Tiếng Việt | English

29/03/2016 - 05:34

Đại biểu Quốc hội: Chúng ta hãy làm dân thường một vài ngày thôi

Chỉ cần làm dân thường vài ngày, chúng ta sẽ thấy tính mạng, nhân phẩm, tài sản của người dân dễ bị xâm hại, dễ bị xúc phạm như thế nào.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã nói điều này trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016),

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nhấn mạnh vai trò gương mẫu của Quốc hội. Ông Trương Trọng Nghĩa nói: “Quốc hội là cơ quan làm luật, Chính phủ là cơ quan thi hành, nhưng tôi cho rằng Quốc hội cũng phải có trách nhiệm trong việc thi hành pháp luật”


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Theo đại biểu, tình hình phạm pháp hiện nay cần phải được báo động. Vi phạm pháp luật xảy ra ở mọi lĩnh vực, mọi địa phương, mọi cấp độ. Những người nắm vững luật đều biết, pháp luật càng chặt chẽ, hoạt động phòng chống tội phạm càng hiệu quả thì tội phạm càng tinh vi. Do đó pháp luật phải càng hoàn thiện hơn thì việc phòng chống tội phạm càng tiến bộ hơn. Đây là cuộc rượt đuổi mà pháp luật phải nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn tội phạm thì mới bảo vệ được con người, bảo vệ xã hội, nhà nước.

Theo ông Trương Trọng Nghĩa, ở nước ta tình hình ngược lại ở nhiều quốc gia. Đó là tội phạm không cần tinh vi gì cả, rất trắng trợn, rất công khai, kéo dài. Ví dụ vấn đề khai thác cát, phá rừng, xây dựng những tòa nhà này, tòa nhà kia, những khu biệt thự mấy chục căn, tần suất rất thường xuyên và quy mô ngày càng lớn hơn.

“Chúng ta phải suy nghĩ xem nguyên nhân nằm ở chỗ nào. Chúng tôi cho rằng công tác phòng chống tội phạm vừa rồi cần phải xem xét lại. Người vi phạm pháp luật không còn sợ nữa. Chúng ta nói rất nhiều về tai nạn giao thông, nhưng nếu nhìn lòng lề đường, chúng ta quản lý ở mọi thành phố, trong đó Hà Nội và TP HCM, người đi bộ phải bước xuống lòng đường, còn đi trên lề đường lơ mơ là người buôn bán họ mắng mỏ cho, thậm chí họ cho người đánh.

Tôi phản ánh điều này rất là thực, nếu như chúng ta hãy làm dân thường một vài ngày, một vài giờ thôi, chúng ta sẽ thấy tính mạng, nhân phẩm, tài sản của người dân dễ bị xâm hại, dễ bị xúc phạm như thế nào. Đất nước ta hiện nay kém an toàn hơn rất nhiều so với 10 năm trước đây”.

Còn đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nhấn mạnh, người nông dân đang đứng trước nhiều nguy cơ, rủi ro; luật pháp hướng tới “tam nông” thì có nhưng triển khai chậm chạp.

ĐBQH Trương Minh Hoàng phát biểu tại nghị trường

Ông Trương Minh Hoàng cho rằng, tình trạng hạn hán gay gắt ở Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn có tính lịch sử ở ĐBSCL đang khiến người nông dân điêu đứng; bên cạnh đó, việc đánh bắt xa bờ luôn tiềm ẩn những rủi ro, nguy hiểm cho người nông dân; nông thủy sản, muối trúng mùa thì luôn bị chèn ép về giá cả… Tình trạng sạt lở ven biển, ven sông luôn diễn ra và ngày càng trầm trọng, nhưng chậm có biện pháp khắc phục.

“Chúng ta phải tăng cường giải pháp như thế nào trước những nhu cầu, nỗi lo của người nông dân. Trước những ảnh hưởng này, chúng ta đưa ra được những quyết sách kịp thời, đúng lúc rồi, nhưng tại sao chuyển tải còn chậm. Nguyên nhân vì sao? Tôi mong khóa tới không còn tình trạng tương tự xảy ra. Ngay phiên họp tháng 10/2011 đã có những ý kiến nêu ra phải quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Gần như kỳ nào cũng chất vấn Chính phủ và các thành viên Chính phủ, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, thế nhưng chuyển biến và đưa vào các nghị quyết để điều chỉnh rất chậm” – đại biểu Trương Minh Hoàng thẳng thắn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) thừa nhận, luật pháp nhiều khi chưa theo kịp cuộc sống. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện luật pháp cho phù hợp với thực tiễn sinh động của cuộc sống hiện nay lại là cấp thiết. Thậm chí có những điều luật không phù hợp nhưng chúng ta chậm sửa đổi như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Mặc dù đến ngày 1/7/2016, tội phạm này sẽ được xử nặng hơn. Tuy nhiên, cử tri nói vẫn còn quá chậm.

Ông Trần Hoàng Ngân đề nghị cần quan tâm hơn tới đối tượng bị tác động bởi luật sẽ được ban hành, cần có những nghiên cứu xã hội học trước khi soạn thảo và ban hành./.

Lại Thìn/VOV.VN

Chia sẻ bài viết