Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười làm thay đổi cục diện thế giới, đó là sự thể nghiệm thắng lợi chủ nghĩa Mác-Lênin trong thực tiễn, để lại những phương pháp và bài học kinh nghiệm vô giá cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH).
Những vụ mùa bội thu. Ảnh: Hữu Tuấn
Vận dụng vào cách mạng Việt Nam
Tiếp thu tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin và bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Mười Nga: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Nguyễn Ái Quốc cho rằng, cần vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân Việt Nam đang bị mất nước. Thành lập mặt trận dân tộc thống nhất để huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Công - nông là gốc, liên minh với các giai tầng khác phải chú ý đến lợi ích của giai cấp công - nông và của dân tộc. Chủ trương tập hợp lực lượng của Nguyễn Ái Quốc phản ánh tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người.
Năm 1942, Người chủ trương già, trẻ, gái, trai, dân, lính đều tham gia đánh giặc. Năm 1944, Người viết: “Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, vũ trang toàn dân”. Thực hiện đường lối đoàn kết dân tộc với việc thành lập mặt trận dân tộc mà thời kỳ trước đó đã tiến hành với nội dung, hình thức thích hợp, Nguyễn Ái Quốc đóng góp lớn vào việc quyết định và thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) thay cho “Mặt trận Dân tộc thống nhất Phản đế Đông Dương”, nhằm đoàn kết và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, đánh đuổi Pháp, Nhật.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII và lời Kính cáo đồng bào của Nguyễn Ái Quốc, ngày 06/6/1941, làm dấy lên phong trào cách mạng trong cả nước. Mọi người ra sức thực hiện Nghị quyết của Đảng và lời kêu gọi của Người: “Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đương vang dội bên tai các đồng chí! Máu nóng các bậc anh hùng đương sục sôi trong lòng các đồng chí! Chí phấn đấu của quốc dân đương chờ đợi sự lãnh đạo của các đồng chí!”.
Với quan điểm đó, Đảng Cộng sản Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo cách mạng luôn biết phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, dựa vào dân để làm nên những chiến thắng vang dội, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc. Trong quá trình đổi mới, Đảng ta tiếp tục phát huy vai trò của quần chúng nhân dân. Cũng chính từ thực tiễn sáng tạo của nhân dân, Đảng ta đúc rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn để đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mang tính quyết định, tạo nền tảng đưa đất nước tiến lên con đường xây dựng CNXH.
Phát huy sức mạnh của nhân dân
Thực tế của quá trình đổi mới đất nước, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn: CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch tăng cường chống phá Việt Nam, tình hình KT-XH của đất nước gặp nhiều khó khăn,...
Song, Đảng ta luôn dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân để vượt qua khó khăn, đưa đất nước đi vào ổn định và phát triển. Những thành tựu của đất nước qua hơn 30 năm đổi mới là minh chứng rõ ràng của sức mạnh nhân dân. Quá trình đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhân dân tham gia, nhân dân đồng tình hưởng ứng để tạo thành một sức mạnh tổng hợp của sự đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên CNXH.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta khẳng định: Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ XHCN và của Đảng.
Qua 30 năm đổi mới, Đảng ta cũng rút ra bài học kinh nghiệm quan trọng: Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân. Rút ra bài học kinh nghiệm đó không chỉ là sự tổng kết của lịch sử dân tộc, của quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và của quá trình đổi mới đất nước mà còn là kim chỉ nam cho định hướng phát triển trong tương lai của dân tộc.
Sản xuất công nghiệp ngày càng phát triển. Ảnh: Mai Hương
Đổi mới phải dựa vào nhân dân
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Các nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII đưa ra đến nay vẫn tồn tại và có nhiều diễn biến phức tạp, trở thành những thách thức trong thực tế đối với Đảng và với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Vì vậy, dựa vào thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước, dựa vào nhân dân, lấy dân làm gốc để đề ra những chủ trương đúng đắn, sát hợp của Đảng ta là điều cần thiết trong quá trình đưa đất nước đi lên CNXH trong tình hình mới.
Để khôi phục, củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, để dân ủng hộ, dân tích cực thực hiện đường lối đổi mới, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Cần tạo điều kiện, cơ chế để nhân dân góp ý xây dựng Đảng và Nhà nước, nhân dân kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên nhất là trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, nhân dân thực hiện vai trò giám sát, phản biện đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua các tổ chức chính trị-xã hội.
Cần có những hình thức, cơ chế để phát huy mạnh mẽ dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực sự là chủ thể của quyền lực chính trị, quyền lực Nhà nước. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia góp ý kiến trong các khâu của quá trình từ việc dự thảo, đưa ra quyết định đến tổ chức thực hiện.
Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thách thức mới, Đảng phải kiên định, giữ vững vai trò lãnh đạo, năng động, sáng tạo, phân tích thấu đáo thực tiễn để kịp thời đề ra đường lối đúng đắn, đồng thời tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ, đưa sự nghiệp cách mạng nước nhà tiếp tục phát triển. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, có những lúc mắc sai lầm, khuyết điểm, nhưng Đảng ta thẳng thắn thừa nhận và kiên quyết sửa chữa, vì lợi ích của nhân dân. Chính điều đó giúp cho Đảng nhanh chóng lấy lại niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân.
Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, những bài học đổi mới do các đại hội của Đảng nêu lên đến nay vẫn còn nguyên giá trị, trong đó có bài học “Đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo... Đổi mới là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Để công cuộc đổi mới thành công, phải động viên được mọi tầng lớp nhân dân và các thành phần kinh tế tham gia”./.
Thạc sĩ Võ Thị Bích
(Trường Chính trị tỉnh Long An)