Tiếng Việt | English

23/11/2023 - 11:25

Đề nghị rà soát lại đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để bảo đảm tính khả thi  

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An phát biểu tại phiên thảo luận

Tham gia đóng góp đối với dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhằm đảm bảo tính khả thi và bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động.

Theo đại biểu Uyên, việc sửa đổi Luật BHXH hiện hành là hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng, kịp thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật BHXH hiện hành. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện hơn dự thảo Luật, điều chỉnh kịp thời các quan hệ phát sinh từ thực tiễn, đại biểu Uyên đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh một số quy định cụ thể sau:

Thứ nhất, về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, đại biểu Uyên thống nhất cao với việc tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3 của dự thảo luật về mở rộng: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả trường hợp hai bên không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, trừ hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động. Vì quy định này rất khó triển khai trong thực tế và không thể áp dụng một cách triệt để hiệu quả, bởi thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp lao động đặc thù mà không có giao kết hợp động lao động, không xác định được tiền lương, tiền công ổn định hàng tháng làm cơ sở cho việc đóng BHXH bắt buộc hay BHXH tự nguyện (như lao động theo giá trị sản phẩm, lao động thời vụ, lao động giản đơn theo công việc,…). Do đó, dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ hơn về nhóm đối tượng này khi đưa vào đối tượng đóng BHXH bắt buộc để bảo đảm tính khả thi và bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động.

Thứ hai, để bảo đảm thống nhất với Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP, ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự, đại biểu Uyên đề nghị, bổ sung quy định “kê khai BHXH là việc người sử dụng lao động, người lao động cung cấp thông tin, số liệu, hồ sơ liên quan đến những thay đổi, biến động hàng tháng về đối tượng, căn cứ đóng BHXH theo quy định của pháp luật cho cơ quan BHXH” vào Điều 4 Dự thảo Luật.

Việc bổ sung này nhằm làm rõ thêm trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH lần đầu và cập nhật sự thay đổi trong quá trình tham gia BHXH, lập hồ sơ thủ tục theo quy định tại Luật BHXH, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, thuận tiện, thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Thứ ba, về tổ chức thực hiện BHXH tại khoản 1 Điều 93 Luật BHXH năm 2014 quy định: “Cơ quan BHXH là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách BHXH, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thanh tra việc đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này”. Thời gian qua, cơ quan BHXH đã và đang đảm nhận rất tốt nhiệm vụ này thể hiện qua kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển đối tượng, mở rộng diện bao phủ, tổ chức giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; giảm thiểu tối đa thủ tục hồ sơ, giấy tờ, tạo điều kiện người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính hoàn toàn trên môi trường mạng ở cấp độ toàn trình.

Từ thực tiễn trên, đại biểu Uyên đề nghị, Ban soạn thảo cần kế thừa những quy định hiện hành vào Điều 15 của dự thảo Luật, tránh những sửa đổi không cần thiết, không trọng tâm, trọng điểm, sửa Luật lần này cần tập trung vào việc mở rộng diện bao phủ BHXH, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, BHXH một lần, tăng cường cải cách hành chính để người dân dễ tiếp cận và thụ hưởng chính sách.

Thứ tư, về xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, đại biểu Uyên thống nhất cao với quy định tại khoản 2 Điều 37: “ Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng”. Vì thực tế trong thời gian qua đã có một số doanh nghiệp chỉ đóng BHXH khi có thanh tra, kiểm tra, sau đó tiếp tục chậm đóng hoặc cố tình vi phạm, không thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính nên quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo kịp thời.

Thứ năm, về điều kiện hưởng lương hưu, đại biểu Uyên thống nhất với quy định giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm tại khoản 1 Điều 64 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn về mức lương hưu của những người này sẽ khá thấp, trong khi dự thảo Luật lại bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu của Luật hiện hành.

Từ đó, đại biểu Uyên đề nghị, Ban soạn thảo cần quy định hợp lý hơn trên cơ sở áp dụng cách tính lương hưu có tính chia sẻ để đối tượng này được hưởng lương hưu ở mức cao hơn. Điều này cũng phù hợp với cải cách hệ thống BHXH đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng - chia sẽ - bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII của Đảng.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội

Ngoài ra, đại biểu Uyên đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về giải quyết chế độ, chính sách BHXH cho người lao động đối với trường hợp doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; đơn vị đang làm thủ tục giải thể; đơn vị đã phá sản; đơn vị không có người đại diện theo pháp luật,... không còn tài sản, nguồn tài chính để trả tiền chậm đóng BHXH. Vì thực tế số tiền chậm đóng đã tồn tại từ nhiều năm qua, không thể giải quyết do nhiều doanh nghiệp đã dừng hoạt động lâu dài, không xử lý được trách nhiệm của cá nhân và pháp nhân. Và lỗi này không phải là của người lao động mà do chưa xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm và trách nhiệm của người sử dụng lao động vi phạm pháp luật khi không đóng đủ BHXH cho người lao động nên không thể giải quyết các chế độ BHXH như ốm đau, thai sản, hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động cho người lao động.

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024 thì dự thảo Luật BHXH sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới./.

Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết