Tiếng Việt | English

21/07/2015 - 14:24

Điển hình trong xây dựng nông thôn mới

Từ một cựu chiến binh với đôi bàn tay trắng, cuộc sống thiếu trước hụt sau, qua nhiều năm tích lũy, giờ đây gia đình ông Ngô Hồng Hải, ngụ ấp Bằng Lăng, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An trở thành một trong những hộ khá ở địa phương. Không những vậy, ông còn tích cực tham gia các phong trào từ thiện xã hội, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Một trong 4 trạm bơm của gia đình ông Hải

Người đàn ông 61 tuổi từng trải qua nhiều vất vả tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi. Gương mặt trầm ngâm khi nhớ về những tháng ngày khó nhọc đã qua, ông Hải kể lại, quê ông ở Đồng Tháp. Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, cha ông là người có công trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Năm 1954, khi ông vừa mới chào đời chưa được bao lâu, mẹ ông qua đời, cha lại tập kết ra Bắc. Từ nhỏ, ông được ông bà ngoại chăm sóc và nuôi dưỡng. Tròn 15 tuổi đầu, ông được các anh cán bộ địa phương động viên tham gia cách mạng. Tiếp nối truyền thống gia đình, ông tham gia kháng chiến chống Mỹ.

Lúc đầu, ông được phân công làm nhiệm vụ giao liên, đi dân công phá lộ, phá ấp chiến lược, chống địch càn quét bình định,... Sau đó, ông được chuyển về công tác tại đơn vị đoàn tải X16, thuộc khu Trung Nam bộ và một số đơn vị khác,...

Đến năm 1977, ông lập gia đình và có con. Cuộc sống lúc này vô cùng khó khăn. Hai năm sau, ông xin xuất ngũ về địa phương. Khi đó, gia đình ông không có ruộng đất, tiền bạc. Những lúc vợ con ốm đau phải trông chờ vào sự đùm bọc của hàng xóm.

Thời gian đó, một số anh em trong đơn vị về thăm thấy hoàn cảnh vất vả, mọi người góp tiền cho mượn để ông mua đất cất nhà ở. Bản thân ông không trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác mà cố gắng làm thuê, nuôi sống gia đình, dành dụm tích lũy qua từng năm.

Nắm được chủ trương của tỉnh vận động khai hoang lấp kín Đồng Tháp Mười, năm 1987, ông đến xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường xin đất khai hoang được 8ha.

Thời điểm đó, khoa học kỹ thuật nông nghiệp còn chưa phát triển, máy móc chưa nhiều, do đó canh tác lúa năng suất còn thấp. Ông tự học hỏi, tích cực tham gia các lớp tập huấn khuyến nông để áp dụng kỹ thuật mới vào canh tác. Vì vậy, năng suất lúa hằng năm đều tăng lên, từng bước tích lũy dần vốn sản xuất.

Những năm 2000, phong trào cơ giới hóa nông nghiệp, sản xuất tập trung, nhu cầu giảm chi phí bơm nước đòi hỏi lập các trạm bơm điện là một thực tế khách quan.

Được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương, năm 2008 ông mạnh dạn đầu tư thí điểm 1 trạm bơm điện. Bước đầu cho hiệu quả, ông tiếp tục bỏ vốn đến nay được 4 trạm bơm, kinh phí 3 tỉ đồng, phục vụ tưới tiêu cho trên 600ha đất trồng lúa của nhân dân trong xã Tân Ninh. Qua đó, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong xã sản xuất vừa tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, từ một gia đình nghèo khó, cuộc sống của gia đình ông đã ổn định, nuôi 5 người con học hành đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định.

Hiện 3 người đã có bằng đại học, trong đó 2 người đang công tác tại Viễn thông Long An, 1 người làm việc tại Công an thị xã Kiến Tường, tất cả đều là đảng viên. Bản thân ông tham gia sinh hoạt tại nhiều đoàn thể địa phương, nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Ngoài ra, ông còn được Hội Cựu chiến binh Việt Nam cấp giấy chứng nhận đạt danh hiệu hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Hằng năm, ông tham gia đóng góp đầy đủ các loại quỹ phúc lợi ở địa phương trên 10 triệu đồng, hiến đất làm đường giao thông nông thôn.

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, ông bảo: “Nhờ ý chí vượt khó mà gia đình tôi có được như ngày nay. Bản thân tôi luôn tâm niệm, lúc trẻ thì xung phong, về già phải mẫu mực. Chính những điều đó, giúp tôi thành công./.

Thanh Nga  

Chia sẻ bài viết