Tiếp tục chương trình Phiên họp 25, sáng nay 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, Dự thảo Luật bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; Đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội
Một trong những chính sách được Chính phủ đề xuất là bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, trong đó quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của NSNN từng thời kỳ.
Chính phủ cho biết, việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế thêm khoảng 800.000 đến 1 triệu người.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung
Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, còn 2 loại ý kiến khác nhau. Ý kiến tán thành cho rằng, quy định trên là phù hợp, nhằm hướng tới bảo đảm an sinh xã hội trên diện rộng. Ý kiến ở chiều ngược lại đánh giá, quy định này chưa thực sự phù hợp với nguyên lý của bảo hiểm là đóng - hưởng và bù đắp thu nhập.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội và một số ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia thẩm tra, góp ý đối với dự án Luật, nhất trí việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ. Các cơ quan cho rằng, đây là một trong những giải pháp góp phần hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân, phù hợp với thông lệ và kinh nghiệm quốc tế.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn tác động của chính sách này, nêu rõ phương thức chuyển kinh phí và việc thanh toán, quyết toán. Chính phủ nghiên cứu để bổ sung quy định theo hướng linh hoạt hơn việc huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm, phương thức đóng linh hoạt để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn…
Một điểm quan trọng khác, dự thảo quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước…; Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã…
“Việc bổ sung các đối tượng trên đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc; thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc”, tờ trình nhấn mạnh
Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng việc này không phải “chìa khóa” duy nhất để đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia BHXH, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Các cơ quan tham gia thẩm tra, góp ý kiến cũng đề nghị Chính phủ giải trình rõ vì sao không mở rộng đối tượng tham là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh (khoảng 3 triệu người); việc xác định người sử dụng lao động, mức đóng bảo hiểm xã hội khi bổ sung nhóm người lao động là người hoạt động không chuyên trách ở thôn và tổ dân phố, việc đảm bảo kinh phí, tác động đối với ngân sách nhà nước…
Đóng BHXH 15 năm sẽ được hưởng lương hưu
Dự thảo luật sửa đổi lần này giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm. Chính phủ cho rằng, việc này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu thay vì phải nhận BHXH một lần.
Theo số liệu thống kê, trong 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, có trên 476.000 người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên; có trên 53.000 người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc; có trên 20.000 người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương.
"Việc quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng đủ 20 năm" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và cho biết Điều 71 dự thảo quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng.
Phiên họp 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, có 2 loại ý kiến. Bên cạnh ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ thì có ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định 20 năm như hiện hành để đảm bảo tiền lương hưu được nhận không quá thấp và cũng tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng, bảo đảm mức sàn an sinh xã hội nhất định.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, quy định về việc giảm số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 15 năm là phù hợp, tạo điều kiện, thu hút nhóm người lao động cao tuổi (từ 45 đến 55 tuổi), thậm chí kể cả đối với một số nhóm đối tượng đã hưởng chế độ BHXH một lần, có thể tham gia hoặc quay lại tham gia để được hưởng lương hưu.
Quy định này cũng cần thiết để khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống BHXH, góp phần thúc đẩy tính liên kết đa tầng, linh hoạt của hệ thống…
Tuy nhiên, để có cơ sở vững chắc khi lựa chọn phương án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về việc thay đổi này./.
Ngọc Thành/VOV.VN