Anh Nguyễn Thanh Hậu cho rằng, mỗi dịp cưới, hỏi, anh em, hàng xóm cùng nhau làm cổng cưới lá dừa vừa độc đáo, lại vừa gắn bó tình làng, nghĩa xóm
Khi dịch vụ cưới trở nên phổ biến, chỉ cần một cuộc điện thoại, gia chủ có thể hoàn toàn an tâm, cả một “nhà hàng tiệc cưới” sẵn sàng phục vụ tại tư gia thì hình ảnh chiếc cổng cưới lá dừa ngày càng vắng bóng. Chiếc cổng cưới được làm từ lá dừa nước phảng phất hình ảnh quê nhà đôi khi trở nên lạc lõng giữa vô số những cổng rạp dịch vụ rực rỡ sắc màu, đa dạng về mẫu mã, nhưng đó lại là sản phẩm “độc quyền” và chứa đầy tình cảm.
Để có được một chiếc cổng cưới lá dừa, dù là đơn giản cũng mất nhiều thời gian, công sức. Tùy vào từng kiểu dáng và mức độ công phu mà mỗi chiếc cổng cưới cần từ 5-10 người cùng thực hiện trong suốt 1 ngày. Đó là chưa kể thời gian đi chọn và chặt lá từ hôm trước. Anh Châu Tuấn Kiệt, ngụ ấp 8, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cho biết: “Lá làm cổng cưới thường là lá dừa, dừa nước và cà bắp (đọt dừa nước). Lá phải đều, đẹp, tùy vào yêu cầu từng kiểu cổng mà chọn lá ngắn, dài khác nhau cho phù hợp. Mỗi chiếc cổng cần khoảng 2 tàu lá dừa, 20 tàu lá dừa nước và 4-5 cà bắp”.
Chiếc cổng cưới lá dừa được người thân, hàng xóm góp sức làm trong ngày trọng đại hẳn là ý nghĩa hơn nhiều chiếc cổng hoa dịch vụ rập khuôn
“Thâm niên” 3-4 năm làm cổng cưới lá dừa, anh Kiệt có kha khá kinh nghiệm để tự sáng tạo ra chiếc cổng cưới của riêng mình. Anh chia sẻ: “Lúc đầu khi mới làm, tôi lên mạng xem mẫu có sẵn rồi từ đó tùy vào điều kiện của mình mà thay đổi cho phù hợp. Giờ làm quen rồi thì không cần xem nữa. Trong lúc làm, anh em góp ý, thấy cái nào hay thì ứng dụng nên chắc chắn là không cổng nào giống cổng nào. Vừa nhanh tay bẻ lá dừa nước thành bông hoa đính vào cổng cưới, anh Nguyễn Thanh Hậu, ngụ ấp 8, xã Phước Tân Hưng, vừa nói: “Cổng cưới lá dừa có từ lâu đời rồi, tôi thấy nó mộc mạc nhưng đẹp. Mỗi dịp cưới, hỏi trong xóm, anh em, hàng xóm cùng nhau làm cái cổng cưới lá dừa vừa độc đáo, lại vừa gắn bó tình làng, nghĩa xóm”. Dù mỗi chiếc cổng cưới làm mất 1-2 ngày công nhưng anh Hậu, anh Kiệt không lấy tiền công ai bao giờ. Bởi với các anh, điều quan trọng vẫn là được góp chút niềm vui cho ngày vui của xóm giềng. Tình làng, nghĩa xóm nhờ vậy mà ngày càng gắn bó.
Anh Cao Xuân Ngọc, ngụ xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, cũng là một người có kinh nghiệm làm cổng cưới lá dừa, đồng tình: “Làm cổng lá dừa thì cực, nhưng vui. Chúng tôi còn trẻ nên đâu ngại gì. Vào ngày trọng đại của bạn bè, người thân, được tự tay làm tặng chiếc cổng cưới thì mình cũng vui lắm chứ!”. Dẫu biết cổng cưới lá dừa từng là đặc trưng của miền Tây sông nước nhưng với xu thế phát triển hiện nay, việc tìm được lá dừa nước để làm cổng cưới cũng không phải điều đơn giản. Anh Ngọc kể, mỗi lần cần lá làm cổng, anh cùng các anh em phải đi xe máy hàng chục kilômét để xin, chặt và vận chuyển lá về. Công đoạn ấy thường mất cả ngày. Anh nói: “Giờ tôi chỉ biết có khu vực Cần Đốt, phường 6, TP.Tân An, là còn nhiều lá nên hay đến đó xin. Xin lá để làm cổng cho đám cưới nên mọi người cũng vui vẻ cho, đâu ai muốn làm khó gì trong ngày vui của đôi bạn trẻ”. Nhờ vậy, chiếc cổng cưới lá dừa cứ âm thầm tồn tại.
Anh Cao Xuân Ngọc với “sản phẩm” mới hoàn thành
Qua bao thăng trầm của cuộc sống, cứ tưởng chiếc cổng cưới làm bằng lá dừa có chút quê mùa đã lùi vào dĩ vãng. Nhưng không, nhờ sự khéo tay, rộng lượng của người miền Tây mà chiếc cổng lá dừa vẫn hiện hữu như lời nhắc nhở. Nhắc về đặc trưng xứ sở, nhắc về tình làng, nghĩa xóm, lời chúc phúc chân thành gửi trong từng chiếc hoa, đôi tim được thắt bằng tay tỉ mỉ. Chiếc cổng cưới lá dừa được người thân, hàng xóm góp sức làm trong ngày trọng đại hẳn là ý nghĩa hơn nhiều chiếc cổng hoa dịch vụ rập khuôn rồi!
Hoàng Thúy