Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Hoàng Đình Cán
Về tầm bao quát và tầm nhìn của ĐH XIII, tôi cho rằng phần này mới trong nhiệm vụ của ĐH XIII. ĐH XIII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. ĐH diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu,… Trải qua gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, trong đó có 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020. ĐH có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết (NQ) ĐH XII gắn với đánh giá tổng quát tiến trình đổi mới,...
Mới trong xác định chủ đề, phương châm chỉ đạo ĐH. Đó là tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Chủ đề của ĐH XIII: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN. So với chủ đề ĐH XII, dự thảo chỉ giữ nguyên thành tố về bảo vệ Tổ quốc, phát triển các thành tố còn lại. Thành tố mục tiêu đề ra cho đến giữa thế kỷ XXI. Phương châm chỉ đạo ĐH XII: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới”, dự thảo nêu “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”.
So với văn kiện Đại hội XII của Đảng, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm mới nổi bật (Trong ảnh: Các cấp, các ngành tuyên truyền Đại hội XIII)
Mới trong xác định mục tiêu phát triển. So với ĐH XII, mục tiêu tổng quát không chỉ đề cập đến xây dựng Đảng mà cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bổ sung mục tiêu: Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN; phát huy sáng tạo, ý chí, khát vọng phát triển; chú trọng đổi mới sáng tạo, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.
Phần thứ hai về đánh giá kết quả thực hiện NQĐH XII và diện mạo đất nước sau gần 35 năm đổi mới, tôi cho rằng, có điểm mới về nguyên nhân đạt được kết quả NQ, đó là kết quả của cả một quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ ĐH của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Mới trong nội dung một số kinh nghiệm. So với ĐH XII, dự thảo đề cập đến xây dựng Đảng cả về chính trị, đạo đức, tổ chức, cán bộ; xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Về hệ quan điểm chỉ đạo và định hướng phát triển đất nước, mới trong dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm sắp tới. Về dự báo tình hình thế giới, so với ĐH XII, dự thảo bổ sung một số dự báo mới, nổi bật là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; kinh tế thế giới tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng và suy thoái;… Về dự báo trong nước, so với ĐH XII, dự thảo bổ sung tình hình biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường; những đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hệ lụy của biến đổi khí hậu,…
Mới trong việc đề ra hệ quan điểm chỉ đạo. ĐH XII không có mục tiêu quan điểm chỉ đạo. Trong khi dự thảo: Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong giai đoạn tới đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn các quan điểm cơ bản,… Mới trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. ĐH XII nêu 12 nhiệm vụ tổng quát cho 5 năm. Dự thảo nêu 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trên 12 vấn đề.
Trong định hướng phát triển trên các lĩnh vực, dự thảo mới trong định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế. So với ĐH XII, dự thảo bổ sung nhiệm vụ, giải pháp: Điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực,… Về định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, dự thảo cũng nêu nhiều nhiệm vụ, giải pháp mới. Về định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, xã hội, con người; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cũng có nhiều điểm mới. Trong xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, dự thảo nêu nhiệm vụ, giải pháp mới. Đó là tập trung hoàn thiện và triển khai xây dựng giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam. Thực hiện những giải pháp đột phá, mạnh mẽ nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội,...
Về quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, so với ĐH XII, dự thảo có những điểm bổ sung. Đó là xây dựng thực hiện hệ thống luật pháp, chính sách, chiến lược quản lý tài nguyên đất. Phát triển lành mạnh thị trường đất. Tăng cường thanh, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất,…
Định hướng nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, dự thảo kế thừa và phát triển ĐH XII. Định hướng nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, ĐH XII nêu 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Dự thảo nêu 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. So với ĐH XII, dự thảo bổ sung việc nắm vững, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội. Gắn nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách, phát triển, hoàn thiện đường lối, chủ trương phát triển, bảo vệ Tổ quốc,…
Về những nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá phát triển trong nhiệm kỳ ĐH XIII, ĐH XII nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm. Dự thảo cũng nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm nhưng nội dung của từng nhiệm vụ trọng tâm có nhiều điểm mới về Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị; về kinh tế; về quốc phòng - an ninh, đối ngoại; văn hóa, xã hội, con người; dân chủ XHCN, đại đoàn kết toàn dân tộc; đất đai, tài nguyên, môi trường,...
Dự thảo nêu 3 đột phá chiến lược do ĐH thứ XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển. 5 năm tới, để phù hợp với điều kiện, yêu cầu mới cần tập trung vào các khâu đột phá cụ thể. Trước hết là hoàn thiện đồng bộ các thể chế phát triển; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội,…
Thanh Nga (lược ghi)