Tiếng Việt | English

06/03/2022 - 09:30

Độc đáo nghệ thuật đắp tranh tường xi măng

Từ những nguyên liệu đơn giản như cát, xi măng, nước, màu sơn,... anh Lê Hoàng Khải (SN 1988, ngụ xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) đã tạo ra nhiều tác phẩm tranh tường xi măng có đường nét tinh xảo, sống động.

Theo anh Khải, đắp tranh tường xi măng còn được gọi là đắp tranh phù điêu xi măng, cái khó nhất của công việc này là tạo được độ vênh cho các chi tiết, họa tiết trong tác phẩm. Khác với vẽ tranh tường, đắp tranh đòi hỏi người thợ nhiều kỹ thuật.

“Để làm được một bức tranh tường xi măng đẹp, đầu tiên phải có bản phác thảo. Tiếp theo, người thợ sẽ trộn đều các nguyên liệu theo công thức và tỷ lệ riêng. Công thức trộn hồ trong đắp tranh tường không giống trong xây dựng nhà ở, hồ khi đắp tranh tường phải dẻo để tạo độ mềm mại, tự nhiên cho các chi tiết, họa tiết. Sau khi đắp thành hình sẽ tiến hành lên màu theo yêu cầu của khách” - anh Khải tiết lộ.

Dụng cụ làm nghề quen thuộc của anh Khải là chiếc bay. Theo anh, bay Huế là dụng cụ chuyên dụng dùng để đắp phù điêu. Ngoài ra, người thợ còn có thể sử dụng một số loại bay xây dựng khác để làm. Qua bàn tay khéo léo của những người thợ, các nguyên liệu thô cứng được “hô biến” thành những bức tranh mềm mại, có hồn.

Sau nhiều năm làm nghề, anh Khải nhận được sự tin tưởng của khách hàng, nhận nhiều công trình lớn ở các đình, chùa,...

Được biết, hiện anh Khải giảng dạy bộ môn Mỹ thuật tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, huyện Cần Giuộc. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, anh về công tác tại huyện Cần Giuộc theo đúng chuyên ngành đã học. Kể về "ngã rẽ" với công việc đắp tranh tường, anh Khải nói, từ khi còn là sinh viên, anh đã vẽ tranh tường để kiếm thêm thu nhập. Thời điểm đó, nhiều khách hàng yêu cầu kết hợp giữa vẽ và đắp tranh nên anh quyết định thử sức. Anh bắt đầu học hỏi kinh nghiệm từ những thợ có tay nghề cao. Vốn có đam mê và bản thân đã được trang bị kiến thức về mỹ thuật từ khi đi học nên anh nhanh chóng bắt nhịp với loại hình này.

Gắn bó với công việc đắp tranh tường từ năm 2009 đến nay, ban đầu, anh chỉ đắp những công trình nhỏ tại nhà dân, dần dần, anh tích lũy kinh nghiệm, lãnh những công trình lớn tại các đình, chùa, miếu,... Anh Khải chia sẻ: “Công trình lớn đầu tiên tôi nhận là thi công ngôi đình gần nhà. Sau khi hoàn thành công trình, mọi người thấy đẹp nên đã giới thiệu tôi với nhiều khách hàng. Hiện tại, ngoài đắp tranh tường xi măng, tôi còn nhận thi công làm hòn non bộ, vẽ tranh tường cho các trường học, quán cà phê,... Đối với hòn non bộ, tôi sẽ thiết kế sẵn 4-5 mẫu theo không gian nhà của khách hàng, khách ưng ý mẫu nào thì tôi làm mẫu đó. Công việc này đòi hỏi sự sáng tạo, tôi phải thường xuyên học hỏi, cập nhật các xu hướng mới, kiểu dáng mới để đáp ứng yêu cầu của khách”.

Các nguyên liệu thô cứng được “hô biến” thành những bức tranh mềm mại, có hồn

Trở về với công việc chuyên môn, anh Khải là giáo viên tận tụy, hết lòng vì học sinh. Song song đó, anh luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do trường và địa phương phát động. Anh Khải đã 11 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, 2 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 2 lần nhận bằng khen của UBND tỉnh, là đảng viên xuất sắc nhiều năm liền. Ngoài ra, anh nhiều lần đoạt giải tại các hội thi đổi mới phương pháp, giáo viên dạy giỏi, hội thi thiết kế giáo án tương tác, hội thi thiết kế giáo án Elearning, sáng tạo đồ dùng dạy học ở cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh. Đặc biệt, anh vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong năm học 2019-2020./.

N.Dung

Chia sẻ bài viết