Sáng 2/7/1976, tại kỳ họp thứ I, Quốc hội Thống nhất đã thông qua Nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Thủ đô... (Ảnh Tư liệu TTXVN)
Trong suốt chiều dài lịch sử của Quốc hội Việt Nam, khóa VI (1976-1981) đóng vai trò và có ý nghĩa rất quan trọng với đất nước. Quốc hội đã thông qua chủ trương thống nhất đất nước, chung một màu cờ, một tên gọi Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đây là kỳ Quốc hội có vị trí đặc biệt, với biết bao ký ức không thể phai mờ trong lòng nhiều đại biểu miền Nam.
Tiếng nói chung của đại biểu hai miền
Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), non sông Việt Nam đã liền một dải. Tuy nhiên, trên thực tế lúc này vẫn còn tồn tại hai Chính phủ: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Do vậy, việc nhanh chóng thống nhất về mặt Nhà nước là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu lúc bấy giờ, để nhân dân ta tập trung xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh. Chính sự đồng lòng của các đại biểu Quốc hội hai miền, những con người đi ra từ cuộc kháng chiến cứu nước, đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam thực sự trở thành một đất nước thống nhất.
Là đại biểu trong 6 kỳ Quốc hội từ khóa VI đến khóa XI, nhưng đối với bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) thì Quốc hội khóa VI để lại ấn tượng đặc biệt trong bà.
Bà Hoài Thu cho rằng đây là kỳ Quốc hội mang tính lịch sử rất sâu sắc, ghi lại dấu ấn trong chiều dày lịch sử của đất nước. Nếu Quốc hội khóa I là mở màn cho nền độc lập dân chủ thì Quốc hội khóa VI đánh dấu sự thống nhất đất nước về mặt Nhà nước sau 30 năm chiến tranh chia cắt hai miền đất nước.
Quốc hội thống nhất với một ý chí rất cao, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đại biểu Quốc hội biểu quyết với tỷ lệ cao cho những quyết định quan trọng cho bước phát triển mới của đất nước.
“Khi đó, với một người trẻ như tôi và nhiều đại biểu khác được tham gia biểu quyết quyết định những vấn đề trọng đại nhất của đất nước là một niềm vinh dự lớn lao,” bà Nguyễn Thị Hoài Thu xúc động chia sẻ.
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI đã thông qua các vấn đề quan trọng hàng đầu của đất nước, gồm Nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và tổ chức Nhà nước khi chưa có Hiến pháp mới, thủ đô và quyết định chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn-Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh. Không khí của kỳ họp năm ấy được thể hiện rõ hơn qua lời kể của các đại biểu Quốc hội.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu: “Khi Quốc hội đề ra các nội dung quan trọng đều được đại biểu thông qua, với sự đồng thuận rất cao, điều đó thể hiện cho ý chí, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đơn cử như việc để thống nhất đặt tên nước cho phù hợp với tình hình đất nước sau ngày giải phóng không đơn giản và dễ dàng để tiếp thu ngay. Nhưng các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết rất cao cho việc đặt tên nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tên nước là sự kết tinh bằng bao nhiêu xương máu của đồng bào chiến sỹĩ ta mà không thể đo được, đếm được."
Về việc chọn thủ đô, đặt tên Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Hoài Thu chia sẻ đối với mỗi người dân Việt Nam, Bác Hồ là điều thiêng liêng nhất. Hà Nội là nơi Bác đã yên nghỉ, đây cũng nơi Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì thế mà việc quyết định đặt thủ đô tại Hà Nội đã được đại biểu đồng tình ủng hộ và biểu quyết rất cao. Tương tự, việc quyết định chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn-Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh cũng được đại biểu Quốc hội thống nhất cao, bởi đây chính là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng đất nước.
Từng là đại biểu ở cả hai miền trong hai kỳ Quốc hội (Quốc hội khóa V tại tỉnh Ninh Bình và khóa VI tại tỉnh Minh Hải - nay là tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu), ông Phạm Học Lâm là người hiểu rõ và cảm nhận sâu sắc về sự thống nhất nước nhà thông qua những quyết sách của Quốc hội khóa VI.
Theo ông Phạm Học Lâm, những đường lối Đảng đề ra, những vấn đề Quốc hội nêu ra đều được thông qua với biểu quyết, tín nhiệm cao của các đại biểu. Bởi khi đất nước thống nhất, mọi người dân đều phấn khởi trước thắng lợi của cuộc đấu tranh của dân tộc “phấn khởi chưa từng có, phấn khởi tột độ và không có gì vui sướng bằng." Quốc hội khóa VI, đại diện cho nhân dân đã thể hiện tính thống nhất cao và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.
Lần giở lại những tấm hình về lần hiệp thương của đại biểu hai miền năm ấy, ký ức về những ngày tháng lịch sử ấy lại hiện rõ trong tâm trí ông Phan Minh Tánh. Ông cho biết vừa là một đại biểu, khi đó ông cũng được cử làm Thư ký cho đoàn đại biểu miền Nam nên hiểu khá rõ và được chứng kiến những sự kiện mang tính lịch sử của nước nhà với việc thống nhất tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh… Đó là những sự kiện mang ý nghĩa lớn lao đối với cả một dân tộc, nhất là khi vừa trải qua cuộc kháng chiến oanh liệt, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Còn bà Nguyễn Thị Hoài Thu vẫn nhớ như in lần đầu tiên “tiếp xúc cử tri” sau kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội khóa VI: “Sau khi thông báo kết quả họp Quốc hội, nhân dân đều rất vui mừng trước những kết quả đạt được, đất nước thống nhất, gia đình sum họp, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ra sức lao động sản xuất xây dựng đất nước.”
Phát huy tinh thần mưu cầu hạnh phúc cho dân
Dù là ở khóa đầu tiên hay những khóa sau này, với mỗi đại biểu Quốc hội khi trúng cử đều có rất nhiều cảm xúc, có niềm vui, sự vinh hạnh nhưng cũng đầy nỗi lo lắng trong vai trò mới. Đây là tâm trạng chung của những người đại biểu dân cử với mong muốn mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, những người đã đặt niềm tin vào mình.
Trong hồi ức của mình, bà Ngô Thị Huệ (đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa IV) chia sẻ: “Niềm hạnh phúc thì lớn lao nhưng trong lòng đè nặng nỗi băn khoăn không biết có kham nổi trọng trách đại biểu mà đồng bào cử tri trong đó có chị em tỉnh nhà ký thác?”
Trách nhiệm đối với nhân dân, nhiệm vụ với đất nước đó là những điều mà các đại biểu Quốc hội luôn đau đáu làm sao để thực hiện thật tốt, những đại biểu Quốc hội như ông Phan Học Lâm, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, ông Phan Minh Tánh đều chia sẻ rằng được nhân dân tín nhiệm bỏ phiếu là niềm vinh dự, sự tự hào lớn lao đối với bản thân họ. Và cũng chính vì thế mà họ cũng không khỏi lo lắng bởi vẫn còn bỡ ngỡ với những trách nhiệm lớn lao mà một đại biểu Quốc hội cần làm, chưa biết phải làm sao để làm hết trọng trách của người đại biểu dân cử.
Có lẽ chính sự tín nhiệm của nhân dân là động lực để các đại biểu nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, như lời ông Phan Minh Tánh khẳng định: “Với quyết tâm vừa làm vừa học, dù khó khăn gì nhưng có quyết tâm và tinh thần học hỏi thì sẽ làm được. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi để làm tốt nhất vai trò của đại biểu Quốc hội.”
Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng những Đại biểu Quốc hội năm xưa vẫn mang trong mình tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm lớn lao với đất nước. Họ chia sẻ kinh nghiệm và luôn kỳ vọng những “hậu bối” sẽ tiếp tục phát huy tinh thần của thế hệ trước, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, luôn gắn bó và gần gũi với nhân dân, thực sự trở thành người Đại biểu của nhân dân.
Từ kinh nghiệm của bản thân qua 6 kỳ làm đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hoài Thu nhấn mạnh: “Mối quan hệ giữa đại biểu quốc hội với cử tri hơn cả sự gắn kết thông thường, đó là sự gắn bó máu thịt, đại biểu quốc hội vừa “chịu” sự giám sát của cử tri và vừa “được” sự giám sát của cử tri. Tất cả mọi công việc cũng như đối nhân xử thế trong cuộc sống đời thường cũng phải luôn luôn đặt trong tình trạng chịu sự giám sát của cử tri."
Để gần dân và hiểu dân, bên cạnh việc tiếp xúc cử tri theo Luật, đại biểu Quốc hội phải tiếp xúc, gặp gỡ, lắng nghe cử tri mọi lúc mọi nơi để nắm bắt thông tin sâu sát và luôn luôn quan tâm đến những việc cử tri cần.
"Kinh nghiệm thực tế cho thấy đại biểu Quốc hội thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ cử tri càng nhiều thì sẽ có được nhiều ý kiến đóng góp sắc đáng cho Quốc hội và nói được tiếng nói của cư tri," bà Nguyễn Thị Hoài Thu chia sẻ.
Phiên họp đầu tiên của Ủy ban dự án pháp luật Quốc hội ngày 4/7/1976. (Ảnh: Thế Trung/TTXVN)
Theo ông Phan Minh Tánh, cùng với sự phát triển của đất nước, hoạt động của Quốc hội ngày nay đã có nhiều sự thay đổi tích cực và hiệu quả hơn. Các đại biểu ngày càng thể hiện rõ vai trò người đại diện cho nhân dân, trong đó có nhiều đại biểu là nữ, người trẻ đã làm tốt vai trò của mình, những phát biểu tại các kỳ họp có chất lượng tốt.
Cùng nhận định trên, ông Phạm Học Lâm chia sẻ những năm gần đây Quốc hội hoạt động rất sôi nổi, nhất là hoạt động chất vấn được đổi mới thường xuyên, nội dung chất vấn rất hay và hiệu quả giải đáp được những vấn đề thắc mắc, bức xúc của người dân. Đại biểu Quốc hội đã làm tốt vai trò đại diện nhân dân.
Trải qua 13 khóa, Quốc hội Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh và không ngừng đổi mới. Mỗi kỳ Quốc hội có những sự kiện, ấn tượng riêng, nhưng Quốc hội khóa I và khóa VI có một vị trí, ý nghĩa đặc biệt và sẽ không phai mờ trong tâm trí của những đại biểu năm xưa. Đây cũng là những kinh nghiệm quý báu để các đại biểu ngày nay noi theo, phát huy tinh thần của “tiền bối” năm xưa, không ngừng đổi mới để đưa đất nước phát triển và mang lại hạnh phúc cho nhân dân./.
Tiến Lực-Thu Hoài/Vietnam+