Luật Lao động 2012 sau 5 năm đưa vào thực thi, đến nay đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Trong bối cảnh mới, hội nhập và phát triển, đặt ra những yêu cầu cấp thiết cần sửa đổi, hoàn thiện bộ luật này để khắc phục những vướng mắc tạo khung pháp lý mới, thông thoáng, linh hoạt, nâng cao năng lực cạnh tranh cho lao động Việt Nam.
Đáng chú ý, trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động lần này có các nội dung về nâng tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ giới. Theo phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất đưa vào dự thảo, tuổi nghỉ hưu của nam nâng lên thành 62 và nữ lên 60.
Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ lên 60 tuổi. (Ảnh minh họa: KT)
Trong phương án này, tuổi nghỉ hưu của nữ sẽ tăng nhiều hơn nam, tuy nhiên độ tuổi nghỉ hưu của nam giới vẫn cao hơn nữ giới.
Trao đổi bên lề Hội thảo Thúc đẩy bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ luật Lao động do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với đại sứ quán Australia tổ chức sáng qua (19/10), PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ trí thức TP Hà Nội cho rằng, vấn đề bình đẳng giới của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trên mọi lĩnh vực. Phụ nữ được tham gia, nắm giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị, kinh tế…
Tuy nhiên, để thúc đẩy bình đẳng giới, khi sửa đổi Bộ Luật Lao động, cần xem xét một cách căn cơ hơn nữa: “Tôi cho rằng cần thay đổi phương pháp tiếp cận Hiến pháp Việt Nam 2013, trong đó quy định phụ nữ và nam giới được bình đẳng trong mọi quyền lợi, trong đó có quyền làm việc. Tức phụ nữ và nam giới được quyền làm việc như nhau, tuổi bắt đầu làm việc và tuổi nghỉ hưu bằng nhau.
Hiện nay, kinh tế - xã hội phát triển, phụ nữ được đào tạo, giáo dục như nam giới. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 76, cao hơn nam giới 3 tuổi. Cơ sở khoa học nào để quy định nữ giới phải nghỉ hưu sớm hơn nam giới?
Tôi đề nghị Bộ LĐ-TB-XH nên nghiên cứu kỹ vấn đề này. Việc quy định nữ giới về hưu sớm hơn nam giới sẽ cản trở sự phát triển của phụ nữ. Nếu muốn ưu tiên, có thể ưu tiên về số năm đóng BHXH để được hưởng tối đa chế độ khi về hưu đối với nữ. Riêng với các ngành nghề lao động nặng và độc hại, cả nam và nữ đều cần có sự ưu tiên”, bà Bùi Thị An phân tích.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội lại cho rằng, nếu quy định tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau ở mức 60 hoặc 62 tuổi chưa chắc đã là bình đẳng.
“Nên nhớ rằng phụ nữ còn thiên chức làm mẹ, làm vợ, thiên chức gia đình. Có thể họ muốn nâng tuổi nghỉ hưu bằng nhau, nhưng hiện nay vẫn đang nghiên cứu để đưa ra phương án hợp lý nhất. Có thể tuổi nghỉ hưu bằng nhau mới là bình đẳng, cũng có thể thấp hơn nhưng vẫn bảo đảm sự bình đẳng. Khi bàn về vấn đề này còn cần cân nhắc tới các yếu tố như tâm lý, sinh lý, yếu tố con người”, ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.
Cũng theo ông Lợi, quan trọng hơn cả là cần tạo điều kiện để phụ nữ được trao "quyền". “Chúng ta đang mong muốn tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau. Nhưng thực tế nên quy định cho phụ nữ có quyền được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm nay 2 năm, tùy theo lựa chọn”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng lưu ý rằng trong quá trình sửa đổi luật cần đặc biệt tiếp thu, lấy ý kiến từ nhiều nhóm lao động khác nhau để đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng.
Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB-XH cho hay, lần sửa đổi Luật Lao động này tiếp tục giữ nguyên các quan điểm về bình đẳng giới đã được thực hiện ổn định, từng bước chấp nhận và đi vào cuộc sống. Đối với những quy định chưa được thực hiện đầy đủ cần tiếp tục làm rõ, đưa ra các giải pháp, cơ chế, chính sách.
Vấn đề tuổi nghỉ hưu sẽ quy định theo hướng rút dần khoảng cách giữa nam và nữ. "Tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình để đảm bảo không gây sốc và còn liên quan đến hệ thống pháp luật, BHXH, tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần có thời gian để bố trí, sắp xếp công việc", ông Bốn nêu rõ.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ pháp chế, không nên tăng tuổi nghỉ hưu quá nhanh để tránh làm đảo lộn các quy định và ảnh hưởng tới quỹ BHXH. "Chúng tôi dự kiến sẽ có lộ trình tăng dần từ 3- 6 tháng. Ban soạn thảo sẽ phải lựa chọn phương án đảm bảo an toàn, đồng bộ với hệ thống pháp luật, BHXH và các văn bản khác, nguồn lực của quốc gia và đảm bảo sắp xếp bộ máy nói chung cũng như nguồn nhân lực cho các cơ quan tổ chức"./.
Theo VOV.VN