Tiếng Việt | English

30/09/2015 - 14:35

Danh nhân Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Nguyễn Trung Trực xuất thân từ một gia đình quê gốc ở Xóm Lưới, làng Vĩnh Hội, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ông sinh năm 1839 (có tài liệu ghi 1838), tại thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An, tỉnh Định Tường (nay là xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), lúc nhỏ có tên là Chơn, sau đổi gọi Nguyễn Văn Lịch, gia đình sống nghề chài lưới.

20 tuổi, Nguyễn Văn Lịch (Nguyễn Trung Trực) đã tham gia nghĩa binh chống Pháp, lên chặn giặc ở đại đồn Chí Hòa (1859). Năm 1861, ông được Trương Định phong làm Quyền sung quản binh đạo huyện Cửu An - phủ Tân An, nên còn gọi là Quản Lịch (quản cơ, không phải hương quản). Ông chỉ huy nghĩa quân chủ động chặn đánh quân Pháp di chuyển trên sông - từ Sài Gòn xuống đánh Định Tường; tại Vũng Gù ngày 10-4-1861, nghĩa quân của ông giết chết tên trung tá Buốc-đe (Bourdais) và 30 lính Pháp.

Đặc biệt ngày 10-12-1861, ông chỉ huy lập nên trận hỏa công vang lừng trên vàm sông Nhựt Tảo – tiêu diệt chiếc tàu chiến L’Esperance của Pháp, diệt 17 quân Pháp và 20 lính mã tà - đây là lần đầu tiên, người Việt Nam đánh chìm được tàu đồng của tư bản phương tây; thanh tra bản xứ ở Nam Kỳ bấy giờ là Paulin Vial gọi đây là “Một sự kiện đau đớn làm người An Nam phấn chấn và gây xúc động, đau lòng sâu sắc trong người Pháp”.

Sau Hòa ước Nhâm tuất năm 1862, Nguyễn Trung Trực được triều đình phong chức Lãnh binh nhưng ra đến Bình Định thì quay về Hà Tiên giữ chức Thành Thủ úy. Ông chiến đấu lừng danh ở lục tỉnh Nam Kỳ với lối đánh “xuất quỷ nhập thần” đầy hiệu quả, khiến Bô-na (Bonard) - Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp lúc bấy giờ, phải treo giá 18 vạn quan tiền cho ai lấy được thủ cấp của ông. Ngày 16-6-1868, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực tập kích đồn Kiên Giang (Rạch Giá) “dễ như trở bàn tay”, tiêu diệt 5 sĩ quan Pháp, 67 lính, thu trên 100 súng và làm chủ tỉnh lỵ gần một tuần lễ; sau đó, giặc Pháp tăng viện binh, nghĩa quân của ông phải rút ra đảo Hòn Chông, rồi ra Phú Quốc.

Tháng 10-1868, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực bị giặc bao vây và triệt đường tiếp tế lương thực. Nhằm cứu nghĩa quân và dân làng Dương Đông, ông quyết định ra nộp mình nhưng không đầu hàng. Ông bị giặc Pháp đem hành quyết tại Rạch Giá ngày 27-10-1868 (12-9 AL).

Người đời sau luôn nhớ đến ông trong câu nói bất hủ trước khi chết: “Bao giờ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây!”. Đương thời, Cử nhân - thi sĩ Huỳnh Mẫn Đạt (người Rạch Giá, nguyên Tuần phủ Hà Tiên, một sĩ phu đứng về phía nghĩa quân chống Pháp, đã khóc vị anh hùng bất khuất bằng bài thơ chữ Hán có tựa là “Điếu Nguyễn Trung Trực”, nội dung phiên âm như sau:

“Thắng phụ nhung trường bất túc luân
Đồi ba đê trụ ức ngư dân
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần
Nhứt Đán phi thường tiêu tiết nghĩa
Lưỡng toàn vô úy báo quân thân
Anh hùng cường cảnh phương danh thọ
Tu sát đê đầu vị tử nhân”.

Giáo sư Ca Văn Thỉnh (thế kỷ XX) dịch:

Thắng bại chi bàn việc tướng quân
Người chài trụ đá lúc gian truân
Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất
Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần
Một sớm nhẹ mình nên tiết nghĩa
Đôi đường trọn chữ báo quân thân
Anh hùng cứng cổ danh thơm mãi
Lũ sống khom lưng chết thẹn dần”
.

Lễ giỗ Nguyễn Trung Trực diễn ra hàng năm (tại Kiên Giang, Đình thờ Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá tổ chức lễ giỗ ông vào các ngày 27 đến 29 tháng 8 âm lịch, nơi đây có năm thu hút trên 10.000 người về dự; đình và mộ của ông đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào ngày 6-12-1989).

Tại Vàm Nhựt Tảo, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, Đền thờ Nguyễn Trung Trực (di tích xếp hạng cấp Quốc gia) đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An long trọng tổ chức lễ khánh thành vào đêm 14-10-2010./.

Long Thái

Chia sẻ bài viết