Phải quản lý tốt
Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) - Nguyễn Thị Ngọc Điệp cho biết, để việc DTHT đi vào nền nếp, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, sở thực hiện Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, ngày 16/05/2012 của Bộ GD&ĐT và Quyết định số 44/2015/QĐ-UBND, ngày 18/09/2015 UBND tỉnh. Hiện nay, sở cấp phép cho 52 điểm DTHT trong nhà trường và 81 điểm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, việc DTHT vẫn còn là vấn đề nan giải của ngành giáo dục hiện nay.
Phụ huynh cho rằng, việc dạy thêm, học thêm không xấu và nên tổ chức trong nhà trường là tốt nhất
Có thể nói, nhiều năm qua, việc DTHT được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, rất nhiều ý kiến đồng tình với việc không cấm DTHT nhưng ngành giáo dục và địa phương phải phối hợp trong kiểm tra, giám sát sao cho không để đi ngược lại những quy định chung của ngành, tránh xảy ra tiêu cực.
Chị Nguyễn Thị Thanh, ở xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An - phụ huynh học sinh lớp 11, Trường THPT Tân An, cho biết, trước đây con chị có học lực trung bình ở môn Toán và Lý. Chị tìm giáo viên cho con học thêm để được hướng dẫn củng cố kiến thức và cách giải các bài tập,... bởi số tiết học ở lớp quá ít, học sinh đông nên giáo viên khó có thể hướng dẫn từng em như ở nhóm học thêm. Đến nay, điểm số của con chị qua các lần kiểm tra đã tốt hơn. Cách chọn giáo viên cho con học thêm của chị Thanh là không học giáo viên đứng lớp mà chọn giáo viên có kinh nghiệm, tận tâm với học sinh.
Qua tìm hiểu, cảm nghĩ chung về học thêm của học sinh: Học thêm để nâng cao kiến thức, đem lại điểm cao, được giáo viên đứng lớp gợi ý học thêm,... Nói về DTHT, phụ huynh cho biết, học sinh không còn thời gian tự học, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần, gánh nặng về kinh tế,... Thế nhưng thực tế, không ít phụ huynh vì vừa muốn con mình học giỏi, vừa có điểm số tốt và không “mất lòng” giáo viên đứng lớp, đành “bấm bụng” cho con học thêm; mỗi môn học: Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh, phụ huynh cho con học thêm đến 2 giáo viên - 1 là giáo viên đứng lớp và 1 là điểm dạy thêm có thầy cô nhiều kinh nghiệm và dạy giỏi. Đối với những trường hợp này, ngoài những giờ lên lớp ở trường thì học sinh mất khá nhiều thời gian cho việc học thêm.
Nói về trách nhiệm của nhà trường trong việc DTHT, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Trụ - Hoàng Xuân Cường cho biết, đầu năm học, Ban Giám hiệu phổ biến đến giáo viên, phụ huynh và học sinh những quy định cụ thể về việc DTHT; công khai số điện thoại Sở Giáo dục và Đào tạo, trường để phụ huynh có nơi phản ánh những tiêu cực. Ngoài ra, nhà trường có Ban Quản lý DTHT nhằm kiểm tra, giám sát giáo viên; giáo viên chỉ được dạy thêm ở những nơi có giấy phép và được sự đồng ý của nhà trường. Với những quy định này, ban đầu, một vài giáo viên có biểu hiện chấp hành chưa tốt nhưng đến giờ, trường không phát hiện những tiêu cực xung quanh việc DTHT.
Tổ chức dạy 2 buổi/ngày
Đến thời điểm này, Trường THCS Lý Tự Trọng, phường 4, TP.Tân An tổ chức việc dạy và học 2 buổi/ngày bước vào năm học thứ 6. Theo đánh giá từ lãnh đạo Sở GD&ĐT, cách tổ chức dạy và học như thế này khá hiệu quả và giảm hẳn tình trạng DTHT tràn lan ngoài nhà trường.
Hiệu trưởng trường - cô Nguyễn Thị Thanh Tân cho biết, toàn trường có gần 1.000 học sinh ở 4 khối lớp và tất cả đều được học 2 buổi/ngày. Buổi sáng, học sinh học chương trình chính khóa. Buổi chiều, đối với học sinh có học lực giỏi, có năng khiếu được bồi dưỡng chương trình nâng cao để đào tạo đội tuyển học sinh giỏi; đối với học sinh có học lực khá trở xuống được ôn lại những kiến thức cơ bản về lý thuyết và kỹ năng giải các bài tập ở các môn học: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lý, Hóa.
Ngoài ra, để tránh tình trạng giáo viên của trường dạy thêm bên ngoài, Ban Giám hiệu không ký giấy phép xin dạy thêm cho bất kỳ giáo viên nào. Tham khảo ý kiến phụ huynh, đa số đều đồng tình cao việc dạy học 2 buổi/ngày, dạy thêm trong nhà trường, bởi họ yên tâm khi cho con đến trường.
Trên thực tế, DTHT không phải là việc làm xấu. Nói cách khác, DTHT là nhu cầu tích cực của nhà trường, giáo viên và cần được tập trung vào 2 đối tượng chính. Đó là học sinh có năng khiếu được bồi dưỡng để phát huy khả năng, tham gia thi học sinh giỏi và học sinh chưa nắm vững kiến thức được phụ đạo để bảo đảm theo kịp các bạn trong lớp.
Đây là nhu cầu có thật của xã hội học tập. Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Điệp: “Việc DTHT trên địa bàn tỉnh tập trung nhiều ở vùng đô thị, thị trấn. Từ đầu năm học đến nay, Sở GD&ĐT thường xuyên phối hợp địa phương kiểm tra nhiều cơ sở nhưng chưa phát hiện vi phạm. Mong muốn của Sở GD&ĐT là chấn chỉnh những điểm dạy không đúng quy định và chấm dứt tình trạng “biến tướng” của DTHT”./.
Mai Hương