Tiếng Việt | English

30/09/2015 - 12:01

Cổ vật Hoàng thành 
đến với cư dân Nam bộ

Lần đầu tiên một bộ sưu tập cổ vật Hoàng thành Thăng Long có quy mô lên đến 638 hiện vật (hơn 600 hiện vật gốc, còn lại là phiên bản) được ra mắt công chúng TP.HCM, kể từ ngày 28-9.

Lãnh đạo TP Hà Nội và TP.HCM tham quan triển lãm bộ sưu tập hiện vật Hoàng thành Thăng Long - Ảnh: M.Hoa

Chương trình bàn giao bộ sưu tập hiện vật Hoàng thành Thăng Long do lãnh đạo Thành ủy, UBND, ngành văn hóa Hà Nội thực hiện tại TP.HCM, lễ tiếp nhận và khai mạc trưng bày do lãnh đạo TP.HCM, Bảo tàng TP.HCM tiến hành diễn ra vào chiều 28-9, ở 65 Lý Tự Trọng (Q.1).

Khách tham quan sẽ có dịp chiêm ngưỡng các hiện vật gốc và cả phiên bản những cổ vật thu được từ các cuộc khảo cổ tại di tích Hoàng thành Thăng Long (đáng kể là các cuộc khai quật từ năm 2002 đến 2013) như: ngói mũi sen đời Trần (thế kỷ 13 - 14), tượng đầu chim phượng bằng đất nung thời Lý (thế kỷ 11 - 12), đá tảng chân cột thời Lý, và các loại gạch chỉ thời Nguyễn, gạch vồ thời Lê (thế kỷ 15 - 18), gạch bìa thời Lý - Trần (thế kỷ 11 - 14), và đặc biệt là gạch bìa thời Đại La có niên đại thế kỷ 7 - 9.

Một số hiện vật gia dụng như gạch hình chữ nhật có in nổi hình rồng (thời Mạc, thế kỷ 16); lon ống, vò bốn quai bằng sành, thời Lý; chân đèn đất nung thời Lý, nghiên mực hình cá chép thời Lý; chiếc đĩa có chữ “Trường Lạc” thời Lê sơ (thế kỷ 15); bình vôi gốm men trắng thời Lê trung hưng (thế kỷ 15 - 18)... cũng được trưng bày trong dịp này, hiện đang thu hút nhiều khách tham quan.

Theo đánh giá của lãnh đạo TP.HCM và giới bảo tàng, bộ sưu tập 638 hiện vật Hoàng thành Thăng Long “Nam tiến” lần này là sự kiện quan trọng.

Đáng quý hơn, tất cả được trao cho Bảo tàng TP.HCM với kỳ vọng sẽ được bảo quản, khai thác, nghiên cứu và phục vụ công chúng từ nay trở về sau một cách hiệu quả.

Bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền - giám đốc Bảo tàng TP.HCM - cho rằng từ lãnh đạo TP đến công chúng khi biết tin bộ sưu tập này “về tay” TP.HCM đều rất vui mừng. Từ đây, bảo tàng sẽ giới thiệu không gian Thăng Long với công chúng TP.HCM, trong đó có cả khách du lịch trong và ngoài nước.

Sắp tới, định hướng của Bảo tàng TP.HCM là sẽ đưa bộ sưu tập này vào các chương trình giáo dục của bảo tàng, như câu lạc bộ Em yêu lịch sử, chương trình Dạy và học sử ở bảo tàng và có công tác tuyên truyền quảng bá đến các tỉnh phía Nam để mời tham quan.

“Ngoài ra, tôi nghĩ rằng bộ sưu tập này không chỉ có nội dung văn hóa lịch sử, mà còn có giá trị các mặt chuyên môn như kiến trúc, quy hoạch đô thị, tạo dựng cảnh quan... Đó cũng sẽ là một trải nghiệm cho các sinh viên chuyên ngành kiến trúc, mỹ thuật...

Trước mắt bộ sưu tập này sẽ là một điểm để thu hút khách tham quan từ đây đến cuối năm” - bà Thu Huyền cho biết.

Phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận hiện vật, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải nhấn mạnh việc trưng bày bộ sưu tập hiện vật Hoàng thành Thăng Long tại TP đem đến cho nhân dân Nam bộ nói chung, TP.HCM nói riêng và công chúng trong và ngoài nước những hiểu biết sâu sắc về vùng đất Thăng Long Hà Nội và Hoàng thành Thăng Long trong chiều dài lịch sử dân tộc, hun đúc lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

 Lam Điền/tuoitre online

 

Chia sẻ bài viết