Lò nóng rồi, “thép hạng sang” cũng phải cháy
Không chỉ “củi khô, củi tươi” mà cả “thép hạng sang” (cán bộ cấp cao) nếu dính vào tham nhũng cũng bị xử lý. Theo cách nói ví von của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đông đảo dư luận đã khẳng định như vậy. Trong số 54 bị cáo trong “chuyến bay giải cứu” tại phiên tòa phúc thẩm sáng ngày 27/12/2023, có 3 bị cáo y án tù chung thân; 1 cựu thứ trưởng lãnh 14 năm tù giam,... Vụ nâng giá kít xét nghiệm liên quan Công ty Việt Á, dự kiến đưa ra xét xử vào đầu năm 2024, cũng có 38 bị cáo, trong đó có 2 cựu bộ trưởng; một số vụ trưởng, phó vụ trưởng; cán bộ tỉnh ủy, UBND tỉnh; lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế, cán bộ CDC nhiều tỉnh, thành phố. Tại các đơn vị đăng kiểm cũng có hàng trăm bị can bị khởi tố.
Trong những ngày này, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan cùng 85 bị can tại tập đoàn này, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan. Các bị can còn lại có 41 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB, 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước, 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ, 1 cựu Kiểm toán Nhà nước.
Còn nhiều vụ án, nhiều đối tượng nữa được gọi tên, như cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - Lê Đức Thọ vừa bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở do liên quan vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil...
Vì sao chống tham nhũng quyết liệt như vậy nhưng căn bệnh trầm kha này vẫn có vẻ ngày thêm nặng; số đối tượng trong một vụ án, số tiền đưa, nhận hối lộ “khủng” chưa từng thấy? Mấy năm trước, một cựu bộ trưởng nhận hối lộ 3 triệu USD, dư luận đã thấy số tiền quá lớn. Nhưng giờ đây, Đỗ Thị Nhàn nguyên là Cục trưởng Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước bị truy tố về hành vi nhận hối lộ số tiền lên đến 5,2 triệu USD; một thư ký của thứ trưởng cũng đã nhận hối lộ lên đến hơn 42 tỉ đồng;...
Trị tham nhũng phải làm từ gốc
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bao giờ cũng gắn liền với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sàng lọc, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Vừa xử lý nghiêm, vừa mở cho họ một con đường chuộc tội, hoặc cho thôi chức nếu tự giác nhận trách nhiệm, sai phạm.
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân - một thứ “giặc” trong lòng mình, kéo người ta “tuột dốc không phanh”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở. Đây mới là nguyên nhân cơ bản đẻ ra tham nhũng, tiêu cực; việc xuống cấp về đạo đức của cán bộ là căn nguyên trực tiếp, chủ yếu làm cho tham nhũng chưa thể ngăn chặn.
Vì vậy, muốn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, phải làm từ rất sớm, từ xa, tức là phải ngăn cho được suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ có chức, có quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”.
Muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ liêm chính phải có cơ chế chặt chẽ để kiểm soát quyền lực. “Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định như vậy.
Cơ chế kiểm soát quyền lực được xây dựng trên cơ sở xây dựng luật pháp, chính sách, không còn kẽ hở cho những cán bộ có lòng tham lợi dụng. Thực tế là khi quyền lực bị lợi dụng thì tham nhũng, tiêu cực càng trở nên phức tạp. Rõ nhất là trong vụ “chuyến bay giải cứu”, thanh tra Ngân hàng SCB,... Một trưởng đoàn thanh tra, giám sát mà nhận hối lộ 5,2 triệu USD thì thanh tra không chỉ bị vô hiệu hóa mà còn làm cho vụ việc phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng gấp bội phần. Nếu không có vụ việc này, những sai phạm tại Ngân hàng SCB sẽ sớm được phát hiện, hạn chế tối đa hậu quả; danh sách cán bộ vi phạm kéo theo cũng không nhiều đến như vậy.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, có hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 17 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 tướng lĩnh (tăng gần 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII); các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra 1.304 vụ với 3.523 bị can về các tội tham nhũng (tăng hơn 2 lần về số vụ án và hơn 3 lần về số bị can so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII).
Chủ trương, đường lối, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không thiếu và ngày càng được hoàn thiện. Gần đây, Bộ Chính trị ban hành 3 quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (Quy định số 114); trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán (Quy định số 131); trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (Quy định số 132).
Vấn đề còn lại là ở cơ chế vận hành và con người thực hiện. Vì vậy, cần có những chế tài thật cụ thể, thực hiện thật nghiêm minh, công tâm, để ai đó muốn tham nhũng cũng “không thể”, “không dám”. Đặc biệt là chế tài, cơ chế vận hành trong các cơ quan quyền lực, nhất là cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với các văn bản khác của Đảng, Nhà nước, 3 quy định nêu trên cực kỳ quan trọng, bảo đảm sự lãnh, chỉ đạo thống nhất, toàn diện của Đảng; vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Qua đó, thể hiện mọi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ, ràng buộc bằng trách nhiệm. Quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn.
Phương châm đặt ra là kết hợp đồng bộ giữa “xây” và “chống”, trong đó lấy “xây” là chiến lược cơ bản, lâu dài, “chống” là cấp bách, thường xuyên. Trong “xây” không chỉ xây cơ chế, chính sách để không dám, không thể, không muốn, không cần tham nhũng, tiêu cực mà xây dựng toàn diện chất lượng cán bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Với cán bộ thì đức là gốc. Tuy nhiên lâu nay, việc làm quy trình để bổ nhiệm hoặc giới thiệu cán bộ ứng cử, vấn đề đạo đức của cán bộ vẫn chưa thật sự phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, nhất là trong thi tuyển, bởi đây là nội dung không thể định lượng. Muốn đánh giá về đạo đức cán bộ sát, đúng, phải biết rõ cán bộ đó trong suốt quá trình công tác; đặc biệt phải dự báo được tư cách của cán bộ đó khi bố trí vào các cương vị lãnh đạo, quản lý. Đây là việc không đơn giản.
Chống tham nhũng, tiêu cực là việc khó, nhạy cảm nhưng không có nghĩa là không thực hiện được. Khi toàn Đảng, toàn dân, mỗi cán bộ, đảng viên đều có quyết tâm cao, không còn “vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, tin rằng, cuộc chiến chống “giặc nội xâm” sẽ thành công./.
Huyền Linh