Chị Nguyễn Thị Hồng (khu phố 2, phường 2, thị xã Kiến Tường) (bên trái) cùng thành viên nhóm làm rau câu 3D
Cải thiện năng suất lao động
Năm 2023, các địa phương trong tỉnh Long An triển khai 148 lớp đào tạo nghề cho 4.101 LĐNT. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các địa phương tiếp tục mở 86 lớp đào tạo nghề cho 2.617 LĐNT, tập trung ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Trong đó, có nghề trồng lúa, rau, chanh ứng dụng công nghệ cao; các nghề phi nông nghiệp như nấu ăn, làm rau câu 3D, trang điểm, vận hành sửa chữa máy,...
“Công tác đào tạo nghề cho LĐNT thời gian qua cơ bản đáp ứng nhu cầu người học, gắn với phát triển KT-XH và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đa số học viên sau học nghề đều áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất, nuôi trồng đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn.
Một số bộ phận LĐNT tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, là nòng cốt trong các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi, tổ hội nông dân, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở nông thôn” - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) - Nguyễn Đại Tánh cho biết.
Anh Lữ Hữu Lộc (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) chăm sóc hoa màu
Anh Lữ Hữu Lộc (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) là một trong những trường hợp ứng dụng thành công kiến thức từ lớp đào tạo nghề. Hiện anh canh tác 4.500m² dưa leo, bí đao, khổ qua,...
Thu nhập của anh dao động khoảng 20 triệu đồng/tháng. “Những năm trước, người dân trong xã chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, phụ thuộc vào vụ mùa nên thu nhập không ổn định, bấp bênh. Sau này, tôi bắt đầu trồng hoa màu để cải thiện chất lượng sống.
Tuy nhiên, thời điểm đầu, tôi chưa ứng dụng kỹ thuật tốt nên năng suất không cao. Nhờ tham gia lớp đào tạo nghề, tôi biết thêm nhiều kiến thức mới về xử lý đất, lựa chọn phân bón phù hợp, ứng dụng máy móc nông nghiệp, cách phòng trừ sâu, bệnh” - anh Hữu Lộc chia sẻ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Phòng LĐ-TB&XH huyện Mộc Hóa phối hợp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức 7 lớp dạy nghề cho LĐNT về kỹ thuật trồng mít, trồng dưa hấu, trồng lúa ứng dụng công nghệ cao, nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao. Tổng số học viên tham gia các lớp đào tạo nghề là 192 người.
"Mỗi năm, phường 2, thị xã Kiến Tường đều cố gắng mở 1 lớp dạy nghề cho LĐNT, mỗi lớp có khoảng 30-35 học viên, chủ yếu là lớp chăn nuôi hoặc trồng trọt nhằm hỗ trợ người dân tăng thêm thu nhập, cải thiện chất lượng sống”.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 2, thị xã Kiến Tường - Huỳnh Thanh Vinh
"Bên cạnh các nghề nông nghiệp, Phòng LĐ-TB&XH huyện Đức Huệ còn đẩy mạnh đào tạo các nghề: Hàn, tiện, điện, chế tạo ôtô gắn với Đề án Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2020-2025. Phòng phối hợp Huyện Đoàn vận động đoàn viên, thanh niên trong độ tuổi có nhu cầu tìm việc làm tham gia các lớp dạy nghề”.
Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đức Huệ - Trần Quốc Bảo
"Để bổ sung kiến thức, tôi thường tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn như chăm sóc cây cảnh, trồng hoa màu. Qua đó, giúp tôi trồng cây kiểng, bonsai đạt hiệu quả. Hiện tôi giữ chức Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cây kiểng của ấp”.
Ông Nguyễn Văn Riếp (ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa)
|
Tạo việc làm thiết thực cho người dân
Tuy đạt những kết quả nhất định, công tác đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn nhiều khó khăn. Nhu cầu sử dụng lao động phi nông nghiệp còn hạn chế khiến việc triển khai các nghề này gặp khó khăn.
Ngoài ra, việc khảo sát và xác định ngành nghề chưa phù hợp cũng ảnh hưởng đến giải quyết việc làm sau đào tạo.
Các nông dân của huyện Mộc Hóa nhận chứng nhận sau lớp học nghề kỹ thuật trồng cây ăn quả
Một trong những nguyên nhân chính là do công tác tuyên truyền chưa sâu, rộng, chưa tạo được nhận thức đúng đắn về đào tạo nghề trong đời sống. Bên cạnh đó, hoàn cảnh khó khăn của nhiều LĐNT cũng là rào cản lớn.
Để tháo gỡ những khó khăn này, thị xã Kiến Tường có những giải pháp thiết thực trong thực hiện công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Thị xã tập trung đa dạng hóa hình thức tuyên truyền qua các băng rôn, khẩu hiệu, đài truyền thanh; đồng thời, phối hợp chặt chẽ các đoàn thể để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về học nghề, việc làm.
6 tháng đầu năm 2024, thị xã đã tổ chức được 10 lớp, trong đó có 3 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp kỹ thuật làm rau câu 3D với 75 học viên, kinh phí hơn 72 triệu đồng. Về đào tạo nghề nông nghiệp, thị xã tổ chức 7 lớp cho 165 học viên, học các nghề như kỹ thuật trồng mai vàng, mai chiếu thủy; trồng rau ứng dụng công nghệ cao; nuôi bò ứng dụng công nghệ cao; kỹ thuật nuôi ếch;... với kinh phí hơn 149 triệu đồng.
Lớp học nghề kỹ thuật làm rau câu 3D ở phường 2, thị xã Kiến Tường thu hút nhiều người tham gia
Một trong những lớp học được đánh giá cao là kỹ thuật làm rau câu 3D. Nhờ đó, người dân, nhất là phụ nữ có thêm kỹ năng, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Trước đây, cuộc sống của chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1982, ngụ khu phố 2, phường 2, thị xã Kiến Tường) xoay quanh công việc nội trợ và nhận may vá tại nhà với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, với niềm đam mê làm đẹp và mong muốn cải thiện kinh tế gia đình, chị đăng ký tham gia lớp học làm rau câu 3D do phường tổ chức. Chị Hồng bộc bạch: “Lớp học thực sự bổ ích, tôi có thể làm rau câu ngon, đẹp mắt với các nguyên liệu quen thuộc như lá cẩm, lá dứa, trái dành dành.
Nhờ những kiến thức tiếp thu được, tôi cùng các chị em trong khu phố đã thành lập một nhóm làm rau câu phục vụ các sự kiện, lễ, tiệc. Nhóm không chỉ giúp chị em có thêm thu nhập mà còn mang đến những món ăn đẹp mắt, an toàn cho cộng đồng”.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT, trong năm 2024, Sở LĐ-TB&XH sẽ đào tạo nghề cho 3.900 LĐNT và bảo đảm có việc làm sau đào tạo hơn 80%. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục phối hợp các cơ quan truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng; liên kết giữa các phòng, ban cấp huyện và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tổ chức các lớp đào tạo phù hợp với nhu cầu của địa phương.
Ngoài kiến thức chuyên môn, người học còn được trang bị thêm kỹ năng mềm như an toàn lao động và khởi nghiệp. Cuối cùng, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm chất lượng đào tạo và sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội để đạt hiệu quả cao nhất./.
|
Thời gian qua, các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Bến Lức được tổ chức thường xuyên. Các lớp dạy nghề đã góp phần hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững.
|
Hoàng Lan - Ngọc Hân