Không mở rộng ồ ạt
Vài năm qua, diện tích sầu riêng của tỉnh tăng khá nhanh, trong đó, phần lớn do người dân trồng một cách tự phát. Điều này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là mất cân đối về cung, cầu. Song, do giá sầu riêng vẫn ở mức khá ổn định, người trồng có lãi cao nên nhiều nông dân tìm cách chuyển đổi, mở rộng diện tích sầu riêng để nâng cao thu nhập.
Sầu riêng là loại cây được đánh giá cao về chất lượng và hiệu quả kinh tế
Gia đình ông Nguyễn Văn Đẹp (xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) có trên 7ha đất vườn. Năm nay, ông tính sẽ trồng khoảng 2ha sầu riêng. Hiện ông đã mua cây giống. Theo ông Đẹp, trước khi chọn trồng cây sầu riêng, ông đã đi tham quan nhiều vườn trong khu vực lân cận. Đồng thời, ông gặp gỡ các thương lái chuyên thu mua, xuất khẩu sầu riêng trong, ngoài tỉnh để được hướng dẫn về kỹ thuật trồng và tìm hiểu về đầu ra của sản phẩm. Ông Đẹp chia sẻ: “Thị trường sầu riêng hiện nay khá khả quan. Do đó, tôi mạnh dạn đầu tư trên 1 tỉ đồng để xuống giống loại cây trồng này”.
Còn ông Bùi Văn Thiện (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) cũng chuẩn bị xuống giống thêm trên 100 gốc sầu riêng trên diện tích đất trồng mít của gia đình. Ông Thiện cho biết, sầu riêng là loại cây trồng cho năng suất, giá cả ổn định nhất trong những năm gần đây. Vụ mùa vừa rồi, với 1ha sầu riêng trồng xen, ông đã thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng, gấp gần 5 lần so với mít.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sầu riêng là một trong những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, diện tích sầu riêng tăng khá nhanh với khoảng 438ha (tăng khoảng 211ha so với năm 2021), tập trung nhiều ở các huyện: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng,...
Theo ghi nhận của ngành chức năng tỉnh, nhiều địa phương đang có xu hướng mở rộng trồng mới sầu riêng ở những vùng không có lợi thế. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro trong sản xuất, ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu và hiệu quả sản xuất của cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh. Do đó, ngành chức năng tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, nguồn nước không phù hợp.
Mặt khác, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy quy mô lớn chế biến các sản phẩm từ trái cây, trong đó có sầu riêng. Sầu riêng đến mùa thường được tiêu thụ dưới dạng tươi nên khi tiêu thụ bị chậm hoặc gián đoạn sẽ gây thiệt hại lớn cho nông dân. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường thông tin, Chi cục đã phối hợp các địa phương khuyến cáo nông dân nên thận trọng trong việc mở rộng diện tích sầu riêng. Đồng thời, Chi cục cũng cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ các địa phương, nông dân tiếp cận và áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả cây sầu riêng.
Hướng đến chuẩn hóa các vùng trồng sầu riêng
Sầu riêng được trồng trên địa bàn tỉnh được ngành chức năng đánh giá là có chất lượng tốt, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên, các diện tích canh tác sầu riêng hiện nay còn manh mún, nhỏ, lẻ, thiếu liên kết theo chuỗi. Sản phẩm sầu riêng của tỉnh xuất khẩu còn khá hạn chế do chưa có nhiều doanh nghiệp lớn bao tiêu, thu mua.
Bên cạnh đó, người trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh vẫn còn canh tác bằng kinh nghiệm, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất còn hạn chế. Phần lớn người dân chưa có thói quen lưu giữ, ghi chép nhật ký quá trình sản xuất sầu riêng; chưa được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Đây là những vấn đề đang được đặt ra, cần sớm có hướng khắc phục để sầu riêng có thể xuất khẩu chính ngạch. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 30ha sầu riêng được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và tất cả diện tích này đều nằm ở xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh.
Nông dân mong muốn được hỗ trợ kỹ thuật canh tác sầu riêng
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập - Trần Minh Nghĩa cho biết, các diện tích sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc được trồng trong vùng quy hoạch phát triển cây sầu riêng của huyện. Đồng thời, người trồng sầu riêng đã áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, bao gồm giám sát sinh vật gây hại, phòng trừ sâu, bệnh bằng chất sinh học và các biện pháp canh tác an toàn,…
Được biết, tất cả vùng trồng sầu riêng phải lưu giữ hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật dịch hại. Hồ sơ này sẽ được cung cấp cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc khi có yêu cầu. Hồ sơ phòng trừ sinh vật gây hại bằng biện pháp hóa học phải ghi các thông tin cụ thể bao gồm tên thuốc, hoạt chất, ngày sử dụng và liều lượng sử dụng trong quá trình canh tác,...
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, nguyên nhân chính dẫn đến nhiều diện tích sầu riêng của tỉnh chưa được cấp mã số vùng trồng là do nông dân trồng sầu riêng chưa đáp ứng được những yêu cầu của nước nhập. Do đó, hiện nay, ngành Nông nghiệp tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các khâu an toàn trong sản xuất, đóng gói sầu riêng. Đồng thời, tăng cường tập huấn, truyền thông các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, trong đó, chú trọng hướng dẫn các tổ chức, cá nhân áp dụng đúng quy trình canh tác, ghi chép hồ sơ, nhật ký trong quá trình sản xuất để phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất, hình thành các vùng trồng sầu riêng tập trung, quy mô lớn, bảo đảm tiêu chuẩn để cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu./.
Bùi Tùng