PV: Ông có thể cho biết mục đích, ý nghĩa cuộc bầu cử lần này?
Ông Lê Bá Phước: Bầu cử ĐB QH và ĐB HĐND là hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp của người dân, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng.
Cuộc bầu cử lần này được tổ chức cùng 1 ngày (ngày 22-5-2016) trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh nước ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN và tổ chức bộ máy Nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức QH năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Bầu cử ĐB QH và ĐB HĐND năm 2015 mới được ban hành.
Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội Đảng các cấp và Đại hội XII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân. Từ các lá phiếu, cử tri sẽ lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
PV: Cuộc bầu cử lần này được thực hiện theo Luật Bầu cử ĐB QH và ĐB HĐND năm 2015. Vậy, xin ông cho biết có những điểm mới cơ bản gì?
Ông Lê Bá Phước:
- Thứ nhất, Luật Bầu cử ĐB QH và ĐB HĐND năm 2015 quy định thẩm quyền của QH quyết định: Ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử ĐB QH, bầu cử ĐB HĐND các cấp, bầu cử bổ sung ĐB QH trong thời gian giữa nhiệm kỳ, thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia (thay vì do Ủy ban Thường vụ QH quyết định như trước đây). Đồng thời, luật cũng quy định rõ ngày bầu cử là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất 115 ngày trước ngày bầu cử.
- Thứ hai, luật quy định cụ thể về tỷ lệ phải có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐB QH là người dân tộc thiểu số và ít nhất 35% là phụ nữ. Đối với những người ứng cử ĐB HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cũng phải bảo đảm tỷ lệ trong đó có ít nhất 35% là phụ nữ.
- Thứ ba, luật mở rộng cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐB QH và ĐB HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Thứ tư, luật nêu cụ thể tiêu chuẩn của người ứng cử ĐB QH được quy định tại Luật Tổ chức QH, còn tiêu chuẩn người ứng cử ĐB HĐND quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trên cơ sở luật định, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quyền giới thiệu người ra ứng cử cần đề cao trách nhiệm, giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu, có độ tuổi thích hợp, đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm đại diện cho mình.
PV: Tiêu chuẩn người ứng cử ĐB QH, ĐB HĐND là vấn đề được cử tri rất quan tâm. Xin ông cho biết những tiêu chuẩn đó?
Ông Lê Bá Phước: Tiêu chuẩn người ứng cử ĐB QH được quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức QH, còn tiêu chuẩn người ứng cử ĐB HĐND được quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Các yêu cầu chung đó là:
- Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ ĐB.
- Có điều kiện tham gia các hoạt động của QH và HĐND.
- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
PV: Xin ông cho biết cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐB QH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 của tỉnh Long An lần này?
Ông Lê Bá Phước: Về cơ cấu, thành phần, thực hiện theo Điều 9 của Luật Bầu cử ĐB QH và ĐB HĐND năm 2015; Nghị quyết số 1132/NQ-UBTVQH13, ngày 16-1-2016 của Ủy ban Thường vụ QH về hướng dẫn xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Thường trực HĐND các cấp thống nhất với các cơ quan liên quan dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐB HĐND các cấp; sau đó chuyển đến Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam cùng cấp để tổ chức hiệp thương lần thứ nhất. Căn cứ kết quả hiệp thương lần thứ nhất, Thường trực HĐND các cấp điều chỉnh xong cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử ĐB HĐND và cũng đã chuyển đến Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam cùng cấp để chuẩn bị công tác hiệp thương lần thứ hai.
Riêng đối với cấp tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh cũng thực hiện xong các công việc trên bảo đảm dân chủ, đúng quy trình, tiến độ và chất lượng. Dự kiến cơ cấu, thành phần và số lượng ứng cử viên ĐB HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 có tỷ lệ nữ 37% (theo quy định ít nhất 35%); cơ cấu trẻ dưới 35 tuổi 16,8% (quy định không dưới 15%); tỷ lệ ngoài Đảng 10,1% (quy định không dưới 10%); tỷ lệ tái cử 30,5% (theo quy định ít nhất 30%).
Về số lượng ĐB QH khóa XIV đơn vị tỉnh Long An, theo các quy định hiện hành, sau hiệp thương lần thứ ba, dự kiến tổng số ứng cử viên chính thức sẽ là 14 (trong đó có 3 ứng cử viên được Trung ương giới thiệu về) để cử tri bầu lấy 8 ĐB từ 3 đơn vị bầu cử (2 đơn vị bầu cử bầu 3 ĐB và 1 đơn vị bầu cử bầu 2 ĐB).
Số lượng ĐB HĐND các cấp sẽ tính theo số dân tại địa phương. Đối với ĐB HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, sau hiệp thương lần thứ ba, dự kiến tổng số ứng cử viên chính thức sẽ là 100 để cử tri bầu lấy 60 ĐB từ 19 đơn vị bầu cử (trong đó, đơn vị có số ĐB được bầu nhiều nhất là 5 ĐB và đơn vị có số ĐB được bầu ít nhất là 2 ĐB).
PV: Xin ông cho biết thêm về công tác tuyên truyền, quán triệt, tổ chức triển khai bầu cử và tổ chức hiệp thương hiện nay?
Ông Lê Bá Phước: Nhìn chung, công tác tuyên truyền, quán triệt, tổ chức triển khai bầu cử trên địa bàn tỉnh được thực hiện rất khẩn trương, nghiêm túc, chặt chẽ, bảo đảm đúng quy trình, tiến độ và chất lượng. Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo và Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh ngay từ đầu tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và cấp huyện nhằm quán triệt các nội dung liên quan đến bầu cử; xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016. Ủy ban Bầu cử các cấp trong tỉnh đều xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên trong triển khai thực hiện, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác bầu cử. UBND tỉnh có kế hoạch tuyên truyền và phát động phong trào thi đua tổ chức cuộc bầu cử. Và ngày 2-3-2016, Ủy ban Bầu cử tỉnh ban hành Nghị quyết 14/NQ-UBBC về việc ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số ĐB được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử ĐB HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.
Về công tác hiệp thương, theo quy định, việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐB QH và ĐB HĐND được tổ chức 3 vòng. Hiện nay, toàn tỉnh tổ chức xong vòng 1 trước ngày 17-2-2016. Hiệp thương vòng 2 sẽ được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 16-3 đến 18-3-2016 nhằm thống nhất danh sách sơ bộ những người ứng cử. Hiệp thương vòng 3 trong khoảng thời gian từ ngày 13-4 đến 17-4-2016 để thống nhất danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử. Sau đó, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam các cấp gửi biên bản và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐB được mình giới thiệu về các cơ quan chức năng để tiến hành các thủ tục tiếp theo theo quy định./.
PV: Xin cảm ơn ông!
PV (thực hiện)