Tiếng Việt | English

23/01/2020 - 11:31

Có một Long An nghĩa tình

Trong nhịp sống ồn ào, hối hả, đâu đó vẫn lắng đọng hình ảnh của sự tử tế, đầy ắp tình người. Những shop quần áo 0 đồng, tủ bánh mì từ thiện, suất cơm nghĩa tình, chai nước miễn phí,... như mang lại chút ấm áp, lan tỏa yêu thương trong cuộc sống. Và trong góc nhỏ của phố thị, khu nhà trọ công nhân còn có những lớp học tình thương, hàng đêm vang lên tiếng đọc bài của những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn...

Các bạn trẻ ở Bến Lức trao tặng nước miễn phí cho người đi đường trong dịp lễ, tết

Các bạn trẻ ở Bến Lức trao tặng nước miễn phí cho người đi đường trong dịp lễ, tết

“Người với người sống để yêu nhau” - chính là lời chia sẻ của những nhân vật trong bài viết này. Hơn hết, những việc làm tốt, vì cộng đồng đã góp phần lan tỏa, nhân lên mầm thiện, sự yêu thương, nghĩa tình trong đời sống xã hội. 

“Mời bà con uống nước miễn phí” 

Huyện Bến Lức giáp TP.HCM, cửa ngõ miền Tây Nam bộ, mật độ người, phương tiện lưu thông qua đây rất lớn, nhất là trên tuyến Quốc lộ 1. Vào những kỳ nghỉ lễ, tết, người và phương tiện ùn ùn đổ về, nhiều tuyến đường qua địa bàn bị ùn tắc giao thông kéo dài nhiều giờ liền. Giữa trời nắng nóng, những người lớn tuổi, mang thai, trẻ nhỏ càng mệt nhọc gấp nhiều lần. Chứng kiến những hình ảnh đó, một số bạn trẻ ở huyện đã kêu gọi, vận động mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí mua nước suối tặng người đi đường. Các bạn đã gọi đó là chương trình “Nước suối nghĩa tình”.

Cứ vào dịp lễ, tết, dọc tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bến Lức, có một nhóm bạn trẻ đứng bên lề đường giữa trời nắng chang chang, cất lời “Mời bà con uống nước miễn phí”. Giá trị, ý nghĩa của việc làm tử tế mà những bạn trẻ này đang thực hiện rất lớn, khó nói hết bằng lời.

Theo anh Nguyễn Lê Duy (trưởng nhóm thực hiện), chỉ riêng kỳ nghỉ Tết 2019, các thành viên trong nhóm đã trao tặng hơn 10.000 chai nước suối và 1.200 khăn lạnh cho người đi đường. Kể về lý do ra đời chương trình “Nước suối nghĩa tình”, anh Duy cho biết, mong muốn của các bạn là giúp đỡ mọi người, truyền tải thông điệp về tình người trong cuộc sống. 

“Ở dọc tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn huyện, những năm qua xảy ra những chuyện không hay như có những đối tượng rải đinh cho xe thủng lốp để trục lợi, có một số vụ việc chủ quán bán hàng ăn, uống “chặt chém” khách hàng với giá cao. Vì vậy, chúng tôi mong muốn qua việc làm của mình góp phần đẩy lùi những cái xấu, xây dựng hình ảnh con người Bến Lức hiền hòa, mến khách và tốt bụng” - anh Duy chia sẻ.

Được trao tặng những chai nước mát, cái khăn lạnh, nhiều người đi đường như vơi bớt phần nào mệt nhọc, được tiếp thêm sức lực để tiếp tục cuộc hành trình dài phía trước. Anh Nguyễn Văn Lê điều khiển xe máy cùng vợ và con trai mới 6 tuổi đi quãng đường khá xa từ TP.HCM về Cần Thơ giữa trời nắng gắt, bị “mắc kẹt” giữa dòng người và phương tiện đông đúc nên khá mệt. Được tặng những chai nước mát lạnh, các thành viên trong gia đình anh rất vui, giải được cơn khát. “Từ những việc làm của các bạn trẻ, tôi cũng tự nhắc nhở bản thân phải sống tốt, nghĩa tình, có điều kiện sẽ tham gia công tác thiện nguyện để góp phần lan tỏa, nhân lên những điều tốt đẹp, nhân văn trong cuộc sống” - anh Lê chia sẻ. 

Cũng như anh Lê, uống ngụm nước mát lạnh mà các bạn trẻ tặng, chị Trần Thị Dương, quê Sóc Trăng, bày tỏ: “Cảm ơn các bạn trẻ đã làm một việc rất ý nghĩa, mát lòng biết bao người đi đường giữa những ngày tết nắng nóng! Hy vọng những điều tốt đẹp như thế luôn được lan tỏa”. 

Còn với các bạn trẻ trong nhóm thanh niên Bến Lức, khi nhìn những cái gật đầu, lời cảm ơn và nụ cười tươi của mọi người như quên hết sự mệt nhọc. Như lời anh Lê Duy bày tỏ, đó cũng là động lực để các bạn trẻ tiếp tục làm những việc ý nghĩa  giúp người.

“Ai thích đem về dùng, ai dư đem lại cho”

Trong cuộc sống, có người dư dả về vật chất nhưng vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn. Thế nên, vài người lại đứng ra xin quần áo cũ (còn dùng được) để tặng cho những người khó khăn. Mọi người vẫn thường gọi đó là những tủ quần áo từ thiện, cửa hàng quần áo 0 đồng. Trong số đó, có tủ quần áo 0 đồng nằm bên trục Đường tỉnh 826C, đoạn thuộc ấp 1, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, do nhóm thiện nguyện của Hội Chữ thập đỏ xã Phước Vĩnh Tây thành lập từ đầu năm 2018 đến nay. Giờ đây, tủ quần áo 0 đồng này là điểm đến quen thuộc của nhiều người. Cô Dương Thị Kim Phương (57 tuổi) là người đưa ra ý tưởng thành lập tủ quần áo 0 đồng này. “Tôi từng công tác trong Hội Chữ thập đỏ 20 năm trước khi về hưu. Thấy có người dư dùng, có người lại thiếu nên tôi quyết định đề xuất mở tủ quần áo 0 đồng tại nhà nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn” - cô Kim Phương bày tỏ.

Hiện nay, ở tỉnh có nhiều tủ quần áo 0 đồng

Hiện nay, ở tỉnh có nhiều tủ quần áo 0 đồng

Tủ quần áo này nằm ở vị trí dễ thấy, phía trên treo dòng chữ to, nổi bật: “Ai thích đem về, ai dư đem lại cho”. Sau thời gian cửa hàng được mở, có rất nhiều người xa, gần mang áo quần cũ đến tặng. Thế là cô Kim Phương kiểm tra cẩn thận, phân loại, ủi thẳng, treo ngay ngắn để những người có nhu cầu lựa chọn được dễ dàng. “Hầu hết quần áo đã qua sử dụng nhưng còn khá mới, sử dụng tốt” - bà Nguyễn Thị Năm, một người đến với cửa hàng, cho biết. 

Có mặt tại tủ quần áo vào một sáng mát mẻ, chúng tôi nhìn thấy những hình ảnh đẹp. Đó là những ứng xử của người cho đến ý thức của người nhận. Người đến cho thì vui vẻ, có thái độ lịch sự. Người đến nhận chẳng tranh giành nhau, thử không vừa thì xếp và treo lại gọn gàng cho người khác chọn.

Cô Dương Thị Kim Phương chia sẻ: “Từ ngày tủ quần áo 0 đồng ra đời đến nay nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Giúp được người khác, chúng tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc!”. Cô Phương kể, ngay cả trẻ em cũng tham gia ủng hộ. Có bé đến đây chơi khi biết được ý nghĩa việc làm này đã về nhà nằng nặc đòi cha mẹ mang quần áo cũ của mình đưa đến tặng lại cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn.

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Nam (65 tuổi) và được biết, cuộc sống gia đình ông khá khó khăn. Hàng ngày, ông đi bán vé số mưu sinh. Cũng vì điều kiện cộng với việc mưu sinh “dãi nắng dầm mưa” nên ông và các thành viên trong gia đình ít khi mua quần áo mới. Để tiết kiệm chi tiêu, thỉnh thoảng, ông ra địa điểm này chọn quần áo về mặc. Quần áo được nhiều người mang đến ủng hộ, đa dạng các loại, lứa tuổi nên ông Nam thoải mái lựa chọn và nhanh chóng tìm được cái ưng ý cho mình. “Bộ này nhìn còn mới, vải rất tốt nên chắc chắn tôi sẽ sử dụng được lâu dài” - ông Nam cười tươi khi chọn được bộ đồ ưng ý.

Sau khi chọn xong bộ đồ, người quản lý tại tủ quần áo còn vui vẻ bảo ông Nam chọn đồ mang về cho vợ con ở nhà. Nghe ông Nam tả dáng người, lứa tuổi xong, người phụ trách tủ quần áo còn nhiệt tình giúp ông chọn đồ cho người thân. 

Bánh mì từ thiện “Mỗi người một ổ”

Những năm qua, tủ bánh mì từ thiện đặt tại góc đường Mai Thị Tốt, TP.Tân An đã trở thành điểm đến quen thuộc của những người có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật. Nhiều người đến nhận bánh mì đã rưng rưng nước mắt xúc động trước việc làm đầy tình người của các bạn trẻ.

Bánh mì miễn phí tặng những người  có hoàn cảnh khó khăn

Bánh mì miễn phí tặng những người có hoàn cảnh khó khăn

Chia sẻ về tủ bánh mì, anh Phạm Hoài Phong, hiện đang công tác tại UBMTTQ Việt Nam tỉnh (Chủ nhiệm Câu lạc bộ từ thiện Thiện Tâm TP.Tân An) cho biết: “Tủ bánh mì ra đời từ năm 2016 và hoạt động đến nay. Bình quân mỗi ngày, tủ cung cấp khoảng 200 ổ bánh mì cho người nghèo”.

Lý do ra đời tủ bánh mì này là trong một lần anh Phong gặp một bà lão đứng nhìn vào tủ bánh mì trong cửa hàng nhưng không có tiền mua. Thấy vậy, anh mua một ổ tặng bà. Bà xúc động cảm ơn và nói “ước gì sáng nào bà cũng có bánh mì ăn”. Từ câu nói của bà cụ, anh Phong suy nghĩ và hình thành ý tưởng thành lập một tủ bánh mì từ thiện. Sau đó, anh đề xuất, được các thành viên trong nhóm ủng hộ và tiến hành thành lập. Để có nguồn kinh phí duy trì tủ bánh mì, anh Phong và nhiều bạn trong câu lạc bộ vận động mạnh thường quân hỗ trợ. 

“Có nhiều người trực tiếp đến hỗ trợ bằng tiền nhưng có mạnh thường quân lại ủng hộ bằng bánh mì. Có người lại thường xuyên mang sữa tươi, chả lụa đến bổ sung” - anh Phong kể. Có mặt tại tủ bánh mì này, chúng tôi nghe một cụ bà ngoài 70 tuổi chia sẻ: “Hôm qua, bà lấy một ổ nhưng không ăn mà đem về cho 2 đứa cháu nội. Một ổ chia làm đôi, chúng nó nói bánh mì chan sữa ở đâu mà ngon vậy… Thế nên, hôm nay bà tiếp tục đến đây lấy. Bà lấy cho mình một ổ và xin thêm một ổ về cho cháu”. 

Ngoài mạnh thường quân ủng hộ, còn có nhiều bạn trẻ đến tham gia hỗ trợ phát bánh mì. Chị Nguyễn Phương Thùy (31 tuổi) là một trong những thành viên tích cực nhất. Chị Thùy quê ở xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, đang làm việc tại một công ty tư nhân trên địa bàn TP.Tân An. Cứ mỗi buổi sáng hàng ngày, chị chạy xe máy lên Tân An đưa tủ bánh mì ra đúng địa điểm và phát bánh mì cho mọi người khoảng 30 phút, đến giờ mới chạy đến công ty làm việc. 

Chị Thùy chia sẻ, rất vui khi được tận tay trao tặng những chiếc bánh mì cho các cô, chú, cụ già có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật. Nhìn thấy các cô, chú ăn ngon lành, các thành viên tự nhủ phải cố gắng duy trì tủ bánh mì lâu dài. “Bây giờ tủ bánh mì đã trở thành địa chỉ quen thuộc, còn ngày mới mở, mình vẫn nhớ có những cô, chú đi xe lăn đến nhưng cứ đứng nhìn từ xa vì ngại. Thấy vậy, mình và các bạn đã ân cần đến trò chuyện và lấy bánh mì trao tận tay” - chị Thùy nhớ lại.

Ngoài bánh mì từ thiện, anh Phạm Hoài Phong cho biết, cũng tại địa điểm tủ bánh mì, thời gian qua, Câu lạc bộ từ thiện Thiện Tâm còn tặng gạo cho người nghèo vào ngày rằm hàng tháng. Bình quân mỗi lần tặng khoảng 1.000kg gạo.

Lớp học tình thương trong xóm trọ

Trong xóm trọ hơn 200 phòng giữa khu phố 8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, có một căn phòng cứ chiều chiều lại vang lên tiếng ê a học bài của trẻ em. Đó là lớp học tình thương xóa mù chữ. Lớp học này ra đời từ năm 2011, khi đó, ông Nguyễn Văn Lới thấy trong khu trọ mình cho mướn có nhiều trẻ em không được đi học, không biết đọc, biết viết. Đó là những đứa trẻ có cha mẹ đang làm công nhân ở Khu công nghiệp Thuận Đạo. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các em theo cha mẹ lên đây nhưng không có điều kiện được học tập tại các trường trên địa bàn.

“Nhiều hôm trăn trở, tôi nghĩ đến việc giúp đỡ để bọn trẻ được học xóa mù chữ. Thế là tôi quyết định dành riêng một căn phòng trọ, mua thêm mấy bộ bàn ghế, cái bảng về đặt để mở lớp xóa mù chữ cho những đứa trẻ này” - ông chủ khu trọ Nguyễn Văn Lới nhớ lại. Cũng may vào thời điểm này, ông Lới gặp được cô giáo Lê Thị Kim Ánh mới nghỉ hưu. Nghe ông tâm sự về việc mở lớp xóa mù chữ cho bọn trẻ, cô giáo Ánh liền nhận lời đồng ý đứng lớp.

Lớp học ban đầu chỉ có 10 trò, từ 6 đến 15 tuổi. Cô Ánh dạy tất cả theo chương trình lớp 1. Khi đã hoàn thành lớp 1, cô Ánh lại tiếp tục dạy lên chương trình lớp 2. Cô còn lập luôn sổ học bạ cho các em. Đến kỳ thi, cô ra đề và gửi qua bộ phận phổ cập của Phòng Giáo dục huyện Bến Lức, chuyển về Trường Tiểu học Thuận Đạo đánh giá rồi mới cho học sinh thi. 

Tiếng lành đồn xa, lớp học xóa mù chữ ngày càng có nhiều công nhân, lao động hoàn cảnh khó khăn đưa con đến xin nhập học. Diện tích lớp học nhỏ, hẹp lại không có người đứng lớp nên cô Ánh chia ca ra dạy các em. Cũng may, đến năm 2014, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Bến Lức liên hệ hỗ trợ về vật chất, sách vở, áo quần cho các em và phân công cán bộ, chiến sĩ đến giúp cô Ánh dạy học. 

Từ đó đến nay, dù ngày nắng hay ngày mưa, từ 14-16 giờ, lớp học tình thương trong khu nhà trọ Duy Quý lại vang lên tiếng học bài của các em nhỏ. Gặp chúng tôi khi đang đứng nhìn qua khe cửa sổ lớp xem con học bài, chị Nguyễn Thị Thu (quê An Giang) nói: “Vì nhà nghèo nên anh chị xuống Bến Lức thuê nhà trọ và đi làm công nhân ở một công ty giày da. Hồi trước, 2 con nhỏ gửi ở nhà cho ông bà giữ hộ. Mấy năm nay ông bà già yếu, không thể trông nom được nên vợ chồng đưa xuống cùng ở tại phòng trọ. Do hoàn cảnh khó khăn nên con không có điều kiện đi học. Cách đây mấy năm, biết được lớp học tình thương này, vợ chồng tôi liền đưa đến đây xin cho cháu nhập học”.

Anh Lê Văn Hoàng, quê Trà Vinh, cũng có con đang học tại đây, bày tỏ: “Cũng may có lớp học tình thương, cô giáo Ánh, các chú bộ đội biên phòng và ông chủ khu trọ mà con tôi mới được đi học để biết đọc, biết viết. Thấy bé đọc bài, viết chữ, ghi tên cha, mẹ mà tôi vui mừng rơi nước mắt!”.

Học sinh lớp học tình thương được cô Ánh dạy chữ

Học sinh lớp học tình thương được cô Ánh dạy chữ

Thầy giáo quân hàm xanh - Thượng úy Trần Văn Cảnh tâm sự: “Lần đầu nhận nhiệm vụ đứng lớp dạy các em, tôi hơi hồi hộp, không biết mình có làm được hay không. Từ sự động viên của đơn vị, bản thân luôn tìm tòi, học hỏi nghiệp vụ sư phạm nên việc dạy học được thuận lợi. Ngoài dạy con chữ, kiến thức, chúng tôi còn chú trọng dạy các em kỹ năng sống, đạo đức. Hy vọng sau này các em sẽ có một cuộc sống tốt hơn”.

Năm học 2019-2020, tổng số học sinh lớp học tình thương có 28 em từ 6 đến 13 tuổi, được chia ca ra để học các chương trình từ lớp 1 đến lớp 5. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, tổng số học sinh của lớp cũng có sự biến động liên tục, bởi nhiều em phải theo cha mẹ chuyển đi chỗ ở, nơi làm mới. 

“So với những năm trước, năm nay lớp học khai giảng muộn hơn 1 tháng. Tuy nhiên, lớp học hoạt động trở lại, bọn trẻ tiếp tục được học cái chữ, chúng tôi rất phấn khởi” - anh Nguyễn Văn Trung, phụ huynh học sinh, vui mừng bày tỏ.

Những câu chuyện, việc làm đầy ắp tình người góp phần làm đẹp thêm hình ảnh quê hương Long An nghĩa tình và lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” cũng chính là thông điệp mà những người thực hiện muốn gửi gắm để nhân lên những giá trị chân - thiện - mỹ trong cuộc sống./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết