Tiếng Việt | English

19/03/2018 - 05:29

Dấu ấn của ông Sáu Khải trong sự phát triển của miền Tây

Ông Khải có nhiều đóng góp rất lớn cho sự phát triển của vùng ĐBSCL qua chương trình phát triển kinh tế, tiếp tục chương trình phát triển Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên.

Khi nghe tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần, nhiều cán bộ, người dân miền Tây sông nước ngậm ngùi, thương tiếc.

Đối với người dân vùng châu thổ, “chú Sáu Khải” (tên thân mật mà người dân vùng này thường gọi cố Thủ tướng Phan Văn Khải), còn là một người luôn rất nặng tình với miền Nam thân thương.

Công trình làm nhà sàn vượt lũ giúp người dân an toàn trong lũ

Công trình làm nhà sàn vượt lũ giúp người dân an toàn trong lũ

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ngồi thẫn thờ khi nghe tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần.

Ông Bảy Nhị cho biết, những ai thường làm việc với nguyên Thủ tướng đều có thể nhận thấy ở ông một con người rất thẳng thắn, quyết đoán trong công việc; không quan cách, luôn sống bình dị gần gũi với cấp dưới và rất chân tình.

Trong trí nhớ của ông Bảy Nhị, hàng chục năm về trước, miền Tây thường xuyên đối mặt với lũ lụt. Chính vì thế, công trình làm nhà vượt lũ, từ nhà sàn (trên cọc) đến cụm tuyến dân cư với đề xuất của An Giang đã được Phó Thủ tướng Thường trực Phan Văn Khải năm 1996 đồng ý thành chủ trương chung cho toàn vùng.

Quyết định 99 của Chính phủ đã đem lại sự đổi đời cho vùng ngập lụt ĐBSCL từ nhiệm kỳ Chính phủ Võ Văn Kiệt - Phan Văn Khải.

“Đây là kết quả rất tích cực mà Chính phủ quan tâm cho các địa phương vùng ngập lũ ĐBSCL. Cùng với đó, Chính phủ ban hành quyết định 99 về giao thông, thủy lợi và xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo sự thay đổi, phát triển vùng ĐBSCL”, ông Bảy Nhị nhận xét.

Những cụm tuyến dân cư giúp cư dân vùng lũ sản xuất bình thường trong lũ

Những cụm tuyến dân cư giúp cư dân vùng lũ sản xuất bình thường trong lũ

Cũng trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, nhiều dự án công trình lớn ở miền Tây đã được khởi công xây dựng.

Đúng 10h30' ngày 25/9/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã phát lệnh khởi công dự án cầu Cần Thơ.

Tiếng búa máy vang lên giữa miền sông nước như muốn thông báo tin vui mà người dân ĐBSCL đã mong đợi từ lâu.

Sau ngày khởi công, công trường xây dựng cây cầu dây văng dài nhất khu vực Đông Nam Á trở nên nhộn nhịp, hối hả để dần hình thành nên cây cầu mơ ước của người dân miền sông nước Cửu Long.

Trước đó, cầu Rạch Miễu nối Tiền Giang và Bến Tre khởi công tháng 4/2002 và hoàn thành năm 2009 đã góp phần xóa bỏ “ốc đảo” đi lại giữa các tỉnh miền Tây với tỉnh Bến Tre.

Cầu Mỹ Thuận - Cầu treo dây văng đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam, công trình hợp tác hữu nghị Việt Nam-Australia

Cầu Mỹ Thuận - Cầu treo dây văng đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam, công trình hợp tác hữu nghị Việt Nam-Australia

Cũng trong khoảng thời gian này, nhiều công trình, dự án ở miền Tây đã khởi động như tuyến Nam sông Hậu xây dựng mới với qui mô hai làn xe, đã khởi công quí 2/2005 và hoàn thành năm 2008.

Đầu tháng 3/2005, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải là người ký Quyết định số 160 thành lập tổ liên ngành nghiên cứu cải tạo cửa Tiểu, cửa Định An và khả năng xây dựng cảng biển cho tàu có trọng tải lớn phục vụ phát triển vùng ĐBSCL.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cho rằng đây là vị Thủ tướng tiếp nối thành công công việc của người tiền nhiệm.

“Ông Khải đã có nhiều đóng góp rất lớn cho sự phát triển của vùng ĐBSCL qua chương trình phát triển kinh tế, tiếp tục chương trình phát triển Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên; các chương trình phát triển dân cư vùng lũ. Đặc biệt là chương trình phát triển cơ sở hạ tầng thông qua các quyết định của Chính phủ về quy hoạch ĐBSCL; quy hoạch tổng thể lĩnh vực xây dựng mà tiếp tục sau này là Chính phủ chỉ đạo xây dựng cho vùng có mạng lưới giao thông phát triển như hôm nay. Chúng ta có cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ. Cùng với đó, là dấu ấn sâu sắc, tầm nhìn của Thủ tướng trong trục phát triển vùng ven biển cũng như vận tải cho toàn vùng. Ngoài ra, Thủ tướng có đóng góp rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp”, ông Dũng đánh giá.

Cầu Cần Thơ đang ngày đêm góp phần vào sự phát triển của ĐBSCL và cả nước

Cầu Cần Thơ đang ngày đêm góp phần vào sự phát triển của ĐBSCL và cả nước

Đối với ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông thực sự rất may mắn được nhiều lần làm việc trực tiếp với cố Thủ tướng Phan Văn Khải và cho rằng nhận xét của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh gọi ông Khải là vị Thủ tướng kỹ trị là hoàn toàn chính xác.

Nhiệm kỳ Chính phủ do Thủ tướng Phan Văn Khải điều hành, bộ máy hành chính được vận hành theo hướng đó nên thành quả không chỉ ở cấp trung ương mà ở địa phương tỉnh nào cũng có, riêng ở An Giang là rất rõ.

“Về cơ chế, Thủ tướng Phan Văn Khải là người tạo điều kiện cho địa phương khi làm việc với các Bộ ngành. Thủ tướng đã chủ trương Bộ trưởng phải làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh chứ không thoái thác cấp phó. Như vậy tôi thấy rằng công việc tốt hơn. Mối quan hệ giữa Bộ ngành và địa phương có khăng khít hơn và tôn trọng nhau hơn. Đó là cải cách về thể chế, đem lại hiệu quả rõ”, ông Nhị nhận xét.

Thể hiện sự tiếc thương khi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã mãi mãi ra đi, ông Nguyễn Chánh Trực (nguyên Trưởng phòng Công tác Chính trị Công an tỉnh Cà Mau) cho rằng, trong công việc, ai cũng phải ghi nhận công lao to lớn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã vực dậy kinh tế đất nước ở giai đoạn khó khăn nhất.

Những chính sách cải cách, xóa bỏ những thủ tục nhiêu khê đã giúp kinh tế đất nước phát triển vượt bậc trong đó có tỉnh Cà Mau. Đặc biệt, người dân Cà Mau sẽ nhớ mãi bác Sáu Khải về những dấu ấn ông để lại dấu ấn đậm nét ở dự án chủ lực kinh tế hiện tại của tỉnh là Khí - Điện - Đạm.

Mới chỉ hai lần được trực tiếp trò chuyện khi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về công tác tại Cà Mau nhưng ông Trực mãi không quên sự bình dị, chân chất của đứng đầu Chính phủ giai đoạn 1997 - 2006. Không chỉ hỏi thăm công việc, mà vị Thủ tướng không quên thăm hỏi gia đình, người thân.

Vĩnh biệt ông! Một nhà lãnh đạo tài, đức vẹn toàn. Người hết sức quan tâm đến sự ổn định của nền kinh tế; đồng thời luôn chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, luôn trăn trở với thời cuộc với mong muốn thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Nhân dân sẽ luôn nhớ ông – Thủ tướng có tư tưởng cải cách, hội nhập, dẫn dắt Việt Nam bước qua thời kỳ khủng hoảng, đạt tăng trưởng ấn tượng trong gần 9 năm lãnh đạo Chính phủ./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết