Tiếng Việt | English

31/08/2016 - 15:44

Công đoàn tỉnh Long An tiếp tục chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động

Hơn nửa nhiệm kỳ qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội IX Công đoàn tỉnh. Trong đó, nổi bật là các cấp công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động. Phóng viên (PV) có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Lê Thị Rết về nội dung trên.


Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Lê Thị Rết (bên phải) trao cặp phao cứu sinh cho học sinh 

PV: Thưa bà, thời gian qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh có những nỗ lực gì để thực hiện tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động?

Bà Lê Thị Rết: Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động là một trong những chức năng quan trọng của tổ chức Công đoàn. Đây là nhiệm vụ lớn thứ hai mà Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" đề ra, cũng là nội dung quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ IX xác định xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ.

Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, trước hết, các cấp Công đoàn đẩy mạnh quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết. Theo đó, Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền các nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cho công nhân, viên chức, lao động, ký kết chương trình phối hợp công tác với UBMTTQ Việt Nam và các đoàn thể tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động,...

Hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn các cấp phối hợp chính quyền cùng cấp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đạt 100%; hội nghị người lao động vượt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, các cấp Công đoàn quan tâm tổ chức thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng, thương lượng ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể” theo Nghị quyết Đại hội IX Công đoàn tỉnh và Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, nhờ đó, việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể ở doanh nghiệp ngày càng được chú trọng. Toàn tỉnh có 460 doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể (đạt 44%), trong đó có 10/10 doanh nghiệp nhà nước (đạt 100%); 298 doanh nghiệp ngoài Nhà nước (đạt 38,45%) và 152 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tổ chức Công đoàn có thỏa ước lao động tập thể (đạt 58,91%);...

Liên đoàn Lao động tỉnh cũng tích cực tham gia cùng các ngành chức năng tỉnh kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp. Qua đó, yêu cầu chủ doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động; nhất là chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca,... Mặt khác, thành lập các tổ tư vấn pháp luật ở Liên đoàn Lao động huyện, thị xã, thành phố, Công đoàn ngành và Công đoàn cơ sở có đông công nhân, viên chức, lao động; tổ chức nhiều cuộc tư vấn miễn phí về chế độ, chính sách cho người lao động.

Trong nửa nhiệm kỳ qua (từ năm 2013 đến nay), toàn tỉnh xảy ra 106 vụ tranh chấp lao động dẫn đến đình công, với 55.753/110.019 công nhân, lao động tham gia; trong đó, 22 vụ với 21.674/36.420 công nhân, lao động tham gia xảy ra năm 2015 do ảnh hưởng từ ngừng việc tập thể của công nhân, lao động Công ty TNHH PouYuen Việt Nam-TP.HCM vì không đồng tình với chính sách bảo hiểm xã hội một lần quy định tại Điều 60, Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014,... Yêu sách của các cuộc đình công chủ yếu là yêu cầu chủ doanh nghiệp thực hiện việc điều chỉnh lương tối thiểu đúng theo nghị định của Chính phủ; giảm thời gian tăng ca, tăng tiền ăn trưa, cải tiến cách chấm công, tiền chuyên cần; thực hiện các khoản trợ cấp, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phụ cấp sinh hoạt và trợ cấp độc hại cho công nhân, lao động,...

Hầu hết các cuộc đình công đều được các cấp Công đoàn phối hợp các ngành chức năng tỉnh, huyện, thị xã, thành phố đến giải quyết thông qua hòa giải, thương lượng; nhờ đó, các yêu sách của công nhân, lao động cơ bản được chủ doanh nghiệp đáp ứng và người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc bình thường.

PV: Bên cạnh các hoạt động chăm lo thường xuyên cho người lao động, các cấp Công đoàn có những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực gì cho người lao động, thưa bà?

Bà Lê Thị Rết: Bằng những việc làm thiết thực, hơn nửa nhiệm kỳ qua, các cấp Công đoàn tỉnh vận động công nhân, viên chức, lao động đóng góp trên 10,5 tỉ đồng cho Quỹ Tấm lòng vàng. Từ nguồn quỹ này, Công đoàn các cấp xây dựng 228 căn nhà “Mái ấm Công đoàn”; vận động nguồn lực, thành lập đoàn đến thăm và hỗ trợ hàng chục tỉ đồng cho công nhân, viên chức, lao động và hộ nghèo khó khăn trong dịp Về nguồn, Tết nguyên đán, nhân “Tháng Công nhân”, “Tháng hành động Vì trẻ em” hàng năm; tặng quà cho học sinh nghèo nhân dịp khai giảng năm học mới và Tết Trung thu, trao học bổng cho con công nhân, viên chức, lao động vượt khó, học giỏi,... với số tiền hàng tỉ đồng.

Công đoàn các cấp cũng bảo lãnh tín chấp cho công nhân, viên chức, lao động vay vốn hàng trăm tỉ đồng từ các ngân hàng, Quỹ trợ vốn cho công nhân, viên chức, lao động nghèo (CEP), Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, quỹ trợ vốn của Liên đoàn Lao động tỉnh, quỹ tương trợ của các Công đoàn cơ sở, qua đó, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện sinh hoạt và nâng cao đời sống của người lao động.

PV: Các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động thời gian qua đạt những kết quả nổi bật gì, thưa bà?

Bà Lê Thị Rết: Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch phát động thi đua, bám sát vào các sự kiện lịch sử để tổ chức phong trào thi đua ở các cấp Công đoàn với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Công đoàn các cấp phối hợp chính quyền cùng cấp phát động các phong trào thi đua, tạo khí thế sôi nổi ở từng địa phương, đơn vị. Nổi bật là các phong trào thi đua: “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”,... Nhìn chung, qua các phong trào thi đua, tổ chức Công đoàn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của từng cơ quan, doanh nghiệp, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh nhà.

PV: Thưa bà, từ nay đến hết nhiệm kỳ 2013-2018, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Liên đoàn Lao động tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì?

Bà Lê Thị Rết: Thời gian tới, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh tập trung kiện toàn tổ chức và hoạt động, chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ học vấn, tay nghề, tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật của lực lượng công nhân, viên chức, lao động; xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, tập trung công tác phát triển đoàn viên đạt các chỉ tiêu về số lượng và chất lượng theo Nghị quyết Đại hội IX Công đoàn tỉnh; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác tài chính Công đoàn; tăng cường các biện pháp thu kinh phí và đoàn phí Công đoàn; nâng cao chất lượng công tác quản lý, kiểm tra tài chính, tài sản Công đoàn, thực hiện công khai tài chính theo quy định. Phấn đấu thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu theo quy định của Luật Công đoàn và Nghị định số 191/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh chủ động tham gia cùng cơ quan chức năng kiến nghị bổ sung, sửa đổi, xây dựng các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn cho phù hợp với thời kỳ hội nhập quốc tế; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, quy chế dân chủ cơ sở; tham gia giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công xảy ra. Tăng cường việc tham gia ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó, chú trọng thực hiện bữa ăn giữa ca cho người lao động.

Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn đẩy mạnh thực hiện tốt Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị 52-CT/TW, ngày 9-1-2016 của Ban Bí thư. Trong đó, tập trung tuyên truyền, quán triệt, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam. Đẩy mạnh vận động sự đóng góp của toàn xã hội để chăm lo đời sống cho công nhân, viên chức, lao động nghèo, xây dựng các cơ sở giáo dục, thiết chế văn hóa, thể thao cho người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh./.

TH

Chia sẻ bài viết