Hỗ trợ xây dựng Mái ấm tình thương
Đổi mới hoạt động
Thay vì tổ chức nhiều đợt tập huấn, ban hành văn bản, lãnh đạo Hội LHPNVN tỉnh xuống tận cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đối thoại trực tiếp với HVPN. Với từng chủ đề được chọn lựa, phù hợp với địa phương, đơn vị, các cấp hội ngày càng bám sát nội dung, chương trình hoạt động. Hội LHPNVN tỉnh tổ chức đoàn công tác đến làm việc tại 15 huyện, thị xã, thành phố với hình thức đối thoại. Đại diện lãnh đạo các địa phương, ban Dân vận, ban Thường vụ hội cấp huyện, chủ tịch hội cơ sở tham dự.
Qua các cuộc làm việc, các hội cơ sở có dịp bày tỏ một số vấn đề liên quan đến đời sống và việc làm của PN; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; cụ thể hóa nội dung chỉ tiêu thi đua của Tỉnh hội, tùy điều kiện từng cơ sở mà giao chỉ tiêu phù hợp, không rập khuôn, thực hiện phương châm thu hút, tập hợp HV: “Nơi nào có PN, nơi đó có hoạt động hội”.
Từ việc đi cơ sở, Hội LHPNVN huyện Cần Giuộc xây dựng mô hình giúp PN khởi nghiệp. Chị Phạm Thị Huỳnh, ngụ ấp 1, xã Long An, chia sẻ:“Trước đây, tôi ở nhà phụ chồng nuôi ếch nhưng không được suôn sẻ, cuộc sống rơi vào cảnh khó khăn. Nhiều lần vợ chồng định đi vay nóng bên ngoài để có chút vốn đầu tư sản xuất nhưng nghĩ đến tiền lãi lại thấy sợ. Tình cờ, khi cán bộ Hội LHPNVN huyện đến cơ sở, biết được ý định của tôi, các chị tư vấn, hỗ trợ và giúp tôi vay 10 triệu đồng cùng với số tiền mượn được, tôi mở cửa hàng tạp hóa. Nhờ đó, gia đình có thể trang trải cuộc sống”.
Chủ tịch Hội LHPNVN huyện Cần Giuộc - Huỳnh Thị Tuyết Hồng cho biết, nhờ đổi mới cách làm, tất cả văn bản, nội dung đều gửi qua email, hoạt động hội từ huyện đến cơ sở được thông suốt. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh hội, Huyện hội thường xuyên đi cơ sở, mạnh dạn đề xuất xóa bỏ những mô hình không phù hợp và nâng chất mô hình hay, cách làm sáng tạo.
Đây cũng là cách làm của Hội LHPNVN huyện Đức Hòa. Với đặc thù là huyện công nghiệp, thu hút đông công nhân, lao động, nhất là công nhân nữ đến sinh sống và làm việc nên việc tập hợp, thu hút họ vào sinh hoạt hội là việc nên làm. Theo Hội LHPNVN huyện Đức Hòa, huyện có một số câu lạc bộ (CLB) nhà trọ, CLB nữ chủ nhà trọ, CLB công nhân nhà trọ,... được hình thành từ nhiều năm nay.
Dù tên gọi khác nhau nhưng đều có điểm chung là làm tốt công tác tuyên truyền nữ công nhân chấp hành các quy định của pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường. Không những vậy, hội vận động các chủ nhà trọ hạn chế tăng tiền phòng trọ, điện, nước đối với công nhân. Một vài chủ nhà trọ còn vận động tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu cho con công nhân, mời chính quyền địa phương đến chứng nhận hôn lễ cho những nữ công nhân xa nhà lập gia đình,... Cách làm của các chị gắn kết hội với nữ công nhân, giúp địa phương quản lý, bảo đảm tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Mô hình này hiện được các huyện: Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành,... nhân rộng.
Nhiều phong trào thi đua
Ở vùng cù lao Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, điều kiện đi lại khá bất tiện, tìm kiếm việc làm rất khó khăn. Vì vậy, tổ liên kết may gia công quần áo được thành lập nên nhiều PN vùng quê vui mừng.
Chủ tịch Hội LHPNVN xã Long Hựu Tây - Nguyễn Thị Cẩm Loan thông tin, toàn xã có 4 tổ liên kết may gia công, giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động nữ tại địa phương. Từ trước đến nay, xã thành lập một số mô hình nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm cho các chị như kết cườm, xe nhang,... nhưng công việc không được thường xuyên, thu nhập bấp bênh. Chỉ có tổ liên kết may gia công duy trì được nhiều năm qua và mang lại thu nhập tương đối.
Tổ may gia công của chị Hồ Thị Thủy, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, giúp nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống
Được thành lập đến nay gần 6 năm, tổ liên kết may gia công quần áo tại ấp Mỹ Điền hiện có 13 thành viên. Chị Hồ Thị Thủy - Tổ trưởng Tổ liên kết, nói:“Tôi có hơn 10 năm làm công nhân và đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài nên biết chút kinh nghiệm trong lĩnh vực may mặc. Khi quyết định về quê lập nghiệp vừa có thể ổn định cuộc sống, vừa giúp chị em quê mình. Nghĩ là làm, ban đầu vốn không nhiều, tôi mua một số máy may cũ để tiết kiệm chi phí. Vừa rồi, tôi được hội giới thiệu, hỗ trợ mua thêm 5 máy may mới để mở rộng cơ sở. Chị em làm cùng nhau đã lâu, mỗi khi nhà có đám tiệc hay các con đau bệnh, tôi sẵn lòng cho các chị nghỉ “.
Những lao động làm việc tại tổ may của chị Thủy hầu hết có hoàn cảnh khó khăn. Người đi làm nuôi chồng bệnh tật, người phải chăm con nhỏ,... trách nhiệm gia đình đè nặng lên đôi vai các chị. Chị Phan Thị Thùy Liên làm việc tại đây đến nay được 3 năm: “Tôi lập gia đình và theo chồng về Kiên Giang sinh sống được một thời gian nhưng vì cuộc sống quá vất vả nên vợ chồng tôi dắt nhau về Long An. Chồng tôi bị bệnh nên không thể làm những việc nặng, hàng ngày, anh chạy xe ôm, lúc có, lúc không nên thu nhập chẳng đáng là bao. Lúc trước, tôi có con nhỏ nên không thể đi xa. Nhờ chị Thủy nhận vào làm và hướng dẫn cách may máy may công nghiệp, tôi có thêm khoản thu nhập. Trung bình mỗi tháng, tôi nhận được hơn 4 triệu đồng, phụ chồng nuôi con ăn học”.
Giải quyết việc làm tại chỗ, tạo thu nhập ổn định cho PN nông thôn là một trong những cách làm hiệu quả được Hội LHPNVN tỉnh thực hiện trong nhiều năm qua. Ngoài hỗ trợ PN tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các cấp hội tham gia tuyên truyền, vận động HVPN chung sức xây dựng nông thôn mới, trồng rau ứng dụng công nghệ cao,... Từ đó, hàng loạt công trình: Xây cầu, nâng cấp các tuyến đường liên xóm, trồng cây xanh, hiến đất, giải phóng mặt bằng,... mang lại diện mạo mới cho vùng nông thôn,...
Phụ nữ ra quân trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp
Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Nguyễn Hồng Mai nhận định, năm 2017 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu PN tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2016-2021) nên các cấp hội tập trung khá nhiều nhiệm vụ. Có thể nói, công tác hội và phong trào PN thời gian gần đây hướng mạnh về cơ sở; cấp tỉnh đến huyện, xã đều thực hiện đổi mới phương thức hoạt động sao cho không hành chính, hình thức mà cần sâu sát cơ sở nhằm đổi mới, nâng chất phong trào hội.
10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác PN thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, nữ ứng cử viên HĐND các cấp, nữ được giới thiệu tham gia cấp ủy luôn bảo đảm chất lượng và tỷ lệ theo quy định. Có 957/4.797 đồng chí tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2015-2020. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ 5.315/16.350 người, chiếm 32,5%; giới thiệu hơn 4.100 cán bộ hội, HV ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng, giáo dục và kết nạp trên 2.700 đảng viên;... Hội đưa đi đào tạo 256 cán bộ hội về trung cấp và cao cấp lý luận chính trị, trình độ đại học, cao học về chuyên môn,... Hàng năm, các cấp hội vận động xây dựng trên 100 công trình mang tên Hội (nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, làm cầu, cống, trồng cây xanh,...) trị giá trên 3 tỉ đồng; giúp hơn 10% PN nghèo làm chủ hộ thoát nghèo. Hội vận động xây dựng 40 căn nhà tình nghĩa cho gia đình PN thuộc diện chính sách, 745 mái ấm tình thương cho PN nghèo, khó khăn và tặng trên 1.700 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, trị giá gần 18 tỉ đồng,... ./. (Nguồn Hội LHPNVN tỉnh) |
Nguyệt Nhi