng cấp, mở rộng. Đây là địa chỉ đỏ nhắc nhở thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của ông cha ta trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc.

100% tuyến đường trên địa bàn xã An Lục Long được nhựa hóa, trải bêtông thẳng tắp. Ảnh: Ngọc Mận

Vùng đất trắng năm nào nay được hồi sinh nhờ vào chương trình xây dựng NTM. Xã đạt chuẩn NTM vào năm 2017 và hiện cơ bản đạt chuẩn các tiêu chí NTM nâng cao, đang đề nghị tỉnh phúc tra công nhận. Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã An Lục Long - Phạm Văn Lành đánh giá: “Nổi bật trong phát triển KT-XH tại địa phương là hệ thống chiếu sáng được phủ kín đến tận các xóm, ấp; 100% tuyến đường trên địa bàn được nhựa hóa, trải bêtông thẳng tắp. Những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát bên những vườn thanh long xanh mướt. Công trình nước sạch được đầu tư đạt 99,18%. Đời sống người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đạt trên 62 triệu đồng/người/năm. Kết quả này là minh chứng cho truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất, luôn đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn”.

Thanh long giúp người dân xã An Lục Long nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống

Để liên kết, hỗ trợ nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ, xã thành lập Hợp tác xã Thanh long Long Hội (46 thành viên) và Hội quán Cầu Đôi, Hội quán Đồng Tre (100 thành viên). Những hố bom, vùng hoang hóa, bưng biền năm xưa đã trở thành cánh đồng thanh long sản xuất theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ông Nguyễn Văn Phi, ngụ ấp Cầu Đôi, dù tuổi cao nhưng vẫn hăng hái lao động, sản xuất, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Ông Phi chia sẻ: “Người dân xã An Lục Long có cuộc sống no ấm, nhà cửa khang trang là nhờ trồng thanh long. Khi kinh tế gia đình phát triển, người dân có điều kiện góp sức, góp của để xây dựng quê hương”.

Thời chiến, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Long An nói chung, các xã anh hùng nói riêng đoàn kết làm nên nhiều chiến thắng vẻ vang, góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành lại độc lập, tự do, ấm no cho dân tộc. Thời bình, các địa phương cùng người dân tiếp tục chung tay xây dựng NTM, xem đây là cuộc cách mạng lấy sức dân để lo cho dân. Nhờ vậy, người dân luôn đồng thuận góp sức xây dựng NTM trên những mảnh đất anh hùng./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết