Tiếng Việt | English

27/01/2016 - 10:17

Điểm sáng trong tổ chức, quản lý lễ hội

Những ngày cuối năm 2015, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) công bố kết quả chấm điểm và xếp loại về công tác tổ chức, quản lý lễ hội đối với các địa phương. Long An là một trong những tỉnh được xếp loại A về công tác này.

 

Lễ hội Làm Chay – một nét đẹp thể hiện lòng thành kính của người dân đối với các bậc tiền 

Long An hiện có 406 lễ hội, tế lễ với quy mô lớn, nhỏ có tính chất khác nhau liên quan đến tín ngưỡng dân gian diễn ra tại hơn 320 đình, miếu, trong đó, có 3 lễ hội được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm: Lễ hội Làm Chay, miếu bà Ngũ hành Long Thượng, Đại lễ Kỳ yên đình Tân Phước Tây. Các lễ hội ở Long An chủ yếu diễn ra từ cuối tháng Chạp đến tháng 3 âm lịch hằng năm. 

Lễ hội Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành tồn tại trong lòng người dân suốt nhiều năm qua như một nét đẹp tín ngưỡng dân gian trong cuộc sống. Lệ Làm Chay thể hiện lòng biết ơn với các bậc tiền hiền với các hoạt động viếng bia liệt sĩ, viếng mộ nhà yêu nước Đỗ Tường Tự hay phần đề phan liệt sĩ, cúng tế liệt sĩ,… diễn ra trong ngày 14 tháng Giêng. Đặc biệt, chiêu u đường bộ, đường sông, các cổ bánh cũng là hình thức thể hiện tấm lòng thành xuất phát từ lòng tự nguyện, phát tâm phụng cúng của người dân Châu Thành.

Trong lễ hội Làm Chay, hình tượng ông Tiêu, chiếc ghe đăng và hoạt cảnh Tam Tạng thỉnh kinh, đánh động,… vốn không thể thiếu. Khi thỉnh ông Tiêu từ chùa về đình Tân Xuân, người dân đến xem đông đúc bởi khi nhìn thấy hình ảnh Tiêu diện đại sĩ ngự trên giàn hay những ngọn lửa từ hình nộm ông Tiêu trong lúc xô giàn, lòng mỗi người lại dâng lên một đức tin – tin một cuộc sống ấm no, xóm làng yên vui, hòa thuận.

Xuất phát từ lòng hướng thượng, quay về với cội nguồn để tỏ lòng thành kính, mong cầu một năm mùa màng bội thu nên lễ hội làm chay luôn thu hút hàng ngàn người trong, ngoài tỉnh về dự. Dù số lượng đông nhưng an ninh, trật tự ở lễ hội vẫn được bảo đảm. Đó là nhờ công tác tổ chức, quản lý tốt từ ngành chức năng.

Lễ hội Kỳ yên miếu bà chúa Xứ - một hình thức thể hiện tín ngưỡng thờ Mẫu

Ở các lễ hội, phần nghi lễ diễn ra theo kịch bản nguyên gốc được lưu truyền từ lâu đời và không xuất hiện yếu tố mới. Các hòm công đức đều đặt tại chính điện ở nơi thờ tự và có Ban Giám sát. Qua các lễ hội không xảy ra trường hợp đổi tiền lẻ, nạn chèo kéo, bán đồ vàng mã, ăn xin và xem bói hay tùy tiện nâng giá các dịch vụ...

Ban Tổ chức các địa phương vận động người dân hạn chế đốt vàng mã, thắp hương trong khu vực lễ hội nhằm bảo đảm vệ sinh và cảnh quan môi trường.

Ban Tổ chức các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đó là việc sắp xếp hàng quán, trông giữ các phương tiện tham gia lễ hội nghiêm túc, an toàn và bảo đảm vệ sinh. Tại các điểm tổ chức lễ hội có bố trí thùng rác công cộng và tổ chức thu gom, tiêu hủy, xử lý rác theo quy định. Còn phần hội hàng năm đều diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động thể thao, văn nghệ và trò chơi dân gian như kéo co, đập nồi đất, thi bắt vịt,...

Mùa lễ hội năm 2016 sắp đến, Long An tiếp tục duy trì việc tổ chức, quản lý việc tổ chức lễ hội để đây là một trong những điểm sáng về công tác này như Bộ VH-TT&DL đã đánh giá trong năm 2015.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Long An – Phạm Văn Trấn cho biết:

“Ngoài lễ hội Làm Chay, trong các lễ hội lớn, Sở VH-TT&DL chủ động phối hợp các cấp, các ngành cùng chính quyền địa phương xây dựng phương án bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội, gắn kết lễ hội với quảng bá di tích lịch sử - văn hóa và xúc tiến du lịch ở Long An.

Cấp ủy và chính quyền địa phương cũng quan tâm hỗ trợ mọi mặt để lễ hội diễn ra trang trọng, đúng pháp luật và đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người dân”.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết