Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, tính chất cá nhân hóa thể hiện ở chỗ một người hoặc một nhóm người có thể tự tạo cho mình một kênh thông tin có tính chất báo chí với nhiều thể loại tác phẩm tương tự báo chí. Không ít người đã ngộ nhận đó là các kênh, chương trình truyền hình chính thống.
Dễ nhận thức sai lầm
Một số tổ chức và cá nhân đã thực hiện, sản xuất các sản phẩm để phát trên mạng xã hội như tin tức, phóng sự, phỏng vấn, phim tài liệu… Tuy nhiên, loại chương trình này, dù có nhiều điểm giống với những chương trình do các đài truyền hình sản xuất thì vẫn không phải mang tính báo chí và các kênh đó cũng không phải là báo chí.
Trước hết, về nền tảng công nghệ, nhiều mạng xã hội không thể kiểm soát được tất cả nội dung đăng, phát; càng không thể quản lý được các chương trình bằng tiếng Việt được phát hướng đến đối tượng khán giả là người Việt. Do đó, việc chịu trách nhiệm về nội dung đăng, phát gần như bị bỏ ngỏ. Chỉ khi nào có yếu tố "vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng" - như liên quan bạo lực, tính dục; phân biệt tôn giáo, sắc tộc… hoặc do cơ quan chức năng của Việt Nam lên tiếng đấu tranh - thì trang chủ mới có động thái gỡ hoặc đóng trang.
Thông tin trên mạng xã hội rất phong phú nhưng rất khó để kiểm chứng tính chính xác của nội dung. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chẳng hạn, trang của người mang tên "Khá Bảnh", "Dương Minh Tuyền"… từng đình đám nhưng có nội dung rất xấu. Các trang này chỉ bị rút khỏi YouTube khi có sự đấu tranh của cơ quan chức năng nước ta về tính chất vi phạm pháp luật, kích động bạo lực.
Hay như hằng ngày, rất nhiều video phát trên mạng xã hội cung cấp thông tin xung đột giữa Nga và Ukraine với hình ảnh khá sinh động. Còn nội dung có đúng hay không, quan điểm chính trị ra sao, mục tiêu dẫn dắt người xem đi đến nhận thức như thế nào… lại là chuyện khác.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các chương trình này thường do một nhóm người, cá nhân hoặc tổ chức không chính thức thực hiện. Mức độ bảo đảm về tính pháp lý, tính chính xác, tính trung thực gần như ít được xem xét.
Người ta có thể làm một chương trình hệt như chương trình thời sự của đài truyền hình - cũng có phóng viên, phát thanh viên, biên tập viên, người dẫn chương trình… nhưng đó là họ tự "phong" chứ không được cơ quan chức năng công nhận hay cấp phép. Do đó, có những chương trình do cá nhân hoặc nhóm cá nhân ở nước ngoài sản xuất, đăng tải nói về tình hình trong nước với nhiều thông tin có thật (do lấy từ báo chí trong nước), rồi lồng ghép các thông tin lượm lặt (kiểu "có tin đồn", "có ý kiến cho biết" hay theo người nào đó không thể xác định) hoặc ý kiến suy diễn sai trái, có thể dẫn dắt người xem đi đến nhận thức sai lầm.
Ngay cả một số kênh, chương trình mang nội dung cung cấp kiến thức, tư vấn…, nếu không do cơ quan chức năng tổ chức sản xuất và đăng tải thì tính xác thực, độ tin cậy cũng rất khó bảo đảm. Chẳng hạn, có YouTuber chuyên kể "chuyện ma" khiến một số em nhỏ bị ảnh hưởng tâm lý, nhận thức, hành vi… một cách lâu dài, song ít có căn cứ để xử lý người sản xuất.
Cần kiểm soát chặt
Trên mạng xã hội có một số nội dung ngụy tạo, dụng ý là xuyên tạc tình hình trong nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây chia rẽ giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân, bịa đặt nhằm công kích các vị lãnh đạo… với những thông tin lập lờ.
Dạng thường thấy là thông tin về một vụ việc có thật được gắn với hành vi sai trái của một số quan chức, dù những điều đó được dẫn dắt theo hình thức ngụy biện, gán ghép phi lý hoặc cắt ghép, suy diễn, ngụy tạo thông tin… Việc này có thể làm một số người, do thiếu thông tin hoặc hạn chế về nhận thức chính trị, tin là thật.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ trong 1 tháng - từ ngày 15/8 đến 14/9/2023, Google đã gỡ 380 video vi phạm trên YouTube; đặc biệt là xóa 7 kênh có nội dung chống phá Đảng và Nhà nước ta, chứa khoảng 23.733 video. Như vậy, mỗi năm có bao nhiêu clip, bao nhiêu thông tin sai trái đến với công chúng, rồi tiếp tục được dẫn lại, lan truyền rộng rãi?
Có thể nói, thông tin trên mạng xã hội có cả "vàng" và "cám", kể cả "vàng lẫn cám" - "vàng" thì ít mà "cám" thì nhiều. Không phải người xem nào cũng đủ thông tin, kiến thức và nhận thức để phân biệt đâu là đúng - sai, hay - dở, xây dựng - chống phá…
Do đó, cơ quan chức năng cần tích cực nắm bắt, kiểm soát các kênh, chương trình trên mạng xã hội để liên hệ, thậm chí đấu tranh với ban điều hành mạng xã hội ấy nhằm gỡ, khóa trang, chương trình có nội dung sai trái, lệch lạc. Mặt khác, cần có nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn để người dân có kiến thức, nhận thức khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội.
Từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể… cần có các biện pháp giáo dục, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên nâng cao cảnh giác trước những trang, chương trình không rõ nguồn gốc, nội dung không rõ ràng, có biểu hiện nghi vấn hoặc thể hiện dụng ý xấu.
Ngoài ra, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi phát hiện trang mạng xã hội có nội dung sai trái, lệch lạc thì cần đấu tranh mạnh mẽ; đồng thời báo cáo với tổ chức, lãnh đạo cơ quan, đơn vị mình công tác để có biện pháp đấu tranh hiệu quả./.
Xem xét tính chân thực, hợp lý
Kể cả một số kênh hay c hương trình với danh nghĩa thực hiện công tác xã hội - từ thiện, về hình thức là giới thiệu những hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng nhưng ít khi được xem xét tính chân thực, hợp lý, hợp pháp về nội dung. Câu chuyện có thật không, việc ủng hộ đó có bị lợi dụng không, người thực hiện có dụng ý gì khác không hay việc khiếu nại, phản ánh về tính chính xác (nếu có) thì gửi đến địa chỉ nào...?
Trên thực tế, những kênh sản xuất các chương trình loại này không hiếm và cũng từng có nhiều ý kiến phê phán về tính khách quan, chính xác.
|
|
Hiện nay, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng với nhiều hình thức, ngày càng tinh vi, thường nhắm đến người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng.
|
Theo nld.com.vn
Nguồn:https://nld.com.vn/canh-giac-voi-thong-tin-tren-mang-196240721201043618.htm