Tiếng Việt | English

13/12/2024 - 09:07

Đẩy mạnh liên kết giúp nông dân an tâm sản xuất

Thời gian qua, các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) dần khẳng định vai trò tích cực trong việc liên kết giữa các hộ nhỏ, lẻ để hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn. Nhiều HTX cũng tạo lập được các mối liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp (DN) trong sản xuất, kinh doanh, ổn định đầu ra sản phẩm và phát triển chuỗi giá trị.

Ổn định đầu ra sản phẩm

Những ngày đầu thành lập, HTXNN Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra sản phẩm, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Tuy nhiên, nhờ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất nên các sản phẩm của HTX ngày càng đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị để không ngừng đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất phục vụ sản xuất, kinh doanh

Giám đốc HTXNN Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Để vượt qua khó khăn, HTX đổi mới phương thức kinh doanh, tìm hiểu nhu cầu thị trường, có kế hoạch kinh doanh phù hợp điều kiện thực tế hiện nay. Ngoài ra, HTX còn tập trung đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị để không ngừng đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đến nay, sản phẩm của HTX có mặt tại nhiều nơi trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Bình quân hàng năm, HTX cung cấp cho các siêu thị và chuỗi bếp ăn công nghiệp 1.500 tấn rau, củ, quả các loại, doanh thu đạt khoảng 15 tỉ đồng”.

Để quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng, HTX đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia giới thiệu sản phẩm tại các trang thương mại điện tử; đồng thời, liên kết với những bên trung gian để không ngừng đưa sản phẩm vươn xa. HTX đã đăng ký nhãn hiệu và truy xuất nguồn gốc, có tem nhãn riêng cho các sản phẩm.

Ông Châu Văn Xuân - thành viên HTXNN Mỹ Thạnh, chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi canh tác theo truyền thống nên thu nhập bấp bênh, giá cả không ổn định. Từ khi tham gia HTX, chúng tôi được hướng dẫn về kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất như hệ thống tưới tự động, sử dụng phân bón hữu cơ để sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi thu hoạch, sản phẩm được HTX hỗ trợ tiêu thụ. Sản phẩm chất lượng nên giá bán cao hơn, bảo đảm được đầu ra cũng như lợi nhuận”.

Qua 6 năm xây dựng và phát triển, HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) đạt kết quả khả quan, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ trong canh tác. Quy trình sản xuất lúa khép kín từ dịch vụ, đầu vào và liên kết đầu ra, xây dựng quy trình sản xuất bền vững.

Hợp tác xã Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (huyện Vĩnh Hưng) đầu tư máy móc, thiết bị đưa vào sản xuất để giảm giá thành

Giám đốc HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm - Bùi Văn Tuấn thông tin: "Từ một vùng sản xuất nhỏ, lẻ, lạc hậu, các thành viên đồng lòng xây dựng trạm bơm điện, máy móc, thiết bị đưa vào sản xuất. Đến nay, HTX xây dựng hoàn chỉnh quy trình sản xuất, hiện đại, cơ giới và nhất là quy trình sản xuất an toàn, khép kín 100% cho thành viên. Hiện HTX xây dựng thành công mô hình liên kết sản xuất khép kín theo chuỗi từ liên kết đầu vào đến bao tiêu sản phẩm. Về đầu vào, HTX liên kết với các công ty (Cty) (Tập đoàn An Nông, Tập đoàn Con Cò Vàng) và nội lực của thành viên; HTX (dịch vụ bơm tưới, làm đất, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân và thu hoạch,...); các Cty liên kết (vốn hỗ trợ đầu tư sản xuất, đầu tư đối ứng giống, phân bón, thuốc, nhiên liệu,...) bảo đảm đầu vào cho thành viên và vùng sản xuất gần 500ha lúa chất lượng cao. Về đầu ra, HTX liên kết với các Cty như Cty TNHH Olam Agri Việt Nam, Cty Farm Angle,...

Cần thay đổi tư duy

Thông tin từ Liên minh HTX tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 249 HTXNN (40 HTX ngưng hoạt động), tổng vốn điều lệ hơn 282 tỉ đồng với 5.328 thành viên. Các HTX hoạt động khá đa dạng như cung cấp dịch vụ nông nghiệp (làm đất, bơm nước, thu hoạch lúa,...); mua bán vật tư nông nghiệp, nông sản; tham gia sản xuất (rau an toàn, lúa giống, lúa thịt, thanh long, chanh, khoai mỡ, chăn nuôi gia súc, gia cầm). Phần lớn các HTX đều thực hiện vai trò làm "cầu nối" cho thành viên các dịch vụ như cung ứng giống, cây trồng, vật tư nông nghiệp,... theo hình thức mua chung, bán chung, chia sẻ kỹ thuật sản xuất, liên kết sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm.

Toàn tỉnh có 209 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động (Trong ảnh: Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước))

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh - Trần Quốc Toản cho biết: "Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh chủ động cùng các ngành tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi liên quan đến khu vực kinh tế tập thể; hỗ trợ, tư vấn những chính sách ưu đãi cho khu vực kinh tế tập thể, các HTX bằng nhiều hình thức; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, tổ hợp tác thành lập các HTX, liên hiệp HTX kiểu mới, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên, giúp đỡ các HTX thực hiện các dịch vụ, đầu tư khoa học - công nghệ, thông tin thị trường, kết nối cung - cầu giữa HTX với HTX, HTX với DN trong, ngoài tỉnh và các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ các HTX cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, hỗ trợ pháp lý và các giải pháp phát triển kinh tế tập thể”.

Thời gian qua, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa DN, HTX và nông dân phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, các chuỗi liên kết sản xuất vẫn còn nhiều hạn chế như tỷ lệ các hộ tham gia liên kết sản xuất thấp so với mặt bằng sản xuất chung. Mối liên kết giữa nông dân, DN và nhà phân phối trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vẫn còn lỏng lẻo, sản phẩm chưa tiêu thụ được nhiều. Nguyên nhân là quy mô liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhỏ, không tập trung. Hoạt động của các HTX, DN trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn thụ động, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước, chưa có chiến lược rõ ràng, định hướng cụ thể.

Theo ông Trần Quốc Toản, để thúc đẩy liên kết giữa DN, HTX và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp các địa phương tổ chức xúc tiến việc liên doanh, liên kết giữa DN với HTX sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; kết nối giữa DN và nông dân trong việc thu mua, phân phối, tiêu thụ sản phẩm đầu ra thông qua hợp đồng hợp tác giữa DN với HTX kiểu mới, nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững, khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy làm” và bị thương lái ép giá ở các địa phương./.

Thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản

Thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản 

Việc đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết


XSMN t2 trực tiếp