Tiếng Việt | English

19/04/2018 - 11:53

Công đoàn luôn đồng hành cùng người lao động

Đại hội Công đoàn (CĐ) tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2018-2023) diễn ra từ ngày 18 đến 20/4/2018, với nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng sẽ được các đại biểu tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp nhằm xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức CĐ vững mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Nhân sự kiện này, phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh khóa IX- Lê Thị Rết xoay quanh nội dung trên.

► PV: Xin bà cho biết những kết quả nổi bật của LĐLĐ tỉnh trong nhiệm kỳ qua?

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Lê Thị Rết: Thời gian qua, LĐLĐ tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở (CĐCS) ở các loại hình doanh nghiệp chủ động đề xuất, thương lượng đưa vào thỏa ước lao động tập thể những điều, khoản có lợi cho người lao động (NLĐ), trong đó có điều khoản quy định ưu tiên hơn đối với đoàn viên CĐ; chỉ ký thỏa ước lao động tập thể khi thương lượng đạt được các điều, khoản có lợi hơn quy định của pháp luật lao động hiện hành cho NLĐ của đơn vị; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các điều, khoản; đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả thỏa ước lao động tập thể đã ký kết.

Liên đoàn Lao động tỉnh luôn đồng hành cùng công nhân, lao động trong nhiều hoạt động

Song song đó, LĐLĐ tỉnh nâng cao chất lượng và số lượng các đơn vị thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể trong thời gian qua; thông qua hoạt động đối thoại tại nơi làm việc để người sử dụng lao động quan tâm chia sẻ, tạo điều kiện, chăm lo cho NLĐ tốt hơn; xây dựng kế hoạch tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh với NLĐ và chủ doanh nghiệp nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, từ đó, có các chính sách hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của NLĐ và doanh nghiệp. LĐLĐ tỉnh chỉ đạo Trung tâm Tư vấn pháp luật nghiên cứu, xem xét việc thực hiện tư vấn pháp luật, khởi kiện, hỗ trợ pháp lý miễn phí khi có yêu cầu của đoàn viên CĐ liên quan đến lĩnh vực lao động và CĐ; tiếp tục thực hiện vận động đóng góp hỗ trợ xây dựng mái ấm CĐ cho đoàn viên CĐ đang khó khăn về nhà ở, mỗi năm, các cấp CĐ vận động xây dựng 60 mái ấm CĐ. Thông qua hoạt động của "Quỹ Trợ vốn công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn tự tạo việc làm", cho NLĐ vay với lãi suất thấp để tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống,...

► PV: Trong việc tổ chức các hoạt động chăm lo đoàn viên, công nhân, viên chức, NLĐ trên địa bàn tỉnh, có nhiều đơn vị điển hình với nhiều việc làm thiết thực ý nghĩa, bà có thể cho biết?

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Lê Thị Rết: Có thể nói, những năm qua, các cấp CĐ trong tỉnh có nhiều nỗ lực, cố gắng để thực hiện chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, công nhân, lao động (CNLĐ). Đặc biệt, các CĐCS chủ động phối hợp người sử dụng lao động nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho đoàn viên CĐ. Tiêu biểu trong công tác này phải kể đến các công ty: FuLuh, Shilla Bags, Sheen Bridge,... tặng hàng trăm suất quà cho CNLĐ nhân dịp Tết Nguyên đán, hỗ trợ vé tàu xe cho công nhân về quê ăn tết, thăm hỏi và tặng quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức bữa ăn ca tự chọn,... Nhiều công ty hàng năm tổ chức hội nghị NLĐ đều ký kết, bổ sung vào thỏa ước lao động tập thể những điều, khoản có lợi hơn cho NLĐ; trên 80% đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức CĐ hàng năm đều phối hợp người sử dụng lao động tổ chức cho NLĐ đi tham quan, du lịch, dưỡng sức,...

► PV: Việc xây dựng các thiết chế: Nhà ở, nhà trẻ, trường mẫu giáo, siêu thị CĐ; nơi sinh hoạt văn hóa - thể thao, tư vấn pháp luật, khám, chữa bệnh,… phục vụ đoàn viên, NLĐ tại các khu, cụm công nghiệp hiện nay còn nhiều bất cập, khó khăn. Vậy LĐLĐ tỉnh có giải pháp gì để từng bước chăm lo tốt hơn, hướng tới lợi ích thiết thực của CNLĐ?

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Lê Thị Rết: Những năm gần đây, Long An thu hút lao động đến làm việc tại các khu, cụm công nghiệp khá nhiều. Thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng và các đơn vị, doanh nghiệp có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao đời sống mọi mặt cho CNLĐ. Tuy nhiên, theo khảo sát, thống kê của LĐLĐ tỉnh, thu nhập của CNLĐ trực tiếp sản xuất chưa cao, hàng trăm ngàn CNLĐ phải tự thuê chỗ ở, sống và sinh hoạt trong những khu nhà trọ chưa bảo đảm các điều kiện sống tối thiểu, không an toàn,... Các khu công nghiệp thiếu: Nhà trẻ, trường mẫu giáo cho con công nhân; trạm y tế, nhà văn hóa, nhà thi đấu, sân thể thao, nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, luyện tập thể dục -
thể thao.

Trước thực trạng đó, thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TW, ngày 09/01/2016, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ khu, cụm công nghiệp", Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các thiết chế văn hóa cho CNLĐ trong khu công nghiệp; cùng các ngành chức năng thực hiện mô hình phối hợp quản lý nhà trẻ, mẫu giáo trong doanh nghiệp; chỉ đạo xây dựng 6 mô hình khu nhà tập thể, khu nhà trọ CNLĐ tự quản tại các khu nhà trọ;...

LĐLĐ tỉnh còn phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức các chương trình văn nghệ dành cho CNLĐ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho CNLĐ ở các khu, cụm công nghiệp.

Để tiếp tục làm tốt công tác này, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh rất mong tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách, nguồn vốn và xã hội hóa để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, khu vui chơi, giải trí, nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, trường mẫu giáo dành cho con em CNLĐ ở các khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, pháp luật cho CNLĐ trong các khu, cụm công nghiệp. Khi xây dựng các thiết chế cho CNLĐ, các dự án sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi về đất đai, thuế; tiết giảm tối đa các chi phí xây dựng để nhà ở cho công nhân sẽ có giá rẻ.

► PV: Xin cảm ơn bà!

Hoàng Lê (thực hiện)

Chia sẻ bài viết