Tiếng Việt | English

02/03/2016 - 09:05

Để có mùa lễ hội vui tươi, lành mạnh

Là một trong những tỉnh có nhiều hoạt động lễ hội diễn ra vào tháng Giêng âm lịch hằng năm nên Long An luôn chú trọng đến công tác tổ chức, quản lý lễ hội. Phóng viên Long An online có trao đổi với Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) – Phạm Văn Trấn về công tác tổ chức, quản lý lễ hội trong năm 2016.

Lễ hội Làm Chay thu hút nhiều người tham dự

PV: Thưa ông, Long An là 1 trong 8 tỉnh được Bộ VH-TT&DL xếp loại A về công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Ông có thể cho biết kinh nghiệm về công tác này trong những mùa lễ hội vừa qua?

- Ông Phạm Văn Trấn: Với vai trò là cơ quan chủ quản về quản lý hoạt động này ở địa phương, Sở VH-TT&DL đã quán triệt các văn bản chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh về công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội hàng năm.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp với chính quyền, các cơ quan liên quan tăng cường công tác giáo dục, quảng bá giá trị lịch sử - văn hóa của lễ hội; thông tin, tuyên truyền, quán triệt sâu rộng về việc thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt là Chỉ thị số 265/CT-BVHTTDL ngày 18-12-2012 của Bộ VH-TT&DL về tăng cường quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội; Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 18-6-2013 của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đặc biệt là Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22-12-2015 quy định về tổ chức lễ hội mà Bộ VH-TT&DL vừa ban hành, có hiệu lực từ ngày 5-2-2016.

Xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động lễ hội, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động lễ hội.

PV: Bên cạnh những mặt tích cực, ông có thể đánh giá thêm những vấn đề tồn tại ở các lễ hội?

- Ông Phạm Văn Trấn: Về phía các tổ chức tự quản quản lý và tổ chức lễ hội, một vài nơi cũng chưa làm tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự, kiểm soát chưa tốt và triệt để việc đốt vàng mã, an toàn vệ sinh thực phẩm,…

Phía cộng đồng, vẫn còn tình trạng càn quấy hay nói tục, ăn mặc gây phản cảm, chiếm dụng không gian, tổ chức ăn nhậu,… ở một số nơi. Một số người đi lễ nhằm mục đích cầu tài cho bản thân, tìm sự hỗ trợ của thần thánh chứ chưa hẳn để tìm về cội nguồn, tôn vinh tiền nhân, đề đạt nguyện vọng, tâm linh hướng đến “quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh”.

PV: Ngành VH-TT&DL làm gì để khắc phục những hạn chế nêu trên, thưa ông?

- Ông Phạm Văn Trấn: Do tính chất văn hóa - tâm linh nên bên cạnh tạo môi trường pháp lý với những giải pháp quản lý chặt chẽ, khoa học, nhằm khắc phục tình trạng trên, nhất là đối với cộng đồng, việc tuyên truyền, giáo dục cộng đồng hướng đến giá trị đích thực của lễ hội để mỗi cá nhân ứng xử đúng đắn, điều chỉnh hành vi của mình sao cho hài hòa, phù hợp với đời sống văn hóa đương đại, là giải pháp hàng đầu để xây dựng văn hóa lễ hội.

PV: Xin ông cho biết thêm những biện pháp trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội của ngành trong năm 2016?

- Ông Phạm Văn Trấn: Chúng tôi tăng cường quán triệt Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL quy định về tổ chức lễ hội, để các chủ thể quản lý, từ Nhà nước đến cộng đồng thông suốt, nhằm tránh sai lệch trong việc tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội (đặc biệt là các lễ hội được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia), phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa dân tộc, địa phương và tuân thủ Quy chế tổ chức lễ hội; bảo đảm an toàn, tiết kiệm, an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh và bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, đồ trang trí trong di tích không rõ nguồn gốc xuất xứ,…

Về lâu dài, chúng tôi đang giao cho các cơ quan chức năng tiến hành nghiên cứu các đề tài về di sản văn hóa phi vật thể, trong đó tập trung vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống. Đặc biệt quan tâm nghiên cứu các mô hình khả thi về quản lý lễ hội truyền thống với quan điểm nâng cao, phát huy vai trò tự quản của cộng đồng, vai trò làm chủ của nhân dân, đồng thời với sự quản lý, điều tiết hợp lý của Nhà nước. Đây là xu thế hiện nay về quản lý lễ hội ở nước ta với ưu điểm là khai thác tiềm năng to lớn từ nguồn lực xã hội cho lễ hội, đồng thời tránh làm sai lệch di sản./.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết