Tiếng Việt | English

20/07/2015 - 16:50

Điện ảnh Việt: Bao giờ “chất” mới đủ bù “lượng”?

Điện ảnh Việt Nam đã trải qua hàng chục năm phát triển, nhưng nghịch lý là ở thời điểm hiện tại, khi các điều kiện làm phim đã đầy đủ hơn trước rất nhiều, thì câu hỏi làm sao để có phim hay lại trở nên đau đáu hơn bao giờ hết.

Đập cánh giữa không trung, bộ phim giành giải của Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải tại Venice

Không khó để thấy, những năm gần đây, số lượng phim Việt Nam đã bắt đầu dồi dào trở lại. Sự nở rộ của các hãng phim tư nhân là một trong những nguyên nhân chính của sự phát triển này. Mỗi một mùa Tết, phim Việt “chen chân thích cánh” ngoài rạp cùng với rất nhiều phim bom tấn nước ngoài, và không ít phim đã chứng tỏ “sức mạnh phòng vé của mình” khi công bố các con số khổng lồ về doanh thu: từ hàng tỷ đồng cho đến hàng chục tỷ đồng. Khoảng hơn hai năm trở lại đây, phim Việt bắt đầu tự tin lấn sân sang những mùa chiếu khác như vụ hè hay Giáng sinh.

Phim "Scandal - Hào quang trở lại" kín lịch chiếu rạp thời điểm mới ra mắt

Không khó để thống kê những bộ phim Việt có doanh thu ngang ngửa với phim bom tấn Mỹ chiếu cùng thời điểm ngoài rạp. Sơ sơ có thể kể đến Quả tim máu với thành tích phá vỡ mọi kỷ lục phòng vé phim Việt từ trước tới nay: 55 tỷ đồng với khoảng một triệu lượt người xem; Cô dâu đại chiến 2 với 40 tỷ đồng (khoảng 600 lượt người xem); Để Mai tính 2 thu về 42 tỷ đồng trong một tuần chiếu đầu tiên; Chàng trai năm ấy 30 tỷ đồng trong bốn ngày công chiếu đầu tiên, và mới đây nhất là Ma Dai công bố 22 tỷ đồng trong tuần đầu tiên ra rạp…

Trong danh sách phim kể trên, không khó để nhận thấy hoàn toàn là phim do các hãng tư nhân thực hiện, và đề tài chỉ thuộc một trong hai thể loại, hài hoặc kinh dị. Còn phim độc lập, phim nghệ thuật… gần như không được đề cập đến trong bảng xếp hàng phim ăn khách. Chính vì thế, mỗi một mùa Liên hoan phim Việt Nam, ban tổ chức thường rất khó khăn, đau đầu khi lựa chọn phim tranh giải. Gần như tất cả các phim được sản xuất trong thời gian quy định đều được dự thi, thậm chí có năm kể cả phim hài nhảm như “Hello cô Ba” cũng được lọt vào danh sách, chỉ bởi vì quá thiếu phim. Phim mang tính chất nghệ thuật đúng nghĩa chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đó là thực tế rõ ràng của tình trạng “chất” không đủ bù lượng của điện ảnh Việt hiện nay.

Đó có thể là một trong những lý do khiến ngày nay ngày càng ít phim nghệ thuật được thực hiện. Khán giả chỉ là một phần, nhưng không thể phủ nhận khán giả là động lực vô cùng quan trọng trong việc kích thích các nhà làm phim. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng nói: “Không phải là cứ phim nghệ thuật là không cần khán giả, chỉ là phim nghệ thuật có đối tượng khán giả của riêng mình, và đối tượng khán giả ấy hạn hẹp hơn so với khán giả phổ thông thôi”.

Khán giả thờ ơ, hãng phim quay lưng, còn nhà làm phim thì đắn đo, ngần ngại. Vậy điều gì đang xảy ra với phim nghệ thuật Việt, và phải làm sao?

Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy nói: “Làm phim không hẳn là phải được giải thưởng, có đông người xem, mà phải chạm vào dây thần kinh của đời sống xã hội đương đại. Trên trách nhiệm nghề nghiệp, đó là trách nhiệm công dân. Bất kỳ con dân Việt Nam sống trong xã hội này, bên cạnh nhận ra những cái tốt, phải tìm thấy những cái chưa hay, để chỉnh sửa, làm cho nó tốt đẹp hơn. Trong khi có quá nhiều vấn đề chúng ta bỏ ngỏ, láng tránh, thậm chí quay lưng lại”. Theo đạo diễn Trần Văn Thủy, đích cuối cùng của nghệ sĩ, nhà làm phim là phải làm được những bộ phim hay, còn không thì mọi nỗ lực chỉ là vô ích.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh

Còn đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ: “Cái điện ảnh Việt thiếu là phim thực sự có sáng tạo nghệ thuật. Hiện thực xã hội nảy sinh nhiều vấn đề, có nhiều đề tài hay, nhưng người làm điện ảnh tư nhân thì tránh xa, họ không chi tiền để làm những phim như vậy; họ phải đánh vào thị hiếu của thanh niên thành phố để thu lợi nhuận. Trong khu vực nhà nước, trước đây có một số phim nói về vấn đề nóng của xã hội được tài trợ, nhưng số lượng phim khu vực nhà nước thu hẹp, chỉ còn khoảng 2 phim/năm, đều là phim về lãnh tụ, kỷ niệm ngày lễ lớn. Đó là lý do tại sao ít có những phim về đề tài xã hội, và càng ngày càng cảm thấy không có hy vọng”. Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận xét: “Tuy nhiên, tiền không phải là quan trọng nhất. Thực tế, nhiều nghệ sĩ gặp lãnh đạo nhà nước đều chỉ xin kinh phí, nhưng bao nhiêu là vừa, và nhà nước cấp cho ngành nhiều rồi, nhưng tại sao chưa có phim hay?.. Để tháo gỡ vấn đề này, ở cấp vĩ mô phải được bàn thảo thấu đáo để tìm ra giải pháp”.

Diễn viên, NSƯT Mỹ Uyên cũng bày tỏ sự lo lắng trước hiện thực phim “lượng” nhiều hơn “chất” hiện nay: “Hiện nay, nhà nhà làm phim, từ phim truyền hình tới phim chiếu rạp, có thể nói lượng nhiều, nhưng chất chưa nhiều. Trong đó, sự ra đời của phim chiếu rạp nhiều, điều kiện rạp phát hành rộng mở; phim được quảng cáo rầm rộ khiến khán giả tò mò. Nhưng đến khi công chiếu chính thức thì đa số phim đều thể hiện quá dễ dãi về nội dung lẫn dàn dựng. Đương nhiên, không phủ nhận thực tế cũng có những tác phẩm nghiêm túc thì chỉ trụ lại rạp một vài ngày. Có lẽ do các nhà làm phim quen chiều theo sở thích khán giả nên khi có món ngon nhưng họ lại không quen”. Nữ diễn viên chia sẻ: “Việc cho ra đời những tác phẩm chính luận để khán giả trẻ hiểu về lịch sử, văn học nước nhà rất quan trọng. Tránh đến lúc để mất định hướng, mất thị trường thì mới sửa sai thì đã quá muộn”.

Không phủ nhận là vẫn có những nhà làm phim miệt mài cho ra những tác phẩm nghệ thuật thực sự, và lặng lẽ thăng hoa ở các LHP quốc tế. “Đập cánh giữa không trung” của Nguyễn Hoàng Điệp và “Cha và con và…” của Phan Đăng Di là hai thí dụ điển hình nhất của dòng phim nghệ thuật hiện nay ở Việt Nam. Tuy ít ỏi nhưng đó thực sự là những điểm sáng làm nức lòng những người yêu mến dòng phim nghệ thuật./.

TUYẾT LOAN/Theo Nhân dân điện tử

Chia sẻ bài viết