Tiếng Việt | English

01/04/2021 - 09:02

Công dân trẻ tiêu biểu - Những người sống đẹp vì cộng đồng

10 công dân trẻ tiêu biểu vừa được vinh danh là những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, có hoài bão, lý tưởng, góp phần định hướng lối sống đẹp, tạo động lực phát triển tài năng trẻ và thúc đẩy phong trào thi đua học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, lao động, sáng tạo,... trong đoàn viên, thanh niên (TN).

Tuyên dương công dân trẻ tiêu biểu của tỉnh

Vừa làm giàu cho mình, vừa là “bệ đỡ” của thanh niên nông thôn

Khoảng năm 2010, khi nhiều TN chọn con đường học tập để phát triển bản thân hoặc công việc ổn định để “an nhàn” cho cuộc sống thì chàng TN trẻ Cao Phú Khánh (xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) lại chọn hướng đi khác. Anh xin nghỉ làm công an viên của xã để khởi nghiệp với nghề nuôi ếch. Lúc bấy giờ, nhiều người cho là “liều” nhưng với anh, sau hơn 10 năm nhìn lại, đây là quyết định mang tính bước ngoặt của cuộc đời.

Từ những bài học trên mạng về nuôi trồng thủy sản, anh Khánh quyết định “đến tận nơi, xem tận mắt” để học hỏi. Những chuyến đi Đồng Tháp đã bồi đắp cho anh những bài học vỡ lòng. Năm 2010, với số vốn 20 triệu đồng từ tiền tích góp và vay mượn người thân, anh đầu tư nuôi 1.000 con ếch. Sau thời gian thả nuôi, trừ chi phí, anh thu lãi gần 10 triệu đồng. Nhận thấy mô hình nuôi ếch mang lại hiệu quả, anh tiếp tục đầu tư. Anh tự hỏi: “Tại sao không tự tìm cách cho ếch sinh sản để tiết kiệm chi phí đầu vào cũng như hỗ trợ con giống cho các hộ nuôi khác?”.

Từ suy nghĩ ấy, anh lại lặn lội về Đồng Tháp để học bằng được phương pháp nuôi ếch sinh sản. Khi đã thuộc nằm lòng kỹ thuật nuôi ếch, anh lại nảy sinh ý nghĩ phải tận dụng mặt nước trong các vèo nuôi ếch, nguồn thức ăn thừa từ ếch và những lần ếch thay da để kết hợp nuôi thêm những loại cá khác. Cá rô, cá trê đồng được anh chọn nuôi cùng ếch. Cả 2 loài cá này đều thích nghi tốt và phát triển nhanh hơn so với nuôi độc canh. Khi nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả, năm 2017, anh thành lập Hợp tác xã Thủy sản Long Thạnh với 7 thành viên, diện tích 19ha để kết nối những người nuôi thủy sản trong vùng và lấy được nguồn cung thức ăn mà không qua trung gian. Để sản phẩm có đầu ra ổn định như hiện tại, anh từng lặn lội đến chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM), chợ đầu mối phường 2 (TP.Tân An) và tìm hiểu qua các thương lái để kết nối.

Anh Cao Phú Khánh được bình chọn là công dân trẻ tiêu biểu nhất tỉnh Long An

Tuổi trẻ hãy cứ ước mơ và theo đuổi. Chỉ cần có đam mê, ham học hỏi và quyết tâm theo đuổi, rồi một ngày, chúng ta sẽ gặt hái được quả ngọt”

Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Long Thạnh, huyện Thủ Thừa - Cao Phú Khánh

Theo anh Khánh, mô hình nuôi thủy sản giúp anh và các thành viên có thu nhập ổn định từ 300-350 triệu đồng/năm. Tiếng lành đồn xa, hiện nay, các sản phẩm của Hợp tác xã Thủy sản Long Thạnh còn được một số công ty chuyên xuất hàng sang châu Âu tìm đến đặt hàng.

Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, nhiều năm qua, anh Khánh còn được biết đến là điểm tựa cho TN nông thôn khi bắt tay vào khởi nghiệp. Hiện anh là thành viên chủ lực của Hội quán TN huyện Thủ Thừa và trực tiếp đứng ra hỗ trợ 5 hộ gia đình nghèo, 33 hộ TN trên địa bàn xã Long Thạnh kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt, bao tiêu đầu ra sản phẩm với số vốn hỗ trợ hàng năm khoảng 4 tỉ đồng.

Từ đôi bàn tay trắng nhưng nhờ ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm cùng niềm đam mê, giờ đây, anh Cao Phú Khánh có một “gia tài” đáng mơ ước cả về vật chất lẫn sự nể phục, là hình mẫu cho những TN nông thôn khởi nghiệp làm giàu trên mảnh đất quê hương. Như lời anh Khánh: “Tuổi trẻ hãy cứ ước mơ và theo đuổi. Chỉ cần có đam mê, ham học hỏi và quyết tâm theo đuổi, rồi một ngày, chúng ta sẽ gặt hái được quả ngọt”.

Những hy sinh thầm lặng, cống hiến vì cộng đồng

Nếu anh Cao Phú Khánh được vinh danh danh hiệu công dân tiêu biểu nhất về những nỗ lực trong sản xuất, khởi nghiệp và hỗ trợ TN nông thôn thì những công dân trẻ tiêu biểu khác lại có những đóng góp, hy sinh thầm lặng, cống hiến vì cộng đồng.

Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Trần Hải Phú với nhiều nỗ lực, giải pháp trong công tác tập hợp thanh niên

Thanh niên vào Đoàn không phải chỉ để vui chơi, sinh hoạt mà còn để được hỗ trợ, giúp đỡ như tạo việc làm, hỗ trợ vốn, khoa học - kỹ thuật,... Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp phải tìm hiểu nhu cầu của thanh niên để tổ chức các mô hình, hoạt động phù hợp”

Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Trần Hải Phú

Nhiều năm qua, Huyện đoàn Cần Giuộc được biết đến là lá cờ đầu với nhiều hình thức đổi mới, sáng tạo trong công tác tập hợp TN. Góp sức vào những thành công ấy là thủ lĩnh Đoàn - Trần Hải Phú. Theo anh Phú, nhiều người vẫn nghĩ làm công tác Đoàn dễ nhưng chỉ dễ khi làm qua loa, làm cho có, làm theo phong trào chứ không thực chất; còn để xây dựng phong trào Đoàn mạnh, tập hợp được TN thì rất khó.

“TN vào Đoàn không phải chỉ để vui chơi, sinh hoạt mà còn để được hỗ trợ, giúp đỡ như tạo việc làm, hỗ trợ vốn, khoa học - kỹ thuật,... Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp phải tìm hiểu nhu cầu của TN để tổ chức các mô hình, hoạt động phù hợp. Như mô hình Câu lạc bộ tình nguyện ra đời là hướng đến giúp học sinh trải nghiệm, tích lũy kỹ năng sống, thể hiện tài năng của bản thân. Mô hình Câu lạc bộ TN khởi nghiệp là nơi những TN có ước mơ khởi nghiệp cùng chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá thương hiệu. Đối với TN công nhân, Huyện đoàn phối hợp tổ chức công đoàn cơ sở tuyên truyền về pháp luật, chế độ, chính sách liên quan đến người lao động. Hay đối với TN từng vi phạm pháp luật, tổ chức Đoàn phải là điểm tựa giúp TN tái hòa nhập cộng đồng, giới thiệu việc làm giúp các bạn có cuộc sống ổn định;…” - anh Phú chia sẻ.

Là Bí thư Đoàn thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, ngoài những thành tích trong công tác Đoàn, nhiều năm nay, anh Trương Văn Thùy còn được biết đến là thầy giáo của lớp học tình thương. Đa số học sinh trong lớp học tình thương là con em của người Việt Nam từ Biển Hồ (Campuchia) trở về, không có đủ giấy tờ hợp lệ để đi học. Hàng ngày, từ 17 đến 18 giờ 30 phút, anh lại đến, dạy các em “ê... a...” đánh vần. Hiện nay, lớp học có 34 em. Ngoài dạy các em biết đọc, biết viết, anh còn tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho các em.

3 lần được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh nhưng đối với anh Nguyễn Tấn Đạt - cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, Công an tỉnh, đó là “việc phải làm” của bất kỳ ai khi khoác lên mình màu áo xanh Công an nhân dân.

Năm 2014, anh Nguyễn Tấn Đạt được phân công về làm việc tại Công an huyện Đức Huệ, 2 năm sau, được điều động về Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh. Với quyết tâm ngăn chặn “cái chết trắng”, anh cùng đồng đội khám phá thành công 2 chuyên án lớn mang bí số 617ĐH năm 2017 và chuyên án 318ĐH năm 2018. Năm 2018, anh tiếp tục được luân chuyển về Đội chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế. Những đêm đeo bám tội phạm, nhất là tội phạm buôn lậu thuốc lá trở thành công việc thường xuyên với anh.

“Có những chuyên án, chúng tôi phải mật phục, theo dõi nhiều ngày liền mới xác định được thủ đoạn phạm tội của đối tượng. Các đối tượng chủ yếu hoạt động vào ban đêm nên có những đêm, cả đội phải thức trắng. Có đêm trời mưa, anh em phải chung nhau chiếc áo mưa núp trong bụi cây cho bớt lạnh. Khó khăn là vậy nhưng ai cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ” - anh Đạt cho biết. Hơn 2 năm công tác ở Đội chống buôn lậu, anh Nguyễn Tấn Đạt 3 lần được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh nhưng đối với anh, đó là “việc phải làm” của bất kỳ ai khi khoác lên mình màu áo xanh Công an nhân dân.

Tấm gương vươn lên của anh Khánh; những mô hình, cách làm sáng tạo của thủ lĩnh Đoàn - Trần Hải Phú; những việc làm bình dị của anh Thùy; không nề hà hiểm nguy khi đối mặt với tội phạm như anh Đạt hay những hy sinh thầm lặng để mang vinh quang về cho thể thao cho tỉnh, cho Tổ quốc của vận động viên bơi lội Trần Tấn Triệu và những công dân trẻ tiêu biểu khác như những nét đẹp lan tỏa giữa đời, góp phần xây dựng một lớp TN có tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn./.

Danh sách 10 công dân trẻ tiêu biểu của tỉnh vừa được vinh danh:

1. Nguyễn Thị Kim Ngân, SN 2002 - sinh viên năm 1, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM

2. Nguyễn Thanh Tuấn, SN 1989 - giáo viên Trường THCS thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng

3. Đỗ Hiền Văn, SN 1986 - giáo viên Trường THCS Tân Tập, huyện Cần Giuộc

4. Nguyễn Khánh Ngọc, SN 1987 - trợ lý Tài chính, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

5. Nguyễn Tấn Đạt, SN 1994 - cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, Công an tỉnh

6. Cao Phú Khánh, SN 1986 - Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Long Thạnh, huyện Thủ Thừa

7. Trần Hải Phú, SN 1989 - Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc

8. Phạm Lê Giang Dũng, SN 1991 - Bí thư Đoàn trường THPT Cần Giuộc

9. Trương Văn Thùy, SN 1991 - Bí thư Đoàn thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng

10. Trần Tấn Triệu, SN 1998 - vận động viên bơi lội Tuyển Quốc gia, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục - thể thao, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết